Tại sao bia, rượu nhập khẩu tràn lan?
Hoàng Ngọc
(TBKTSG) – Việc mặt hàng rượu, bia được nhập khẩu dồn dập vào những ngày cuối năm với số lượng lớn làm dư luận phải đặc biệt chú ý.
Hiện tượng này cho thấy những vấn đề sau: Thứ nhất, quy mô thị trường bia, rượu của Việt Nam có tiềm năng rất lớn do có dân số trẻ và một nền kinh tế đang phát triển nhanh. Đây là lý do để các nhãn hàng nước ngoài tranh nhau vào khai thác.
Thứ hai, Nhà nước đã ban hành những điều kiện buộc các nhà nhập khẩu và kinh doanh bia rượu phải đáp ứng vì những mặt hàng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra tác động đến xã hội. Ở đây, việc quy định điều kiện kinh doanh không chỉ là hàng rào bảo hộ mà còn thể hiện sự giám sát về chất lượng sản phẩm cũng như những tiêu cực của nó đối với môi trường xã hội và các chi phí y tế liên quan. Cho nên việc hạn chế tiêu thụ là điều hiển nhiên.
Thứ ba, chắc chắn khi mặt hàng bia, rượu được nhập khẩu ồ ạt thì khâu quản lý đang có vấn đề. Chẳng hạn, thay vì đầu tư nhà máy ở Việt Nam để phục vụ nhu cầu nội địa, các công ty nước ngoài có xu hướng nhập khẩu 100% các loại sản phẩm. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam với không ít ưu đãi dành cho nhà đầu tư lúc ban đầu.
Thứ tư, những ai làm việc trong ngành vận tải – xuất nhập khẩu đều biết mặt hàng rượu, bia được đặc biệt chú ý khi xuất đi nước ngoài bởi cần phải làm rất nhiều thủ tục, giấy phép nhiêu khê để nhà nhập khẩu thông quan lô hàng ở cảng đến. Nếu không đảm bảo yêu cầu này, nhà vận chuyển sẽ từ chối xếp hàng lên tàu.
Tóm lại, việc xuất khẩu mặt hàng bia, rượu rất khó khăn và phải vượt qua rất nhiều hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu. Năm 2009 một lô hàng bia của Việt Nam xuất sang một nước trong khu vực đã bị giữ lại cảng cả tháng trời với biết bao thủ tục và chi phí phát sinh, kể cả tiền phạt.
Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý của ta ở đây là tại sao lại để tình trạng nhập khẩu bia, rượu tràn lan như vậy?