Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tại sao cần bật đèn xe máy vào ban ngày?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tại sao cần bật đèn xe máy vào ban ngày?

Trần Nguyễn Phước Thông(*)

(TBKTSG Online) – Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đã đưa ra quy định xe máy phải bật đèn cả ban ngày khi tham gia giao thông. Từ kinh nghiệm và nghiên cứu của nhiều nước có thể cho thấy việc bật đèn xe máy vào ban ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông ở nước ta.

Dự thảo còn đang tranh cãi, thị trường đã có xe máy tự bật đèn ban ngày

Tại sao cần bật đèn xe máy vào ban ngày?
Một nghiên cứu vào năm 2004 cho thấy việc sử dụng đèn pha đã giúp giảm 23% các vụ tai nạn ngược chiều liên quan đến người đi xe máy. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Theo khoản 3 điều 27 của dự thảo trên, trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn chiếu hậu hoặc đèn định vị theo thiết kế của nhà sản xuất.

Nền tảng của đề xuất này xuất phát từ điều 32 của Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ mà Việt Nam là thành viên, theo đó vào ban ngày, xe mô tô phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu gần ở đằng trước và một đèn màu đỏ ở phía sau; luật pháp nước sở tại có thể cho phép sử dụng các đèn lưu thông ban ngày thay đèn chiếu gần. Rõ ràng, khi nước ta đã tham gia công ước thì buộc phải tuân theo quy định.

Thực tiễn áp dụng từ các nước khác

Từ thực tiễn, có thể thấy nhiều nước đã áp dụng quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày và đã có được những số liệu tích cực.

Thông qua nhiều nghiên cứu và thống kê, Na Uy, Đan Mạch và Canada đều cho biết kể từ khi áp dụng quy định xe mô tô bật đèn, tỷ lệ tai nạn giao thông vào ban ngày đã giảm đáng kể từ 6-11%. Tại Mỹ, trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1983, quy định xe máy bật đèn nhận diện vào cả ban ngày được thi hành ở 14 tiểu bang.

Kết quả là đối với các bang có luật được thi hành, đã có sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ các vụ va chạm vào ban ngày so với các vụ va chạm vào ban đêm. Một vài nghiên cứu chi tiết hơn cho thấy rằng, đã giảm 13% các vụ tai nạn xe máy vào ban ngày đối với các bang thực thi quy định. Nếu tất cả các bang thực hiện quy định này thì ước tính có thể tránh được hơn 140 vụ va chạm xe máy gây tử vong.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều nhóm chuyên về an toàn giao thông trên khắp Mỹ và châu Âu cũng cho thấy, việc sử dụng đèn nhận diện vào ban ngày có thể giúp ngăn ngừa từ 7-25% các vụ va chạm chết người vào ban ngày. Từ đó, họ tổng kết rằng việc xe máy bật đèn ban ngày giúp giảm tỷ lệ tai nạn từ 5-10% về mặt số liệu.

Để làm nổi bật tầm quan trọng của đèn DRL (Daytime Running Lights – đèn chạy ban ngày) đối với người đi xe máy, một nghiên cứu năm 2004 cũng cho thấy việc sử dụng đèn pha đã giúp giảm 23% các vụ tai nạn ngược chiều liên quan đến người đi xe máy.

Tại sao cần bật đèn xe máy vào ban ngày?

Đèn DRL được thiết kế để tăng khả năng hiển thị của xe trong điều kiện ánh sáng ban ngày và chúng được thiết kế để tạo ra mức độ sáng tối thiểu so với đèn sương mù ở các nước châu Âu.

Có thể thấy rằng lý do phổ biến nhất mà chúng ta được nghe trong một vụ tai nạn giữa xe hơi và xe máy là người lái xe ô tô nói rằng họ đã không nhìn thấy sự hiện diện của xe máy.

Một nghiên cứu cho thấy 4 trong số 5 vụ tai nạn ban ngày xảy ra tại các giao lộ là do người lái xe không nhìn thấy chiếc xe ở hướng đối diện. Theo nhiều nhận định của chuyên gia thì ngay cả vào những ngày sáng nhất cũng khó có thể phát hiện ra một số phương tiện đang lưu thông do mật độ các phương tiện.

Do đó, đèn DRL có thể làm tăng tỷ lệ người lái xe chú ý đến các phương tiện khác, đặc biệt là xe máy, từ đó làm giảm nguy cơ va chạm. Nó giống như cung cấp thêm cảnh báo, một sự hỗ trợ để tránh tai nạn nguy hiểm và mang đến một chuyến đi an toàn về nhà.

Như nhiều người nhận định, xe máy là phương tiện yếu thế hơn ô tô và cũng chính vì vậy mà Công ước Viên quy định bật đèn nhận diện xe máy cả ngày để giúp người điều khiển ô tô phát hiện xe máy. Cũng không quá ngạc nhiên vì tỷ lệ tử vong và thương tật ở những người đi xe máy và xe đạp là cao nhất so với những người tham gia giao thông khác.

Tỷ lệ tử vong cho một người đi xe máy được ước tính cao hơn ít nhất 10 lần so với một hành khách trên xe hơi. Ở các nước đang phát triển, tình hình cũng tương tự. Một phần lớn các vụ tai nạn đường bộ liên quan đến tử vong và thương tích nghiêm trọng chủ yếu là trong số những người đi xe máy.

Tại Iran, thống kê tử vong cho thấy có 5.000 – 70.000 người bị thương trong các vụ tai nạn xe máy. Malaysia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao do va chạm giao thông và hơn 50% số ca tử vong là những người đi xe máy.

Ngoài ra, trẻ em, thanh thiếu niên có liên quan nhiều đến các vụ tai nạn xe máy, do tỷ lệ mất mạng cao và chi phí liên quan lớn. Đây là lý do tại sao sự sụt giảm về số lượng các vụ tai nạn sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho các nạn nhân và phúc lợi kinh tế xã hội cho cộng đồng.

Một điều đáng lưu ý khác là việc bật đèn DRL vào ban ngày không rút ngắn tuổi thọ bóng đèn. Các hệ thống đèn này được thiết kế để hoạt động với một nửa công suất bình thường vào ban ngày, do đó nó có thể bảo tồn năng lượng và vẫn hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiên liệu của xe.

Tóm lại, từ kinh nghiệm của nhiều nước và một số nghiên cứu về lợi ích của đèn DRL, việc bật đèn xe máy vào ban ngày sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông ở nước ta. Bỏ qua những yếu tố bên lề như khí hậu nóng nực hay tốc độ lưu thông ở nước ta không cao thì việc đáp ứng quy định của Công ước Viên về giao thông đường bộ cũng là một điều cần thiết phải đáp ứng.

(*) Học viện Tư pháp TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới