Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tạm hoãn xuất cảnh nên là biện pháp sau cùng

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mặc dù biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế đã chứng tỏ hiệu quả nhất định trong việc thu hồi nợ thuế song có lẽ chỉ nên xem đây là giải pháp sau cùng, khi nhiều biện pháp khác như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản... không giúp cơ quan thuế thu được nợ.

Nợ thuế vẫn là vấn đề đáng quan ngại khi số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy đến cuối tháng 11-2024, số tiền thuế bị nợ ước khoảng 192.500 tỉ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nợ có khả năng thu ước khoảng 99.600 tỉ đồng, chiếm gần 52% tổng số nợ. Nợ khó thu chiếm 18%; tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp chiếm 17,3%. Còn lại, tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện chiếm 7,4% và tiền thuế nợ đang xử lý chiếm 5,6%.

Cũng theo cơ quan thuế, lũy kế 11 tháng qua đã thu được 61.200 tỉ đồng tiền thuế bị nợ nhờ nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế. Tính chung 11 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 58.600 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 80.500 tỉ đồng và thu hồi được 4.289 tỉ đồng của 6.648 người nộp thuế.

Có thể thấy, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã chứng tỏ được hiệu quả nhất định trong việc thu hồi nợ thuế. Và cũng vì thế, nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi nợ thuế, Chính phủ đã trình và được Quốc hội nhất trí mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của chín luật thuộc lĩnh vực tài chính tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Trước đây, chỉ người đại diện theo pháp luật của những doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã nợ thuế mới bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì nay, cá nhân kinh doanh và chủ hộ kinh doanh cũng thuộc diện áp dụng chế tài này.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện quy định mới về tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế và dự kiến áp dụng ngay từ ngày 1-1-2025. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cá nhân và chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và quá hạn trên 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã, nếu nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên và quá hạn trên 120 ngày thì người đại diện theo pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Áp dụng chế tài “cấm” là hình thức cao nhất của quyền lực nhà nước, tuy nhiên sử dụng quyền lực này cần có giới hạn hợp lý. Tạo sự đồng thuận, thay vì “sợ hãi” mới là mục tiêu tốt cuối cùng của mọi chính sách đặt ra.

Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngưỡng nợ thuế này là quá thấp và sẽ khiến số lượng người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế có thể tăng mạnh. Từ đó, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại về kinh tế nói chung, thậm chí làm giảm thu ngân sách trong dài hạn. Ngưỡng nợ thuế để phải áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là từ 1 tỉ đồng đối với doanh nghiệp và từ 200 triệu đồng đối với cá nhân.

Mối băn khoăn nữa là dự thảo nghị định nói trên quy định vấn đề cơ quan thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh nhưng chưa có quy định vấn đề dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Rất nhiều câu hỏi đặt ra như: khi nào biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bị dỡ bỏ? Người nợ thuế có cần phải nộp hết toàn bộ số thuế nợ hay chỉ cần nộp một phần thuế sao cho số nợ còn lại nằm dưới ngưỡng quy định hay bất kỳ mức nào khác để được xuất cảnh? Và khi đã nộp thuế thì bao lâu sau sẽ được dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh?

Bên cạnh đó, theo dự thảo nghị định, cá nhân chỉ cần đang nợ thuế quá thời hạn là đã bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, mà không cần có quyết định hành chính về quản lý thuế. Còn với doanh nghiệp, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện theo pháp luật chỉ áp dụng sau khi có quyết định hành chính về quản lý thuế. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp, và bình đẳng. Mặt khác, việc xác định một cá nhân/chủ hộ kinh doanh nợ thuế hoàn toàn dựa trên thông tin lưu trữ nội bộ tại cơ quan thuế, chứ chưa phải là một quyết định hành chính thể hiện ra trước người dân.

Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không ít trường hợp thông tin lưu trữ tại cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn hoặc không đầy đủ dẫn đến việc xác định nghĩa vụ thuế chưa thực sự chính xác. Chỉ khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế và ra quyết định hành chính thuế thì các thông tin này mới được tra soát, đối chiếu và xem xét kỹ lưỡng theo một trình tự, thủ tục đầy đủ.

Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sao cho công bằng, nhân văn cũng hết sức quan trọng. Bởi thực tế, có những doanh nghiệp dù nợ thuế nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài; ngược lại, có những doanh nghiệp khác chỉ nợ thuế “chút ít” do gặp khó khăn tạm thời và họ cần xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng. Lại có những trường hợp lịch sử tuân thủ pháp luật thuế rất tốt, nay nợ thuế vì những lý do khách quan như kinh doanh khó khăn, họ cần được hỗ trợ, khuyến khích để làm ăn khấm khá hơn và thực thi được nghĩa vụ thuế. Hoặc, giả sử người nợ thuế cần ra nước ngoài để điều trị bệnh thì tính sao cho phù hợp?

Mặc dù mục tiêu của đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế là hợp lý nhưng để áp dụng biện pháp này một cách hiệu quả, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu và đưa vào nghị định nhiều ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế. Cũng cần có quy định rõ ràng về các trường hợp đặc biệt (như những người bị bệnh nặng, trường hợp khẩn cấp...), cùng với các biện pháp hỗ trợ cho những cá nhân, doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ thuế nhưng chưa kịp thực hiện nghĩa vụ của mình - ví dụ cho phép nộp thuế ngay tại cửa khẩu. Đồng thời, quy định rõ bao lâu sau khi nộp thuế thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được dỡ bỏ.

Có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế, nhưng họ thường coi đây là biện pháp cuối cùng, sau khi đã thực hiện các giải pháp khác như thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng, mà vẫn không thể thu hồi được nợ thuế, bởi nó ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân. Kinh nghiệm này chúng ta cũng có thể tham khảo.

Hiện nay, để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cơ quan thuế có rất nhiều biện pháp như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản... Có lẽ, cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt là biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba khác, trước khi tính đến các biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân. Khi biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng được thực hiện rốt ráo mà vẫn không mang lại hiệu quả, thì các biện pháp hạn chế quyền khác như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hay tạm hoãn xuất cảnh mới nên được áp dụng.

Áp dụng chế tài “cấm” là hình thức cao nhất của quyền lực nhà nước, tuy nhiên sử dụng quyền lực này cần có giới hạn hợp lý. Tạo sự đồng thuận, thay vì “sợ hãi” mới là mục tiêu tốt cuối cùng của mọi chính sách đặt ra.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cấm đoán, luôn là chế tài pháp lý dễ nhất. Nhưng xét về tính khả thi, lại là giải pháp đẻ ra nhiều thứ rắc rối. Nhớ thời bao cấp, ai cũng từng hãi hùng vì cảnh “ngăn sông cấm chợ”. Nợ thuế, cũng giống như bao dạng nợ khác, đều phải có tiêu chí đo lường cả về quy mô/ cấp độ/ hậu quả… từ đó mới có giải pháp ứng xử phù hợp. Chiếu theo tiêu chí phân loại phổ biến của ngân hàng, nợ có vấn đề thường bao gồm: Nợ cần chú ý/ Nợ dưới tiêu chuẩn/ Nợ nghi ngờ/ Nợ có khả năng mất vốn… Tóm lại, nợ xấu không đồng nghĩa với người xấu. Người xấu, cũng chưa chắc là người hoàn toàn… không tốt, nếu nhìn dưới nhãn quan “nhân tính và nhân văn” ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới