Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tâm lý thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam điều chỉnh mạnh trong tuần trước với 4/5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ, đặc biệt phiên cuối tuần chỉ số VN-Index giảm khá mạnh (hơn 1%). Diễn biến thị trường có sự phân hóa mạnh khi dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu bán lẻ sau thông tin đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Ngược lại, áp lực bán ghi nhận tại cổ phiếu bất động sản sau chuỗi tăng mạnh trước đó. Tính chung cho cả tuần, VN-Index giảm 16,8 điểm (tương đương với 1,57%) so với tuần trước đó, xuống 1.052 điểm.

Giữa bối cảnh thị trường không mấy khả quan, giao dịch của khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi họ đẩy mạnh bán ròng xuyên suốt năm phiên với tổng giá trị bán ròng 309 tỉ đồng, trong đó bán ròng 1.756 tỉ đồng trên kênh khớp lệnh trong khi mua ròng đột biến 1.394 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp khối ngoại bán ròng qua kênh khớp lệnh trên thị trường, và cũng với giá trị cao nhất.

Sau giai đoạn liên tục hút tiền mạnh kể từ giữa tháng 3-2023, quỹ Fubon ETF đã bất ngờ có sự chững lại rõ rệt, thậm chí còn bị rút ròng nhẹ kể từ đầu tháng 4. Đến thời điểm hiện tại, quỹ mới hút ròng được khoảng 64 triệu đô la Mỹ (khoảng 1.500 tỉ đồng), tương đương gần 40% mục tiêu của đợt gọi vốn lần này. Việc quỹ Fubon ETF có phần chững lại trong hoạt động huy động vốn trong khi các quỹ chủ động hết dư địa giải ngân là một trong những nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam chịu áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại thời gian gần đây (tổng giá trị bán ròng qua kênh khớp lệnh trên HOSE của khối này kể từ đầu tháng 4 lên đến hơn 2.300 tỉ đồng).

Trên TTCK thế giới, một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua là dữ liệu về lạm phát của Mỹ. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 0,1% so với tháng 2 (thấp hơn mức 0,2% mà các nhà kinh tế dự báo trước đó). Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 5%, thấp hơn mức dự báo 5,1%. Các số liệu trên cho thấy lạm phát của Mỹ mặc dù vẫn đang cao hơn nhiều so với mức mục tiêu dài hạn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed (2%) nhưng điểm tích cực là đang trong xu hướng dần “hạ nhiệt”. Diễn biến này tiếp tục làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ sớm kết thúc quá trình nâng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ sau cuộc họp vào tháng 5 tới.

Về các thông tin vĩ mô trong nước, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong những phiên gần đây có dấu hiệu bớt dồi dào hơn. Trong phiên ngày 13-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho hệ thống ngân hàng vay mới tổng cộng gần 16.481 tỉ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Đồng thời, nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Trước đó, liên tiếp trong năm phiên từ 6 đến 12-4, NHNN đã bơm ròng thanh khoản cho hệ thống qua kênh OMO với tổng quy mô hỗ trợ đạt gần 29.600 tỉ đồng. Nhu cầu vay mượn vốn của các ngân hàng thương mại có xu hướng gia tăng khi lãi suất liên ngân hàng liên tục leo dốc trong nửa đầu tháng 4 và đã vượt mức 5%/năm, tức cao hơn lãi suất chào thầu OMO của NHNN. Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay tiền đồng bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên mức 5,32%/năm trong phiên ngày 12-4. Như vậy, so với mức ghi nhận được hồi cuối tháng 3, lãi suất qua đêm đã tăng lên gấp 5 lần.

Dù bật tăng mạnh trong những phiên gần đây song lãi suất liên ngân hàng khó có khả năng về lại mức cao như giai đoạn tháng 11-2022 (thời điểm NHNN phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ). Bên cạnh đó, lượng trúng thầu OMO trong những phiên gần đây đều thấp hơn nhiều so với lượng chào thầu của NHNN, cho thấy nhu cầu vay hỗ trợ thanh khoản vẫn thấp hơn khá nhiều so với hạn mức mà nhà điều hành đưa ra. Ngoài ra, lượng tín phiếu đang lưu hành lên tới hơn 110.000 tỉ đồng sẽ là nguồn bổ sung thanh khoản lớn cho hệ thống ngân hàng khi số tín phiếu này bắt đầu đáo hạn vào nửa cuối tháng 5 tới.

Về xu hướng thị trường, sau khi điều chỉnh trong tuần trước, VN-Index đang quay trở lại xu hướng giằng co trong biên độ hẹp đi kèm thanh khoản giảm sút. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 và mùa họp đại hội đồng cổ đông sắp tới đang là những thông tin nhà đầu tư chờ đợi trong ngắn hạn. Tâm lý thận trọng do e ngại kết quả kinh doanh quí đầu năm của các doanh nghiệp giảm sút so với cùng kỳ là điều dễ xảy ra. Khả năng VN-Index điều chỉnh sâu do các cú sốc vĩ mô bất ngờ là thấp nhưng để khôi phục lại xu hướng tăng cũng không phải là dễ, buộc các nhà đầu tư sẽ phải kiên nhẫn hơn nữa trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới