Tâm lý thị trường: Thận trọng và ngắn hạn
Lê Tuấn Bách
Tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư chứng khoán hiện nay là thận trọng và không lạc quan về thị trường. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Từ cuối năm 2009 đến nay, thị trường cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM dường như bàng quan với mọi thông tin dù tốt hay xấu.
Tác động thông tin đến thị trường không còn khiến cho giá chứng khoán dao động mạnh nữa, thay vào đó thị trường lúc này mang đồ hình giống như giai đoạn 2001-2005 trồi sụt với biên độ hẹp. Trong khi đó, có vẻ như thị trường cổ phiếu niêm yết Hà Nội nhạy cảm hơn với tin tức và có xu hướng giảm mạnh hơn.
Một số nguyên nhân gây nên tình trạng thị trường hiện nay đã được đề cập bởi các chuyên gia tài chính bao gồm sự mất cân đối cung cầu lượng cổ phiếu giao dịch, nền kinh tế thế giới chưa phục hồi một cách vững chắc, hiện tượng “nhảy múa” của vàng và tỷ giá, lạm phát và lãi suất có xu hướng tăng...
Để tìm hiểu tâm lý của nhà đầu tư hiện nay và đánh giá của họ về các rủi ro cũng như xu hướng thị trường sắp tới cho giai đoạn từ nay đến đầu năm 2011, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ.
Phương pháp thu thập thông tin
Phỏng vấn trực tiếp các chuyên viên, các nhà quản lý tại các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ trong khoảng thời gian tháng 10 và tháng 11-2010. Đối tượng này có thể được xem là các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán. Ý kiến của họ sẽ mang tính định hướng và có độ tin cậy cao hơn các nhà đầu tư đại trà. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân hiện nay phần lớn đều đầu tư theo hướng dẫn của các chuyên gia chứng khoán này vì thị trường đang chứa nhiều rủi ro.
Thông tin về mẫu khảo sát
Quy mô mẫu là 91 người làm việc tại các công ty chứng khoán Việt Nam như BSC, SSI, TLS, Âu Việt, Beta, ACBS... trong đó 79 chuyên viên chiếm 86,8% mẫu khảo sát phần lớn làm việc trong các phòng phân tích đầu tư và tư vấn tài chính doanh nghiệp, còn lại 12 cán bộ quản lý phòng.
Kết quả khảo sát
Có 46,2% người trả lời hy vọng thị trường sẽ đi lên và 30,8% lại khẳng định thị trường nằm ngang trong khi 7% bi quan cho rằng thị trường sẽ xuống, 15,4% không thể dự đoán được thị trường. Rõ ràng tâm lý hoang mang không chắc chắn về xu hướng của thị trường đang hiện diện hiện nay khi mà 53,8% không hề hy vọng thị trường sẽ lên hoặc nếu có lên sẽ là một đợt sóng ngắn hạn không vững bền.
Với tâm lý như vậy, nhà đầu tư chỉ sử dụng vốn tự có để đầu tư, chỉ có sáu người là mạnh dạn dùng đòn bẩy để chơi chứng khoán. Tuy những người được hỏi làm việc trong lĩnh vực chứng khoán nên việc đầu tư chứng khoán là lẽ tất nhiên nhưng kết quả thống kê cho thấy họ rất thận trọng và dường như chứng khoán không còn hấp dẫn nữa, thay vào đó có lẽ họ đã phân bổ vốn vào các hướng đầu tư khác an toàn hơn vì có tới 57,1% người sẽ đầu tư dưới 60% vốn.
Thận trọng trong quyết định đầu tư và khi nhìn về tương lai thì lại không lạc quan cho lắm nên chiến lược đầu cơ “lượm bạc cắc” ngày càng phổ biến trong thị trường cổ phiếu niêm yết khi đến 48,4% số người được phỏng vấn sẽ theo đuổi chiến lược đầu cơ. Điều ngạc nhiên là các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán thường đầu tư giá trị vì họ có đủ kiến thức kinh nghiệm chuyên môn để phân tích lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp. Nhưng có lẽ sự biến động thị trường với tương lai không sáng sủa đã tác động đến chiến lược đầu tư ngay cả các chuyên gia chứng khoán.
Trong tình trạng của thị trường như hiện nay thì căn cứ nào để nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu? Thống kê cho thấy sau khi khi phân tích cơ bản tìm được công ty tốt, sau khi phân tích kỹ thuật có dấu hiệu mua vào, tiếp cận thông tin nội bộ trước các nhà đầu tư khác, nhận được thông tin tốt bất thường về tình hình hoạt động kinh doanh, được trả cổ tức bằng tiền mặt là những cơ sở để họ quyết định mua cổ phiếu.
Ngược lại, thông tin về dư mua liên tục, nhà đầu tư nước ngoài tăng mua vào, thưởng trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu blue-chip, cổ phiếu penny, đặc biệt là thông tin chốt quyền mua cổ phiếu... là loại thông tin nhà đầu tư không quan tâm, lấy đó làm căn cứ cho quyết định mua. Điều này cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam hiện nay nếu đang có kế hoạch phát hành tăng vốn thì họ cần phải chuẩn bị kỹ càng về phương án phát hành và mục đích sử dụng số vốn thu được từ đợt phát hành sao cho hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trong các căn cứ mua vào thì phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản được ưu tiên nhất làm căn cứ mua, kế đến mới là thông tin tốt từ doanh nghiệp và trả cổ tức bằng tiền mặt. Một thông tin sẽ có giá trị cho các doanh nghiệp niêm yết là tỷ lệ cổ tức mà hiện nay nhà đầu tư có thể chấp nhận được là từ 15-20%.
Đấy là tâm lý mua còn tâm lý muốn bán cổ phiếu, họ cũng rất thận trọng xử lý các khoản lỗ trong quá khứ. Họ không bán ra với bất cứ giá nào nhưng cũng không quên lãng nó hay theo ngôn ngữ kế toán “hạch toán ngoại bảng”. Nhà đầu tư luôn theo dõi cổ phiếu và sẽ bán khi giá đạt trên 60%.
Tổng hợp thông tin thống kê về tâm lý nhà đầu tư cho ta thấy nhà đầu tư thận trọng cả trong quyết định mua và bán. Các khoản giao dịch lớn trên thị trường sẽ khó xảy ra tại thời điểm hiện tại vì bên mua thì chưa chắc mua dù cho thông tin có tốt, bên bán thì không bán ào ạt mà cầm hàng đợi giá phục hồi.
Thống kê mô tả mức độ ảnh hưởng của các rủi ro đến xu hướng thị trường cho thấy các rủi ro bao gồm điều hành chính sách và thay đổi luật lệ, lạm phát và đồng tiền mất giá, biến động lãi suất và các thị trường đem lại các cơ hội đầu tư khác như vàng, ngoại hối... Các yếu tố còn lại như biến động thị trường chứng khoán thế giới, thâm hụt mậu dịch, thất nghiệp và giảm phát không được nhà đầu tư xem trọng.
Một thực tế thì thị trường chứng khoán trong nước từ đầu năm đến nay gần như đi ngược với thị trường chứng khoán thế giới, khả năng giảm phát chưa được xem là yếu tố rủi ro hiện nay trong khi thất nghiệp và thâm hụt mậu dịch có nhưng rất ít khi thấy được phân tích là một yếu tố cần xem xét cho thị trường chứng khoán ở các bản tin phân tích của các công ty tài chính.
Một điểm đáng lưu tâm nữa là rủi ro về thông tin không minh bạch được nhà đầu tư quan tâm chỉ sau những vấn đề nóng hiện nay là thay đổi chính sách, lạm phát và biến động lãi suất. Hiện tượng đầu cơ rất dễ dàng xảy ra ở Việt Nam cũng từ vấn đề bất cân xứng thông tin. Lòng tin của nhà đầu tư chính vì thế dễ bị tổn thương khi có tin xấu xuất hiện vì họ không có cơ sở để kiểm chứng. Xây dựng một hệ thống công bố và kiểm soát thông tin luôn là nhu cầu bức thiết từ trước đến nay của thị trường chứng khoán Việt Nam không riêng gì thị trường niêm yết.