Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tầm nhìn trăm năm!

Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cách nay ít ngày, chuyên mục Vấn đề hôm nay trên báo Tuổi Trẻ có bài: “Sổ hồng” chung cư chỉ có thời hạn 50-70 năm?”, nêu ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia và người dân xoay quanh chuyện Bộ Xây dựng đang đề xuất phương án cấp quyền sử dụng căn hộ chung cư (sổ hồng) theo tuổi thọ thiết kế các tòa chung cư.

Cũng là chuyện quyền sử dụng nhà ở có thời hạn, tôi đặc biệt quan tâm thông tin về những căn hộ chung cư ở Singapore. Theo Ủy ban Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB), cư dân sinh sống trong các căn hộ chỉ được sở hữu tối đa 99 năm.

Giải thích cho chính sách này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay đây là cách duy nhất để “tái chế” đất, đảm bảo con cháu đời sau có nhà mà ở. Quả đất nước họ và con người ở đó thông minh và nhân văn. Đất không tự sinh ra, lại rất hữu hạn trên đảo quốc nhỏ nhắn ấy, nếu không có tầm nhìn trăm năm thì con cháu của họ mai sau lấy đâu nhà để ở!

Ở một diễn biến khác, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án buôn thuốc giả liên quan Công ty VN Pharma. Các bị cáo bị cho là thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân làm trái công vụ dẫn đến thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ cho người bệnh (ung thư).

Hành vi tồi tệ này có thể coi là tội ác, rồi sẽ nhận án phạt nghiêm minh của công lý. Nhưng trước khi những con người này có điều kiện phạm tội tày đình, họ là những quan chức cấp cao, nhà quản lý, lãnh đạo các cấp, các ngành, đã trải qua cả một quy trình quy hoạch, bổ nhiệm… Đành rằng quyền lực có khả năng làm tha hóa một số người nắm giữ nó, nhưng ở tầm vĩ mô, việc soạn thảo, ban hành chính sách liên quan công tác cán bộ cũng như việc kiểm tra, thanh tra, giám sát cần một tầm nhìn cao, rộng, sâu và xa trên nền tảng lấy lợi ích quốc gia, người dân làm căn cốt!

Lĩnh vực nào cũng có tầm quan trọng của riêng nó, nhưng phải chăng sức khỏe con người mới chính là nguồn lực vô giá và quan trọng nhất của một quốc gia? Do vậy, chiến lược về cán bộ lãnh đạo, quản lý chăm lo sức khỏe người dân vì sự phát triển con người và đất nước cũng cần một tầm nhìn cho không chỉ hôm nay mà cả trăm năm sau và cần phải xem đó là việc tối cần thiết.

Lại nghĩ đến sinh mạng những người trẻ trong nhiều vụ đuối nước liên tiếp xảy ra mấy tháng gần đây. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục phải khẩn trương vào cuộc nhằm chấm dứt việc trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước. Tại SEA Games 31, môn điền kinh và bơi lội bắt đầu thi đấu hôm 14-5.

Lúc ấy, truyền thông nước ngoài đánh giá nước chủ nhà Việt Nam là ứng viên hàng đầu ở hai môn thi đấu này. Tại sao ở lĩnh vực thi đấu thành tích cao ta làm được nhưng việc dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh thì mãi vẫn chưa làm được? Đã có một khoảng trống trong chương trình giáo dục phổ thông. Triết lý chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, suy cho cùng là nội hàm của việc trồng người và không chỉ có những kỹ năng sinh tồn. Lợi ích trăm năm trồng người đòi hỏi tầm nhìn trăm năm của các nhà giáo dục.

Cũng một bản tin trên báo Tuổi Trẻ khiến người ta không khỏi trăn trở, rằng “không ít sinh viên hiện không còn xem việc lấy được tấm bằng tốt nghiệp là một việc hệ trọng”. Sự nhìn nhận “không ít” như nói lên một thực tế là số “sinh viên không thèm... tốt nghiệp” không phải là số ít! Thi thoảng, nhiều người vẫn nghe chuyện có người khởi nghiệp thành công nhờ bỏ ngang việc học tập, thậm chí là từ bỏ việc học tại một trường đại học danh giá trên thế giới.

Nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Do vậy, cần phải thấy việc sinh viên từ bỏ tốt nghiệp là tình huống tệ của giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Tất nhiên, để đi đến quyết định, có sinh viên đã có sự liệu tính, nhưng chắc không ít người là do mất phương hướng vì ngành học không phù hợp, vì không theo kịp chương trình, vì chất lượng đào tạo không như kỳ vọng, và vì hàng tá lý do khác nữa.

Nói gì thì nói, vấn đề hướng nghiệp, phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông cần được xác định lại từ ngành giáo dục. Các em cần những hiểu biết đại cương và kỹ năng chọn ngành nghề tương lai sao cho phù hợp với xu thế phát triển. Lĩnh vực này mà yếu tầm nhìn thì tương lai giới trẻ sẽ lắm thách thức gay gắt. Buông xuôi không chỉ mang đến hậu quả nhãn tiền mà cho cả tương lai phía trước trong đời người.

Một tầm nhìn lâu dài còn có ý nghĩa lớn lao đối với một chặng đường phát triển bền vững của một quốc gia. Những sự tác động lẫn nhau để đạt được thịnh vượng chung luôn đòi hỏi sự vun trồng những con người, những thế hệ người giàu tố chất, không những thông minh, cần cù, chịu khó mà còn phải luôn có trách nhiệm với bản thân, với đất nước và cả cộng đồng chung trên Trái đất. Là điều kiện cần hội đủ, nhưng sao không ít lĩnh vực ở xứ ta vẫn cứ mãi xa với “tầm nhìn trăm năm” vậy?

1 BÌNH LUẬN

  1. 50 NĂM/ 99 NĂM/ LÂU DÀI… Tất cả chỉ là khái niệm mang tính ước lệ về thời gian sở hữu nhà ở mà thôi. Quan trọng nhất là nhà nước phải khẳng định và công nhận một cách mạnh mẽ quyền sở hữu nhà ở của công dân, bất kể sự thay đổi ra sao về nơi chốn và thời gian. Quyền này đã được hiến định, phải được bảo toàn quyền và lợi ích tài sản mọi nơi mọi lúc về mặt pháp lý. Dĩ nhiên, công dân phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định luật pháp một khi có sự thay đổi về quy hoạch và chiến lược phát triển nhà ở gắn với quốc kế dân sinh. Tất cả phải tuân thủ nguyên tắc, lợi ích công dân là ưu tiên hàng đầu, lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. Nếu như vậy, còn gì phải lăn tăn nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới