Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tận dụng lợi nhuận cao, các nhà máy lọc dầu châu Á chạy đua tăng công suất

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Onine) – Giá dầu thô trên thị trường quốc tế trong tuần qua tiến sát 100 đô la Mỹ/thùng nhưng điều này hầu như không làm giảm nhu cầu của các nhà máy lọc dầu ở châu Á khi họ tìm cách tăng công suất vận hành để tận dụng cơn bùng nổ lợi nhuận từ mảng sản xuất nhiên liệu.

Tập đoàn SK Innovation (Hàn Quốc) đang thực hiện kế hoạch nâng công suất vận hành tại nhà máy lọc dầu của tập đoàn này ở Ulsan lên mức trung bình 85% trong 3 tháng đầu năm nay, tăng từ mức 68% trong quí trước.  Ảnh: SK Innovation

Bất chấp giá dầu thô tăng, biên lợi nhuận của mảng sản xuất dầu diesel và xăng đã tăng lên gần mức trước đại dịch do tồn kho nhiên liệu trên toàn thế giới đang ở mức thấp.

Lượng nhiên liệu xuất khẩu của Trung Quốc giảm đáng kể trong những tháng gần đây, khiến châu Á thiếu hụt nguồn cung và nhạy cảm hơn với rủi ro gián đoạn nguồn cung khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi nhanh cùng với việc các nước nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19.

Điều đó có nghĩa là nhu cầu dầu tiếp tục tăng mạnh ở khu vực tiêu thụ lớn nhất thế giới ngay cả khi giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 7 năm, càng đốt nóng lạm phát vốn đang làm tổn thương người tiêu dùng và gây áp lực lên các chính phủ cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới.

“Các nhà máy lọc dầu không bị hạn chế hoạt động bởi công tác bảo dưỡng sẽ tìm cách nâng công suất chế biến lên cao hơn”, Daphne Ho, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Wood Mackenzie, nói và cho biết thêm tình hình thiếu hụt nhiên liệu ở châu Á có thể kéo dài đến tháng 3 hoặc tháng 4.

Tại Ấn Độ, các công ty lọc dầu của nhà nước đã tìm cách mua nhiều dầu thô hơn cho tháng 3 và tháng 4, với ít nhất 18 trong số 23 nhà máy lọc dầu của họ hoạt động vượt mức công suất thiết kế trong tháng 1. Reliance Industries, tập đoàn hóa dầu lớn thứ hai của Ấn Độ, đã hoãn công tác bảo trì tại một trong những đơn vị lọc dầu của tập đoàn này tại khu phức hợp lọc dầu Jamnagar trong 6 tháng để tận dụng biên lợi nhuận cao của mảng sản xuất nhiên liệu.

Người phát ngôn của Tập đoàn SK Innovation, doanh nghiệp lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc, cho biết công ty sẽ nâng công suất vận hành tại nhà máy lọc dầu Ulsan lên mức trung bình 85% trong 3 tháng đầu năm, tăng từ mức 68% trong quí trước trong bối cảnh thị trường xăng dầu tăng trưởng mạnh mẽ. SK Innovation sẽ vận hành tối đa công suất ở một đơn vị sản xuất xăng ở nhà máy này, trong khi tháp chưng cất dầu thô đóng cửa để bảo trì theo kế hoạch, vì vậy, sản lượng nhiên liệu của nhà máy sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Tại Đài Loan, nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường xăng dầu đã thúc đẩy Công ty lọc dầu CPC Corp lên kế hoạch tăng công suất chế biến dầu thô, hiện ở mức trên 90% tại một nhà máy ở Đại Lâm và hơn 80% tại một nhà máy khác ở Đào Viên. Một lãnh đạo của CPC Corp nói: “Dĩ nhiên, các nhà máy lọc dầu muốn vận hành công suất càng cao càng tốt”.

Công suất chế biến tại Công ty lọc dầu lớn nhất Đài Loan, Formosa Petrochemical Corp, sẽ bị hạn chế do công ty thực hiện bảo trì theo kế hoạch cho đến tháng 4. Ngoài ra, vụ cháy trước đó tại một đơn vị luyện cốc của công ty này cũng làm gián đoạn công suất chế biến dầu cho đến tháng 3. Lin Keh-Yeh, người phát ngôn của Formosa Petrochemical Corp, cho biết, công ty có kế hoạch nâng công suất vận hành tại nhà máy lọd dầu ở Mạch Liêu vào tháng 5 tới để tận dụng biên lợi nhuận lọc dầu tăng mạnh.

“Hiện tại, biên lợi nhuận của chúng tôi rất tốt” người phát ngôn nói và cho biết Formosa Petrochemical Corp kỳ vọng mức biên lợi nhuận cao của mảng lọc dầu sẽ duy trì trong nửa đầu năm nay vì một số nhà máy lọc dầu ở châu Á sẽ tiến hành bảo dưỡng theo định kỳ trong quí 2 tới.

Để so sánh, bất kỳ sự gia tăng nào về công suất vận hành ở các nhà máy tại châu Âu đều có thể bị hạn chế do chi phí khí tự nhiên và thuế carbon cao. Daphne Ho, nhà phân tích của Wood Mackenzie, nói: “Công tác bảo dưỡng định kỳ vào mùa xuân cũng có khả năng làm giảm công suất chế biến ở các nhà máy lọc dầu ở Mỹ”.

Serena Huang, nhà phân tích tại Công ty tư vấn Vortexa, cho biết trong một báo cáo tuần này rằng công suất lọc dầu toàn cầu giảm ròng vào năm ngoái đã làm "tiêu tan hy vọng về việc giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung nhiên liệu trong thời gian tới". Mặc dù công suất lọc dầu mới đưa vào vận hành trong năm nay sẽ vượt quá mức sụt giảm vào năm ngoái, nhưng việc bổ sung công suất mới có thể chỉ được thực hiện vào nửa cuối năm nay.

 Theo Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

  1. Từ đỉnh cao rồi sẽ đi đến vực sâu. Thời hoàng kim của ngành dầu mỏ chắc chỉ còn khoảng 10 năm nữa thôi. Đây chính là giai đoạn “giãy chết” cuối cùng của nó. Nhưng nói gì thì nói, việc giãy giụa lúc này của giá dầu mỏ vẫn đang làm rối ren thị trường quốc tế và cả VN. Không có thị trường nào mà không có đầu cơ, ít hay nhiều, nhưng dầu mỏ chắc chắn là luôn có sự thao túng lớn. Lạm phát đang tăng nhanh, không chỉ vì thế giới này đang quá thừa tiền giấy (đúng như Karl Marx dự đoán cách đây hơn 100 năm) mà còn vì sự điên đảo của lòng tham sân si.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới