Tản mạn đầu năm Canh Tý
TS. Nguyễn Minh Hòa
(TBKTSG) - Tự cho mình là một người làm nghiên cứu xã hội chuyên nghiệp, nên năm nào tôi cũng có những hoạt động lặp đi lặp lại là quan sát phố phường trước và sau Tết. Trước Tết bao giờ cũng phải đến khu Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, nơi bà con mua các loại câu đối, xin chữ để xem năm nay người dân cầu mong gì. Chiều 30 dạo quanh các chợ hoa khi tàn, sau giao thừa đến viếng một vài ngôi chùa, nhà thờ trước là để cầu an cho mình, sau là xem dòng chuyển động xã hội, sau đấy dành một khoảng thời gian lắng lại để chiêm nghiệm, tổng kết về một cái Tết có buồn vui, có hy vọng và lo âu lẫn lộn.
Mỗi giờ hàng triệu người di chuyển từ nơi này đến nơi khác, kèm theo đó các loại dịch bệnh cũng dễ dàng phát tán đi khắp nơi. Ảnh: MINH DUY |
Tết mà nói ngay chuyện buồn thì không phải nhưng không thể không nói đến, ấy là chuyện mà nói theo khoa học là yếu tố khách quan, nhưng nôm na dân dã thì là “trời giáng”. So với mọi năm, mà cũng có thể nói là lần đầu tiên sau đổi mới, cả nước thiếu thịt heo trầm trọng. Từ trước Tết chừng một tháng thịt heo tăng giá phi mã, đỉnh điểm là gấp 2,5 lần do dịch tả heo châu Phi quét qua hết thảy 63 tỉnh thành với hơn 3,5 triệu con heo phải tiêu hủy, khiến cho thiếu nguồn cung. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà người tiêu dùng cũng lao đao vì phải bù thêm vào hàng ngàn tỉ đồng để có thịt heo ngày Tết. Giá như các bộ chức năng nhanh nhạy hơn, nhập sớm và nhập nhiều thịt heo thì bà con đỡ khổ. Cái vụ này chắc hẳn cũng làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao đột biến. Mọi người hy vọng sau Tết giá heo giảm, nhưng thói thường đã tăng là không giảm, kéo theo đó là tất cả từ bánh mì thịt, phở, bánh bao, hủ tiếu, giò chả đều tăng. Vấn đề điều hành vĩ mô như thế có thể nói là chưa thật suôn sẻ.
Cú trời giáng tiếp theo là thời tiết khu vực phía Bắc quá thất thường, lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày Tết lại có mưa cực lớn và vài tỉnh có mưa đá làm hư hỏng hàng ngàn nhà cửa và rau trái ngoài đồng, đau nhất là chương trình đón giao thừa hoành tráng của Hà Nội quanh Bờ Hồ và các tỉnh lân cận bị phá sản vì nước ngập khắp phố phường, nhiều nhà mất Tết vì nước ngập sâu tràn cả vào trong nhà.
Muốn tiếp tục phát triển thì năm 2020 này phải tập trung tối đa cho sự “đa dạng và đa phương”. Điều này không chỉ trong kinh tế mà còn cả trong chính trị, văn hóa, xã hội nữa. |
Tiếp theo, cú “trời giáng” nữa là dịch corona mang tầm quốc tế từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam làm đảo lộn đời sống của tất thảy mọi người, mọi lĩnh vực. Đầu tiên là chuyện tan hoang mùa lễ hội tháng Giêng làm tan nát cõi lòng tất thảy bá tánh, tất cả các lễ hội được chuẩn bị công phu ở phía Bắc như Yên Tử, Tam Chúc, Côn Sơn, Hội Lim, Khai ấn đền Trần, Hội Phết Hiền Quan, chọi trâu..., ở miền Nam như Hội chùa Bà..., ở miền Trung (Hội An, Huế) đều phải ngưng lại. Như vậy là hơn 250 lễ hội mùa xuân đồng loạt bị hủy, còn những lễ hội đã diễn ra rồi thì sẽ kết thúc sớm. Chưa bao giờ có cảnh tượng cả khách thập phương lẫn các nhà sư đồng loạt mang khẩu trang nơi tôn nghiêm.
Thế mới biết, sống trong thế giới phẳng có nhiều cái lợi, nhưng khi rủi ro xảy ra thì hậu quả thật khôn lường. Mỗi giờ hàng triệu người di chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng tất cả các phương tiện trên không, dưới nước, trên bộ và kèm theo đó, các loại dịch bệnh cũng dễ dàng phát tán đi khắp nơi. Đó là hệ quả của thế giới hiện đại và các phát minh sáng tạo phi tự nhiên làm nảy nòi ra những biến thể không kiểm soát được.
Cái vui nhất của Tết này là người bị tai nạn giao thông trong bảy ngày Tết giảm hẳn, nhất là những ca tai nạn do rượu bia giảm thấy rõ, thậm chí là có 6 tỉnh không có vụ tai nạn nào là Bắc Ninh, Hà Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lạng Sơn và Thái Nguyên. Vậy là cái Tết đầu tiên sau Nghị định 100 được coi là khởi đầu cho một truyền thống tốt đẹp. Nhưng lại có chuyện không vui là nếu tai nạn giao thông ở các đô thị và trục lộ có chiều hướng giảm thì tai nạn giao thông ở nông thôn lại tăng, bởi bà con về quê ăn Tết khiến cho lượng xe máy tăng đột biến mà đường làng ta thì vẫn “quanh co” như thủa nào mà nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến viết rất hay trong bài Bà tôi. Vậy là đến lúc phải xem lại việc thiết kế và điều tiết hệ thống giao thông nông thôn rồi.
Trong khi tai nạn giao thông giảm thì rất tiếc tai nạn do pháo nổ lại tăng cao hơn hẳn so với mọi năm. Có đến hàng trăm người bị tai nạn pháo, có cả người chết do tự chế pháo thủ công.
Tết nào, cứ vào sáng ngày 11 (hết ngày mùng) là tôi lại xem các anh chị thu gom rác làm việc để xem dân ta ăn Tết thế nào. Mọi năm, sau Tết các nhà bỏ đi rất nhiều đồ ăn thức uống còn nguyên đai nguyên kiện như bánh chưng, giò chả, trái cây, rau xanh. Năm nay có rất ít thức ăn thừa bị bỏ đi, vậy là người dân tiết kiệm hơn, không phung phí quá tay nữa, vậy là Tết công nghiệp dần hình thành trong đời sống đô thị. Có lẽ cũng nên dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về đề xuất của Giáo sư Võ Tòng Xuân nên nhập hai Tết làm một cho đỡ tốn kém và giảm các hệ lụy tiêu cực phát sinh.
Năm nay báo hiệu một năm rất khó khăn cho kinh tế Việt Nam, chắc chắn là thiếu điện vì cho đến giờ này không có hồ thủy điện nào tích đủ nước, nhiều hồ đã cạn đến đáy, còn đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn là hạn nặng, nước mặn đang xâm nhập sâu vào nội đồng. Giáo sư Apiwat, thành viên Hội đồng Nước của Chính phủ Thái, gửi e-mail cho tôi nói ông vừa làm một việc mà chưa bao giờ tưởng tượng ra là đã lội bộ qua sông Mêkông từ Thái Lan sang Lào sau khi thủy điện Saraburi của Lào do Thái Lan xây dựng được đưa vào vận hành. Sẽ là rất lo âu, nếu biết trên dòng sông Mêkông có hàng chục đập thủy điện lớn nhỏ, trong đó các đập khủng nhất đều nằm ở địa phận Trung Quốc, do vậy ngập lụt hay hạn hán tùy thuộc vào việc họ đóng hay mở cửa đập.
Muốn tiếp tục phát triển thì năm 2020 này phải tập trung tối đa cho sự “đa dạng và đa phương”. Điều này không chỉ trong kinh tế mà còn cả trong chính trị, văn hóa, xã hội nữa. Một năm hy vọng và lo âu.