Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tản mạn triết lý doanh nhân

LS. Nguyễn Tiến Lập (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau khi ra tù bạn tôi lại hăm hở bước tiếp con đường kinh doanh, nhưng với nguồn… vốn khác. Chưa bao giờ tôi thấy anh có tinh thần doanh nhân đích thực và là con người tự do như thế!

Tôi có một anh bạn, trước là luật sư có cuộc sống trung lưu rồi sau làm doanh nhân và trở thành một “đại gia” về tiền bạc. Hồi anh mới khởi nghiệp, tôi hỏi: Anh lấy vốn ở đâu để kinh doanh? Anh trả lời: Mình không có tiền nhiều nhưng có quan hệ, vốn xã hội mà, từ đó đẻ ra tiền.

Sau này anh làm đúng như vậy và thành công. Lúc gặp lại, tôi hỏi: Anh nói quan hệ đẻ ra tiền rất đúng, nhưng nếu cái quan hệ ấy hết date thì làm sao? Ô hay, thì kiếm quan hệ mới, ông không nghe “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền à”? Tôi lại một lần nữa bất ngờ, tin mà không tâm phục.

Thế rồi nhiều năm sau, tôi nghe anh bị bắt và doanh nghiệp của anh suy sụp, gần như phá sản. Điều này thì tôi không hề bất ngờ. Gặp lại nhau trước một phiên tòa sắp mở, anh trông rất bạc nhược và nói với tôi rất chậm như nhả từng câu: Giờ thì tôi biết hóa ra không phải lúc nào và cái gì cũng mua được bằng tiền.

Câu chuyện trên có lẽ đã trở thành một triết lý khá “kinh điển” của nhiều doanh nhân trong cái thời của chúng ta. Nó phổ biến tới mức ai cũng biết nhưng lại rất ít người rút ra bài học. Cái khó nhất là hầu như các doanh nhân đều là những người thông thái nên không cần ai dạy. Có muốn đưa ra lời khuyên theo kiểu chuyên gia thì họ sẽ phản hồi, một cách rất chân thành và thẳng thắn: Thế thì anh bảo làm thế nào? Và thế là một người như tôi, cứ cho là biết kha khá chữ và dày dặn đi thì cũng cảm thấy bế tắc thật.

Tôi lại hỏi cái câu ban đầu: Anh lấy vốn ở đâu để kinh doanh? Anh cười sảng khoái và chỉ tay lên đầu: Cái này! Hóa ra trong mấy năm ở tù, anh đã học hỏi và suy ngẫm được bao nhiêu điều mới, là những thứ anh sẽ muốn thử nghiệm và ứng dụng trên thương trường, cũng là thứ mà cả xã hội đang tôn vinh gọi là “khởi nghiệp”.

Nhưng ngẫm và ngẫm, tôi nhận ra chúng ta có thể bắt đầu gỡ cái cuộn len rối này. Đầu tiên là định nghĩa “quan hệ” là cái gì mà nó ghê gớm vậy?

Bạn tôi nói quan hệ là vốn xã hội nhưng xem ra nó không phải vậy. Cái anh hướng tới và tìm cách khai thác để vốn hóa chính là các quan hệ quyền lực. Nó là một cấu trúc phức tạp, liên kết từ trên xuống dưới, từ bộ phận này với bộ phận kia, tức cả chiều ngang và chiều dọc, nhiều khi còn cả các đường chéo nữa.

À nếu đạt tới mức tinh vi như thế thì rõ ràng nó không được hiểu là tôi quen ông nọ hay có người nhà ở cơ quan kia đã là có quan hệ quyền lực. Bởi cái chúng tôi bàn ở đây là quyền lực được vốn hóa, thành một nền tảng hay nguồn lực cho kinh doanh để kiếm tiền. Tất cả phải là các chuỗi, khâu của các hoạt động và quy trình rất bài bản, tinh vi và chuyên nghiệp. Mà phải có thế thì bạn tôi mới nhanh chóng trở thành đại gia chứ, là điều không phải ai, doanh nhân nào cũng làm được!

Câu hỏi là sản phẩm của quan hệ quyền lực là gì, tức hiệu quả có thể đo đếm, hạch toán được? Trước hết và đơn giản nhất, nó mang tới cơ hội hay đầu mối kinh doanh từ các thông tin có tính đặc quyền để doanh nhân có thể đón đầu như quy hoạch, thay đổi chính sách hay ở mức thấp hơn là các thương vụ đầu tư mua sắm công.

Tiếp đến là các giấy phép và phê chuẩn trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù hay kinh doanh có điều kiện, bởi đã là giấy phép và phê chuẩn thì phải “xin – cho”, theo đó sẽ có nhiều người xin nhưng không phải ai cũng được cho hay được cho cái có giá trị như mình muốn.

Sau này, cũng qua anh bạn trên và nhiều người bạn khác, cả đối tác và khách hàng, tôi được biết thêm. Đó là cái quan hệ quyền lực đã phát triển lên nữa song hành với quá trình “đại gia hóa” của không ít doanh nhân.

Bạn tôi không cần tìm kiếm và chăm sóc quan hệ để có quyền lực nữa mà cả hai điều này nó tự đến. Các mối liên kết đã trở thành một cuộc chơi hòa quyện, quấn quýt của các bên để sáng tạo ra bất cứ sản phẩm nào như mong muốn, miễn sao biến thành vốn, tiền, tài sản và quyền lực cao hơn và mạnh hơn.

Tôi mới giật mình thấy rằng nếu hiện thực trên là tất cả thì các kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, nghề nghiệp như một luật sư của mình uổng phí cả rồi, cho đến khi gặp lại người bạn của tôi tại phiên tòa như đã kể. Câu hỏi đau đáu là: Quan hệ quyền lực kia không cứu được anh ư? Hóa ra đó không phải là tất cả và không có gì là tuyệt đối hay vĩnh cửu.

Nhưng có một điều và dường như nó thật đơn giản mà không phải hao tổn biết bao công sức hay đánh đổi để có được. Đó là hôm bạn tôi được ra tù trước hạn do cải tạo tốt, chúng tôi gặp lại và ôm lấy nhau, nhìn lên là trời xanh lồng lộng. Tôi mới bảo: Này cái vốn quan hệ cậu nói năm xưa khi khởi nghiệp kinh doanh là đúng đấy. Nó là tình bạn và tình người mà ai cũng cần nhưng phải là thứ trong trẻo giữa trời chứ không phải những toan tính và mưu mô trong các trận đồ bát quái của quyền lực.

Người bạn của tôi lại hăm hở bước tiếp con đường kinh doanh bởi cái động lực, nhiệt huyết năm xưa vẫn còn và đó là điều tôi trân trọng nhất ở anh. Tôi lại hỏi câu ban đầu: Anh lấy vốn ở đâu để kinh doanh? Anh cười sảng khoái và chỉ tay lên đầu: Cái này! Hóa ra trong mấy năm ở tù, anh đã học hỏi và suy ngẫm được bao nhiêu điều mới, là những thứ anh sẽ muốn thử nghiệm và ứng dụng trên thương trường, cũng là thứ mà cả xã hội đang tôn vinh gọi là “khởi nghiệp”. Từ những cái có được ấy, anh tự tin sẽ huy động được vốn thật và bắt nó “đẻ” ra tiền. Chưa bao giờ tôi thấy anh có tinh thần doanh nhân đích thực và là con người tự do như thế!

Còn tôi, từ câu chuyện của anh, vốn là người hay suy ngẫm nên đã trở thành một “triết gia làng”. Người ta vẫn nghĩ, vẫn dạy thậm chí vẫn tin tới mức thành kiến cho rằng các doanh nhân sinh ra là để làm tiền và vì tiền, họ sẵn sàng làm tất cả, trong đó thông minh nhất là sử dụng, khai thác các quan hệ quyền lực. Nhưng hóa ra, sau khi trải qua đau đớn để đi tới tận cùng thì bản chất kinh doanh không phải là như thế.

Cuộc đời và con đường của bạn tôi đã minh chứng một thực tế như kinh điển rằng kinh doanh mang đến tiền, tiền kết hợp với quyền lực sẽ trở thành “đại gia”. Nhưng sau tiền là gì? Nếu lại là tiền nữa thì e rằng không biết bao nhiêu là đủ hay không còn cảm hứng, còn không thì sẽ là đánh mất tự do bởi tù tội hay các trói buộc khác trong các cạm bẫy và vực thẳm vô hình không thoát ra được.

Tôi thấy trên thế giới người ta đã kinh doanh từ lâu đời với thị trường và kinh tế tư nhân như là thuộc tính và bộ phận cấu thành tất yếu của đời sống. Chỉ có ở Việt Nam thì hai điều này còn mới mẻ nên mới có những ngộ nhận trong xã hội nói chung và giới doanh nhân nói riêng.

Đó là thay vì nhận thức kinh doanh chỉ vì tiền và dựa trên “quan hệ” thì phải coi kinh doanh là sự nghiệp để cống hiến dựa trên tự do sáng tạo và cạnh tranh. Nếu làm được thế, tôi tin rằng tiền sẽ đến với mọi doanh nhân nhưng đi cùng nụ cười mà không phải bộ mặt gớm ghiếc.

Đó là cái triết lý giản dị mà tôi muốn dành tặng cho những người cống hiến ấy nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, 13-10.

(*) Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới