Tản mạn về tính lo xa
Võ Đắc Khôi (*)
1. Rockwell là công ty chuyên sản xuất trục truyền động ô tô của Mỹ – một công ty hàng đầu trong ngành chế tạo cơ khí. Dù vậy, giám đốc công ty – ông Willard Rockwell vẫn rất lo xa.
Ông khuyên con trai nên học luôn hai bằng cử nhân ở đại học Penn State, một bằng kỹ thuật và một bằng kế toán. Ông nói, “Khi kinh tế bùng phát, ông chủ nào cũng cần kỹ sư, nhưng khi kinh tế lao dốc, kỹ sư là người sẽ bị họ sa thải đầu tiên và thay vào đó, các ông chủ sẽ đi tìm các chuyên viên kế toán để tìm cách cắt giảm chi phí bất cứ khoản nào có thể được”.
Việc lo xa này đã ứng nghiệm, khi thay cha làm giám đốc công ty, kết hợp với hiểu biết kỹ thuật và kiến thức kế toán, Rockwell con đã tiến hành sáp nhập công ty của mình với hãng hàng không Bắc Mỹ, mặc dầu lúc đó hãng này đang phải đối mặt tình huống mất một triệu đô la Mỹ mỗi ngày. Việc sáp nhập thành công đã giúp Rockwell bước vào kỹ nghệ hàng không, chế tạo hỏa tiển cho các chuyến bay Apollo, máy bay ném bom B1… và về sau đi xa và sâu hơn trong ngành hàng không vũ trụ như việc chế tạo tàu con thoi hiện nay.
2. Gia đình mục sư tin lànhTống Gia Thụ sinh ra các cô gái nổi tiếng như Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh,… di cư sang Mỹ từ thế kỷ 17. Nhờ phát hành và phân phối kinh thánh ở Trung Quốc, gia đình này đã trở nên giàu có. Ngoài việc trở thành những người phụ nữ nổi tiếng, làm vợ của những anh hùng hào kiệt Trung Hoa như Tống Khánh Linh, làm vợ của Tôn Trung Sơn (Tôn Văn), Tống Mỹ Linh là vợ của Tưởng Giới Thạch, những thành viên gia đình họ Tống này còn giao một phần vốn tích lũy của mình cho các trường đại học Mỹ quản lý để lấy lãi cấp học bổng cho sinh viên Trung Quốc. Nhờ cách làm này, một số sinh viên ưu tú của Trung Quốc có điều kiện vào học tại các trường danh tiếng của Mỹ như Harvard, Vanderbilt, MIT…
Chính phủ Trung quốc thời mở của cũng đã tạo điều kiện để sinh viên du học và không đặt điều kiện bắt buộc phải trở về phục vụ nước nhà. Giờ đây, khi các công ty lớn của nước này bành trướng hoạt động quốc tế như ở Canada, Úc, Mỹ… thì chính những sinh viên này lại là đầu mối để phục vụ kinh doanh cho các công ty Trung Quốc.
Không chỉ lo xa về giáo dục, gần đây thế giới còn rộ lên chuyện chính phủ Trung Quốc mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và cổ phiếu của các công ty hàng đầu của Mỹ. Bằng biện pháp này, bất cứ biện pháp tài chính nào của Mỹ nhắm vào Trung Quốc đều phải cân nhắc thiệt hơn. Chẳng hạn, chính sách phá giá đồng bạc để hàng hóa xuất khẩu của Mỹ dễ dàng thâm nhập thị trường quốc tế sẽ làm cho nợ nước ngoài (chẳng hạn, Trung Quốc) của nước này thêm áp lực và ngược lại. Ngay cả trong đối ngoại, việc gia tăng quyền lợi thương mại của Mỹ ở Trung Quốc sẽ làm cho mối quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ với các quốc gia ít ảnh hưởng hơn bị lung lay, nếu không nói là có thể mất tác dụng.
3. Một quốc gia hình thành và phát triển trong chiến tranh khiến cấp lãnh đạo luôn bị ám ảnh bởi việc mất quyền lực. Nước láng giềng Myanmar, nơi có hơn 100 sắc tộc sinh sống, cũng đã luôn xảy ra tranh giành quyền lực và bất ổn. Bà Aung San Suu Kyi trong một phát biểu mới đây ở Mỹ đã chỉ ra nguyên nhân tham nhũng, hối lộ của giới quyền lực nước này vì nỗi sợ hãi mất quyền lực.
Ở Việt Nam, chúng ta còn nhớ câu chuyện nổi tiếng trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Chúa Nguyễn Hoàng tư vấn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi đâu là chốn dung thân. Trạng Trình phán một câu, “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Chính câu nói ấy đã tạo ra một cuộc di dân ào ạt từ Thanh Hóa vào các tỉnh phía Nam, góp phần định hình nên mảnh đất chữ S của chúng ta ngày nay.
Không chỉ lo về chiến tranh, nhiều thế hệ người Việt chúng ta vẫn còn ám ảnh bởi nạn đói. Chính vì vậy, các chính sách nông nghiệp ngay khi hòa bình lập lại đôi khi trở nên quá cực đoan: làm ba vụ không cho đất nghỉ; xây kho dự trữ lương thực rải rác khắp ba miền, trong khi quên rằng điều kiện vận tải thời nay đã cải thiện nhiều và Việt Nam cũng đã trở thành một nút mạng trong hệ thống giao thương quốc tế.
____________________________________
(*) Cố vấn Công ty Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình