Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tản mạn với Nguyễn Nhật Ánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tản mạn với Nguyễn Nhật Ánh

Thanh Phương

Tản mạn với Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) và hai sinh viên Thái Lan trong dịp anh ra mắt tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái ở trường Đại học Chulalongkorn, Bangkok. Ảnh: H.C.D

(TBKTSG) –  Sau những thành công liên tục với Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hôm nay (6-10-2011), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ ra mắt truyện dài mới nhất Lá nằm trong lá trong sự chờ đón của độc giả tuổi mộng mơ.

TBKTSG: Đã trải qua mấy thập niên, truyện của anh vẫn tạo được sức hấp dẫn. Phải chăng nhu cầu của độc giả trẻ thời công nghệ số cũng không khác với thời giấy tập ép từ bã mía?

– Thông thường, dù bạn là ai, ở thời nào, bạn cũng có một khoảng thời gian của tuổi hồn nhiên, đầy mơ mộng. Vùng kỷ niệm đó luôn đáng yêu, đáng nhớ và trở thành miền ký ức khó phai trong cuộc đời. Con người có thể dễ dàng thay đổi một kiểu tóc, một cách ăn mặc, thậm chí một cách tư duy. Nhưng về phương diện cảm xúc, một cậu bé cô bé thời nay cũng chẳng khác mấy một cô bé cậu bé cách đây nửa thế kỷ. Nhu cầu về vật chất có thể biến đổi qua từng thời kỳ, nhưng những cung bậc của tâm hồn ít chịu tác động bởi môi trường. Óc tưởng tượng và khát vọng khám phá thế giới của tuổi thơ, những rung động trước bạn bè khác giới của lứa tuổi mới lớn về căn bản thời nào cũng giống nhau, bởi đó là vấn đề muôn thuở của con người.

TBKTSG: Hình như tâm hồn Nguyễn Nhật Ánh không chịu… già, theo năm tháng?

– Về mặt thể chất, con người già đi theo thời gian, đó là quy luật tự nhiên. Nhưng tâm hồn con người không phải bao giờ cũng bị chi phối bởi quy luật này. Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông trong truyện Kim Dung là một ví dụ. Có thể tôi là người “sống mãi tuổi mười lăm” chăng? (cười).

TBKTSG: Khi sáng tác, anh thuần túy là nhà văn hay có nghĩ đến sự kết hợp giữa việc viết văn với việc đưa tác phẩm lọt vào hàng “bán chạy nhất” – một trong những mơ ước lớn của đời văn mà anh đã đạt được?

– Sự gặp gỡ giữa bạn đọc và các tác phẩm của tôi là sự thích ứng tự nhiên. Khi viết, tôi chỉ viết những gì tôi thích, những gì hợp với “tạng” của tôi. Rất may là những gì tôi thích thì bạn đọc cũng thích. Nếu khi sáng tác, anh chỉ mải nghĩ viết thế này là bán chạy, thế này là bán không chạy với tâm trạng của một con buôn thì kết quả có thể là anh chỉ cho ra được một sản phẩm tồi. Tất nhiên, khi nhà văn đã đặt dấu chấm hết trên trang bản thảo cuối cùng, anh có thể nghĩ đến các hình thức quảng bá cho cuốn sách, nhưng đó là một công đoạn khác. Còn nói chung, trong quá trình sáng tác, áp lực duy nhất là sự hoàn mỹ. Nhà văn phải dốc hết tâm trí, khát khao sáng tạo vào từng câu chữ. Chất lượng văn chương thế nào là tùy vào tài năng trời phú cho mỗi người, ở đây tôi chỉ muốn nói đến thái độ hành nghề.

TBKTSG: Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận anh là “nhà văn viết sách cho thanh thiếu niên nhiều nhất Việt Nam”. Việc trung thành khai thác những đề tài hoa mộng đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp văn chương của anh?

– Tôi tự hào với kỷ lục về viết sách cho thanh thiếu niên. Trong thời buổi sách dịch đang áp đảo thị trường sách thiếu nhi trong nước, góp được một tay kéo các em về với sách nội địa, tôi nghĩ điều đó rất có ý nghĩa về mặt xã hội. So với đội ngũ các nhà văn viết cho người lớn, các nhà văn viết cho thiếu nhi ở nước ta chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nên khi các em còn chờ đọc sách của tôi, tôi sẽ có lỗi nếu quay lưng với các em.

TBKTSG: Vậy là, lứa tuổi “teen” hiện rất thiếu sách đọc?

– Sách dịch thì không thiếu. Những nhà văn trong nước cũng rất cố gắng cho ra đời những tác phẩm mới, nhưng rõ ràng chưa đáp ứng nổi nhu cầu đọc của các em. Tất nhiên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các nhà văn. Nhưng cũng phải thấy các nhà văn Việt Nam đang ở trong một “cuộc chiến không cân sức” khi mà các nhà xuất bản thi nhau săn lùng và dịch các tác phẩm thuộc hàng kinh điển hoặc best-sellers của nước ngoài. Cung cấp càng nhiều tác phẩm hay cho các em là điều rất tốt, nhưng mặt khác điều đó buộc các nhà văn trong nước phải giải một bài toán khó: cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để cạnh tranh với các tác phẩm xuất sắc của thế giới trong hành trình chinh phục các độc giả nhỏ tuổi.

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng các nhà văn cần thể hiện tư tưởng phản biện xã hội trong tác phẩm của mình. Khi mà nhiều người đang lên tiếng về vấn nạn ngày càng có nhiều trẻ em sa vào những mảng tối của xã hội thì các nhân vật trong các tác phẩm gần đây của anh vẫn rất sáng sủa, đáng yêu…

– Phản biện xã hội cũng tốt, đã có nhiều tác phẩm thành công về đề tài này, nhưng không phải mọi nhà văn đều bắt buộc phải viết ra những tác phẩm như vậy. Văn chương khác với báo chí. Không phải đề tài có tính thời sự nào văn chương cũng nhảy vô. Nếu nhà văn không chuẩn bị kỹ lưỡng, anh rất dễ viết ra những tác phẩm sống sượng. Văn chương bao giờ cũng cần độ chín, độ lùi. Những vấn đề nóng bỏng đã có báo chí. Báo chí là vũ khí trực tiếp, phản ứng nhanh, sắc bén, nóng hổi, chức năng xã hội rõ ràng. Nhiều người cứ kêu đòi tại sao nhà văn không nói về đề tài này, viết về đề tài kia, nhưng tôi tin điểm mạnh của văn chương nằm ở khả năng thẩm thấu. Bằng hình thức đặc thù của mình, văn chương góp phần mài sắc các ý niệm đạo đức nơi người đọc một cách vô hình. Được nuôi dưỡng bởi văn chương chân chính, trẻ em lớn lên sẽ biết yêu thương đồng bào, đồng loại, biết dị ứng và chống lại cái xấu, cái ác, biết yêu tự do… Bồi đắp tâm hồn và nhân cách một cách âm thầm và bền bỉ, đó là chức năng gốc rễ của văn chương, đặc biệt là văn chương viết cho thanh thiếu niên. Chưa kể, nhiều người trong chúng ta thường nhầm lẫn “tính thời đại” với “tính thời sự”!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới