Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng cường đối thoại công-tư để tránh hàng xuất khẩu bị dán nhãn ‘phá rừng’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Yêu cầu chống phá rừng và giảm phát thải carbon từ thị trường EU buộc các nhà quản lý phải thảo luận tìm hướng đi cho chính sách thương mại quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được khuyến nghị chủ động tìm lối ra vì tác động cụ thể đến mỗi ngành nghề là rất khác nhau.

Diễn đàn đối thoại Công-tư về các quy chuẩn xanh hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu, bao gồm đánh thuế carbon (CBAM) và chống phá rừng (EUDR), diễn ra ngày 20-3. Ảnh: V.D.

“Phá rừng” sẽ không được xuất khẩu

Nhiều lĩnh vực xuất khẩu vốn đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam, hiện đang đứng trước những yêu cầu mới về giảm phát thải carbon (đánh thuế với CBAM) hay chống phá rừng (EUTR) từ thị trường EU.

Chia sẻ tại "Diễn đàn đối thoại Công – tư về các yêu cầu giảm phát thải carbon" diễn ra ngày 20-3, ông Paolo R. Vergano, chuyên gia của Công ty chuyên về luật thương mại FratiniVergano European Lawyer, tư vấn quốc tế của ITC, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với hình phạt như phạt tiền, đóng băng doanh thu từ giao dịch, và tạm thời bị loại khỏi danh sách cung ứng tới 12 tháng, nếu không đáp ứng được quy định mới.

Theo đó, các ngành có khả năng chịu ảnh hưởng là gia súc, cà phê, ca cao, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cộng với các sản phẩm có nguồn gốc liên quan.

Chuyên gia này cũng nhận định rằng các quy định mới này dù nhận được nhiều tranh cãi sự ủng hộ, nhưng cũng có lo ngại về tính phân biệt đối xử sản phẩm, các quy định chưa được thống nhất đa phương, và các yêu cầu truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý sẽ tốn kém và không thực tế.

Tiến độ thực hiện các quy định cũng đã đến gần. Theo đó, các nhà khai thác, kinh doanh và nông hộ nhỏ của Việt Nam hiện có chưa đầy 9 tháng để chuẩn bị tuân thủ quy định về Chống phá rừng, trong khi các công ty quy mô siêu nhỏ và nhỏ vẫn còn hơn 1 năm.

Các doanh nghiệp sẽ chịu chi phí tuân thủ đắt đỏ hơn dưới các quy định mới. Bà Trần Như Trang, Đại diện Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) tại Việt Nam, lấy ví dụ như tập đoàn Otto của Đức (chuyên kinh doanh đa ngành về mặt hàng tiêu dùng) sẽ phải truy xuất khoảng 1,8 triệu giao dịch từ các nhà cung ứng, thay vì con số 2.000 trước kia, để kiểm tra xem các vấn đề liên quan đến rừng.

Các chuyên gia cũng nói rằng các quy định mà EU đã đặt ra thì sẽ được thực hiện, không cần phải bàn cãi thêm. Hơn nữa, các tiêu chuẩn cao từ thị trường EU thông thường sau này cũng sẽ được các thị trường khác áp dụng trong tương lai.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Công thương, cũng nói thêm rằng quy định đã có, chỉ là doanh nghiệp Việt Nam có lựa chọn đi theo hay không. “Nếu không đi theo thì khỏi xuất khẩu, còn nếu đi theo thì dù chi phí tăng thêm nhưng cái được là xuất khẩu bền vững và có giá trị cao”, ông nói.

Doanh nghiệp phải chủ động hơn

Chi phí tuân thủ tăng lên nhưng điều lo lắng lớn hơn là khả năng truy xuất nguồn gốc. Bà Trang lấy dẫn chứng như trong ngành gỗ, Việt Nam chỉ có khoảng 6% gỗ là có chứng nhận tuân thủ, còn nếu gỗ nhập từ Lào hay Malaysia thì có đến 98% gỗ nhập khẩu chưa có chứng nhận.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội gỗ Đồng Nai chia sẻ tại sự kiện, nói rằng hiện ngành gỗ chưa ảnh hưởng nhiều, vì đa số hàng xuất sang châu Âu có nguồn gốc hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề của ngành vẫn là truy xuất nguồn gốc của các doanh nghiệp chế biến và khai thác.

Trưởng ban Công nghệ của Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết hiện tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp trên khoảng 6.000 doanh nghiệp ngành gỗ, nhưng hoạt động truy xuất rà soát cho từng lô hàng vẫn đang chủ yếu làm thủ công.

“Đa số là thủ công, gần như chưa có liên kết dữ liệu từ chuỗi sản xuất cuối cùng. Điều này dẫn đến khi đánh giá, kiểm tra toàn bộ dữ liệu thô thì đa số nhà máy lúng túng, rời rạc và thiếu hồ sơ”, vị này chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện nhà sản xuất thép Tôn Hoa Sen cho biết liên quan đến CBAM, công ty đã có những chính sách ngay từ khi có thông tin. Còn với chính sách Chống phá rừng, doanh nghiệp cũng rất quan tâm vì có thể ảnh hưởng bởi cũng sử dụng các thùng gỗ, bao bì.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng giải quyết bài toán hiện nay cần sự đối thoại chính sách của tất cả các bên tham gia. Vấn đề hiện nay là cần tuân thủ như thế nào, chứ không phải là tuân thủ hay không.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ hiện Bộ đang tiến hành đàm phán về mặt kỹ thuật (tức là các tiêu chí đánh giá), nhưng thực tế phía EU cũng chưa đưa ra hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, trong khi thời gian dành cho các doanh nghiệp không còn nhiều.

Đồng thời, Bộ cũng triển khai các dự án để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu tác động, có cơ chế đàm phán để chấp nhận cơ sở dữ liệu của Việt Nam và nhiều vấn đề khác.

Bên cạnh việc đàm phán ở cấp độ chính phủ, các chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp cũng chủ động tìm hiểu thông tin, đặt vấn đề liên quan cho nhà làm chính sách. Như bà Hương cũng nhấn mạnh các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp tăng cường chia sẻ thông tin, các ví dụ tiêu biểu với cơ quan quản lý.

Theo chuyên gia Paolo, một giải pháp khác là cần phải mở ra một diễn đàn mới để xử lý quan ngại của các bên liên quan tư nhân về Quy định Chống phá rừng và tìm kiếm giải pháp khả thi giữa hai bên.

Ví dụ về cấp độ quốc gia, vào tháng 8-2023, EU, Malaysia và Indonesia đã đồng ý thành lập một Nhóm Công tác Chung về Quy định Chống Phá Rừng để "đóng vai trò như một cơ quan tư vấn hỗ trợ sự phối hợp và tăng cường hiểu biết giữa Indonesia, Malaysia và EU".

Nội dung Nhóm Công tác Chung bao gồm việc xem xét sự tham gia của các hộ sản xuất nhỏ trong chuỗi cung ứng, khả năng truy xuất từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng và dữ liệu khoa học về tình trạng phá rừng và suy thoái rừng.

Còn khuyến nghị ở cấp độ doanh nghiệp, ông cho rằng các doanh nghiệp nên chủ động thu thập thông tin cho mình càng sớm càng tốt, để chứng minh cho sản phẩm. Việc quy định về thông tin cũng nên đưa vào trong hợp đồng với các nhà cung cấp.

Cùng với một khóa đào tạo, Diễn đàn đối thoại Công – Tư này là hoạt động thí điểm đầu tiên về mô hình đàn đối thoại công - tư (PPD) về chính sách thương mại, nằm trong khuôn khổ dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam, do Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ - Dự án SwissTrade do Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản.

Trong đó, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) hiện đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương Việt Nam trong việc đánh giá các nền tảng Công-Tư trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách thương mại nói chung.

Sự kiện này sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề mới phát sinh của thương mại quốc tế và có tác động đến Việt Nam, cụ thể là các yêu cầu về giảm phát thải carbon của các thị trường nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới