Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng cường giải pháp bảo đảm người dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng cường giải pháp bảo đảm người dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn

T.H

(TBKTSG Online) - Thời gian đến Tết Nguyên đán đã cận kề, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo, quán triệt và tổ chức triển khai nghiêm túc, có chiều sâu các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 10-12-2019 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 10-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán.

Tăng cường giải pháp bảo đảm người dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn
Người dân thưởng lãm đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM) trước giờ khai mạc (tối ngày 22-1-2020). Ảnh; TTXVN

Theo yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động kiểm tra, nắm tình hình thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Chỉ đạo các đơn vị bố trí đủ nguồn lực tài chính để xử lý, giải quyết kịp thời mọi yêu cầu của doanh nghiệp liên quan đến thanh toán, giải ngân vốn trước Tết Nguyên đán.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động có phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất; xây dựng kế hoạch cụ thể để phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; có kế hoạch tái đàn lợn phù hợp, đặc biệt không để thiếu thịt lợn sau Tết gây tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, dịch vụ; phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; giữ ổn định thị trường trong, trước và sau Tết Nguyên đán.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình, tiếp tục có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên hệ thống ATM/POS ổn định, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán cao vào dịp cuối năm.

Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải; bảo đảm thuận tiện trong việc đi lại, không để bất cứ người dân nào phải ở lại bến tàu, bến xe không kịp về quê đón Tết; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đặc biệt là kiểm soát hoạt động lễ hội sau Tết; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực.

Bộ Y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra; tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan chủ động nắm tình hình trả lương, thưởng của các đơn vị, doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; có phương án phù hợp để thu hút lao động sau kỳ nghỉ Tết, nhất là tại các khu công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục nắm tình hình, chủ động có các biện pháp xử lý tình huống, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Baochinhphu.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới