(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Yêu cầu này được Thủ tướng nêu tại kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2021 sáng 4-4.
Trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái từng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) theo dõi, giám sát diễn biến, các dòng vốn ra – vào thị trường để có giải pháp điều hành, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Các cơ quan này cần chủ động công bố thông tin, có các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần sớm xử lý dứt điểm những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán, gồm hệ thống giao dịch, việc công bố thông tin của các công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết, chất lượng báo cáo tài chính.
Chỉ đạo của của Thủ tướng và Phó thủ tướng diễn ra sau khi ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC – bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/04/pham-minh-chinh.jpeg)
Bên cạnh nhiệm vụ trên, Thủ tướng giao các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA trong bối cảnh tiến độ giải ngân quí 1-2022 chưa có nhiều cải thiện so với cùng giai đoạn năm trước.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công.
“Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư” Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn về nội dung này.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quí 1-2022, Thủ tướng cho biết tình hình ở Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa.
Ở trong nước, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp do các biến chủng mới như Omicron. Nhưng tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh, giảm sâu từ cuối tháng 3.
“Chúng ta cũng làm tương đối tốt việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo tình hình, đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh theo rủi ro”, Thủ tướng cho biết.
Về kinh tế, giá nguyên liệu và lạm phát trên thế giới gây áp lực lớn tới kinh tế trong nước. Ngoài ra, tình hình tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nhất là liên quan tới trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.