Tăng cường tương tác nhờ đô thị thông minh
Chí Thịnh
![]() |
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tới yếu tố cần thiết phải xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: VINASA cung cấp. |
(TBKTSG Online) – Đô thị thông minh với kho dữ liệu dùng chung, ứng dụng công nghệ thông tin… tại TPHCM và các tỉnh thành khác sẽ góp phần kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền, tăng cường sự tương tác.
Cần… tiến lên đô thị thông minh
Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 (23-11) vừa diễn ra tại TPHCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố sẽ công bố Đề án đô thị thông minh vào ngày 26-11.
Tại hội nghị quốc tế về thành phố thông minh 2017 (International Smart City Conference) diễn ra tại TPHCM (ngày 25-10), các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) cho biết, các quốc gia như Singapore và Ấn Độ đã triển khai mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) từ năm 2014; còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước ở châu Âu và cũng đã xây dựng đô thị thông minh từ rất lâu. Việt Nam đang chậm chân trong việc xây dựng mô hình ĐTTM.
Trên thực tế, cho tới nay Việt Nam đã có khoảng 20 tỉnh thành đã, đang hoặc chuẩn bị xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh (Smart City). Có thể kể đến một số thành phố tiêu biểu như TPHCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Phú Quốc, Kiên Giang…
Vậy, vì sao các thành phố này lại mong muốn triển mô hình đô thị thông minh?
Tại hội nghị quốc tế về thành phố thông minh 2017, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng Ấn Độ có thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 đô la Mỹ đã có ĐTTM, vậy TPHCM với mức thu nhập bình quân 5.000 đô la hoàn toàn đủ điều kiện hướng tới việc xây dựng ĐTTM.
Theo nhận định từ các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, ở những tỉnh thành đang xây dựng đề án phát triển ĐTTM thì mô hình đô thị thông minh sẽ giúp kinh tế tăng trưởng hơn bền vững hơn, phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Kế đến là môi trường sống và làm việc của người dân sẽ tốt hơn; người dân cũng sẽ tham gia vào quá trình quản lý nhà nước, hỗ trợ hoạt động điều hành các dịch vụ trong đô thị. Từ đó, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, chính quyền có điều kiện đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của doanh nghiệp.
Cụ thể, TPHCM đang phát triển ĐTTM dựa trên 4 chủ thể chính: chính quyền phải thông minh hơn; doanh nghiệp hành động thông minh hơn; người dân và các tổ chức xã hội cũng phải trở nên thông minh hơn. Đồng thời, TPHCM cũng đưa ra các giải pháp nền tảng để xây dựng ĐTTM như thông minh là chính quyền đô thị phải có khả năng dự báo dài hạn, có chiến lược phát triển đô thị trong nhiều năm, nhận ra các trở ngại có thể xảy ra cho hệ thống điều hành đô thị và đề xuất các chương trình khắc phục kịp thời.
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho rằng thành phố đang tích cực tạo điều kiện cho người dân kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước; ghi nhận các phản ánh về dịch vụ đô thị theo nhiều kênh liên lạc khác nhau. Thành phố cũng khuyến khích người dân cùng tham gia vào hoạt động điều hành đô thị, tiếp nhận các ý kiến đóng góp để xây dựng mô hình ĐTTM.
![]() |
Các chuyên gia công nghệ thông tin, cơ quan quản lý Nhà nước đang chia sẻ bài học kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh tại hội nghị Smart City 2017. Ảnh: Chí Thịnh. |
Nhưng… không nên rập theo khuôn mẫu
Một số chuyên gia công nghệ cho rằng cần triển khai đô thị thông minh một cách linh hoạt, không áp dụng một cách “rập khuôn” từ mô hình đô thị thông minh của quốc gia khác. Vì mỗi thành phố thường sẽ có một nhóm vấn đề cần phải giải quyết khác nhau như ùn tắc giao thông, ngập nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường… và việc phát triển ĐTTM sẽ góp phần giải quyết các vấn đề này.
Ông Jun Wei Chuah, đại diện Công ty công nghệ Surbana (Singapore) cho biết, không thể mang mô hình ĐTTM ở Singapore sang áp dụng cho Việt Nam được; mỗi thành phố sẽ có cách thức áp dụng, triển khai ĐTTM khác nhau.
Ngoài ra, ông Jun Wei Chuah cũng như một số chuyên gia công nghệ thông tin khác cho rằng, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để có thể khai thác, chia sẻ dữ liệu, điều này sẽ giúp thành phố giải quyết các vấn đề thông minh hơn. Thông qua các ứng dụng di động, trang web cung cấp dịch vụ công trực tuyến… người dân, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tương tác với các cơ quan quản lý đô thị.
Trong khi đó, khi nói về vấn đề công khai, chia sẻ dữ liệu, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) nhận xét, hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia chính thức công bố kho dữ liệu mở cho cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Điều này giúp cho các đô thị tạo ra nhiều công ăn việc làm, rút ngắn thời gian người dân tiếp cận dữ liệu từ cơ quan quản lý.
Các địa phương nếu muốn phát triển ĐTTM có thể triển khai việc xây dựng kho dữ liệu mở này; tạo ra các bộ dữ liệu mở có giá trị sử dụng ngay của các ngành giao thông, y tế, xây dựng… Đồng thời, các địa phương cũng có thể triển khai điều kiện sử dụng kho dữ liệu mở qua hình thức truy cập các trang web; hoặc cung cấp các ứng dụng kết nối kho dữ liệu.
Trên thực tế, TPHCM cũng như một số tỉnh thành cũng đang học hỏi kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Phần Lan, Hà Lan. Tuy nhiên, do các địa phương có đặc điểm về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thu nhập đầu người, các vấn đề tồn tại cần giải quyết khác nhau nên mỗi tỉnh thành sẽ xây dựng mô hình đô thị thông minh khác nhau.
Đô thị thông minh sẽ là bước tiến hoá của những thành phố hiện đại, khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng di động Với cách thức quản lý ngày càng thông minh hơn, người dân sẽ được thụ hưởng các tiện ích mang lại từ mô hình đô thị thông minh.
Mời đọc thêm