(KTSG) - Dù trong năm học 2023-2024 sắp tới, các trường đại học chưa tăng học phí theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng để cánh cửa đại học rộng mở với mọi học sinh, chính sách cần thay đổi lớn là tín dụng sinh viên. Đây mới chính là giải pháp quan trọng giúp duy trì sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên nghèo.
- Sửa nghị định 81 theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024
- 11 trường tư thục ở TPHCM bị chấn chỉnh vì tăng học phí quá 10%
Đầu tháng 8 này, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Việc sửa nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023-2024. Nghĩa là, việc chưa tăng học phí chỉ mang tính tạm thời.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, giúp cho mọi học sinh đều được tiếp cận cơ hội học tập công bằng, cần thay đổi mạnh mẽ chính sách tín dụng sinh viên hiện nay.
Từ năm 1998, Việt Nam đã có chương trình tín dụng sinh viên. Hiện nay, chính sách tín dụng sinh viên mới nhất được quy định tại Quyết định 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dù đã có nhiều thay đổi nhưng cho đến nay, các quy định về cho sinh viên vay đang cần thêm nhiều thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự phát triển của thị trường giáo dục.
Trong giai đoạn trước đây, việc cho sinh viên vay đôi lúc gặp khó khăn khi thu hồi nợ. Dù vậy, tỷ lệ chậm trả nợ tín dụng sinh viên cũng rất thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ tín dụng sinh viên đến ngày 31-12-2020 là 10.469 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 105 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 1% tổng dư nợ(1).
Hiện nay, khi ai cũng có căn cước công dân gắn chip với mã định danh cá nhân và hệ thống ngân hàng kết nối với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), việc thu hồi nợ tín dụng sinh viên trở nên rất đơn giản. Người nợ tín dụng sinh viên quá hạn không có lý do chính đáng sẽ được ghi vào danh sách của CIC và không thể giao dịch với tất cả ngân hàng. Đây là cách đơn giản mà hiệu quả, người bị phong tỏa dịch vụ ngân hàng sẽ phải tìm cách thanh toán khoản nợ tín dụng thời sinh viên này.
Thiết nghĩ tín dụng sinh viên cần thay đổi toàn diện các quy định về số tiền được vay, lãi suất vay, thời hạn vay, điều kiện vay… Mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/sinh viên hiện nay là khá thấp so với mức học phí một số ngành học ở một số trường đại học công lập có thể lên đến 150 triệu đồng/năm.
Không ít học sinh nhà nghèo, học giỏi nhưng không dám chọn các trường học phí cao như y, dược dù dư điểm đậu. Hai rào cản học phí và mức vay tối đa khiến các em chỉ dám đăng ký vào những trường có mức học phí thấp vừa với khoản vay tín dụng sinh viên cho phép.
Ngoài ra, do chỉ có một mức chung nên tín dụng sinh viên hiện nay đang cho vay cào bằng giữa các tỉnh thành với học phí, chi phí sinh hoạt rất khác nhau. Đó là chưa kể việc các trường đang đào tạo theo tín chỉ nên việc tính học phí từng tháng khi cho vay cũng chưa phù hợp.
Một bất hợp lý khác là lãi suất cho vay tín dụng sinh viên đến 6,6%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao so với một số nhóm đối tượng vay ưu đãi khác với không quá 4%. Vì vậy, nên giảm mức lãi suất cho vay tín dụng sinh viên là nên ở khoảng 3-4% một năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3-4% một năm, sau khi tốt nghiệp áp dụng lãi suất cao hơn(2).
Thời gian vay cũng cần kéo dài hơn hiện nay. Thời hạn vay tối đa là 10 năm của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác, như Brazil (12 năm), Nhật Bản (18 năm), Malaysia và Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm).
Với công nghệ quản lý hiện đại, thiết nghĩ việc cho vay tín dụng sinh viên cần mở rộng và thay đổi triệt để để mọi công dân trẻ đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học một cách bình đẳng và công bằng. Học bổng và các trợ giúp cho sinh viên rất đáng quý nhưng chỉ tiếp cận một số ít sinh viên. Chỉ có chính sách tín dụng sinh viên phù hợp, cho vay đủ tiền học mới giúp được số đông sinh viên hoàn thành trọn vẹn con đường học vấn đúng như mong ước và năng lực của họ.
(1) https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM205035
(2) https://tuoitre.vn/sinh-vien-gap-kho-vay-von-hoc-tap-20220114090333317.htm
Cần quán triệt rõ đây là đầu tư nhân lực chứ không phải cho vay lấy lời. Khoản vay phải được xem xét trên tiêu chí đảm bảo mức sinh hoạt phí trung bình trong suốt quãng đường học tập nghiên cứu và ra trường hành nghề thành công của sinh viên học sinh, đi kèm với chấm điểm uy tín về tín dụng (hạnh kiểm/ học lực/ học bổng/ nghề nghiệp…) để áp dụng thời gian và mức lãi suất ưu đãi theo từng đối tượng. Nói chung, thời gian và lãi suất ưu đãi phải thuộc diện cao nhất/ thấp nhất trong danh mục ưu đãi của nhà nước.