Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng học phí, tăng nỗi lo!

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vấn đề học phí lại nóng ran khi mức học phí tăng mạnh cho năm học mới 2023-2024.

Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục. Ảnh: Lê Vũ

Học phí: gánh nặng hàng thập kỷ

Nói chính xác thì chuyện học phí chưa bao giờ “nguội” trong xã hội chúng ta bởi suốt hàng chục năm qua vẫn chưa có được giải pháp khả dĩ cho vấn đề chi phí học tập đắt đỏ - một gánh nặng của nhiều gia đình lao động thu nhập thấp.

Không phải bây giờ mà từ vài thập niên trước, những kiến nghị về học phí đã được nêu ra mà cho đến nay vẫn không hề mất đi tính thời sự. Trong bản phúc trình (2009) tổng kết đề tài nghiên cứu Hệ thống phúc lợi ở TPHCM với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội được thực hiện từ năm 2004, tác giả Trần Hữu Quang - chủ nhiệm đề tài, đã kiến nghị: miễn học phí và bỏ các khoản thu ở trường công lập.

Theo khảo sát từ năm 2006 của nhóm thực hiện đề tài, tỷ lệ ngân sách gia đình trên cả nước chi dao động trong mức 35-39% chi phí giáo dục (ngân sách nhà nước chi phần còn lại), riêng các gia đình tại TPHCM phải chi tới 66%. Ngay từ những năm đó, mức chi cho giáo dục đã gồm rất nhiều khoản, ngoài học phí còn là tiền bán trú (tiền ăn, tiền cơ sở vật chất, tiền phục vụ…), tiền trang phục, sách vở, học phẩm, tiền học tiếng Anh tăng cường, học kỹ năng, tiền học hai buổi, tiền giấy in đề và giấy thi, các dịch vụ giáo dục khác có thể bao gồm học thêm.

Cũng theo cuộc khảo sát này, tình trạng phân hóa xã hội ngày càng gia tăng. Tất cả học sinh trong một cơ sở giáo dục chi trả một số tiền như nhau, nhưng nó chiếm tỷ lệ chi tiêu cao hơn ở những gia đình nghèo so với các gia đình có thu nhập khá.

Cho đến nay, thực trạng nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. Các khoản thu từ phía các nhà trường, ngay cả trong hệ thống trường công lập, luôn gây ra những ý kiến trái chiều. Không ít khoản tiền học tập phải đóng, nộp, khiến các bậc phụ huynh quay đâu cũng thấy cần tiền, nhất là trong những giai đoạn kinh tế thực sự khó khăn như hiện nay.

Cuối năm học 2022-2023 này, lớp do tôi chủ nhiệm có nhiều học sinh còn nợ tiền trường, trong đó có một học sinh mà suốt cả năm nay, gia đình em không thể đóng được món tiền trường nào. Nhà trường cũng muốn đi tìm các nguồn hỗ trợ, nhưng ngặt nỗi đâu chỉ có một em, còn có nhiều học sinh như thế.

Hồi đầu năm học 2022-2023, TPHCM đã xây dựng mức học phí mới theo hướng tăng như trong Nghị quyết 16/2022 của Hội đồng Nhân dân TPHCM. Theo đó, mức học phí có sự chênh lệch rất lớn so với năm học 2021-2022 (xin xem bảng). Tuy ở năm học 2022-2023, các trường chưa thu học phí theo mức mới, nhưng có thể sẽ thu từ năm học 2023-2024 với mức tăng gấp 5 lần so với hiện nay.

Nhà nước bảo đảm quyền học tập bình đẳng của trẻ em

Có lẽ cũng nên nhắc lại về quyền của trẻ em trong Luật Trẻ em 2016. Theo đó, “trẻ em có quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu” và “trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục. Điều này có nghĩa quyền được học tập bình đẳng của trẻ em được Nhà nước bảo đảm.

Còn theo Ngô Minh Oanh (chủ biên cuốn Đảm bảo cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em nhập cư tại TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM, 2021), mọi người đều có quyền hưởng sự giáo dục của xã hội, trong đó, giáo dục tiểu học bắt buộc và miễn phí, giáo dục trung học được phổ cập và tiến dần đến miễn phí.

Nhiều nhà quan sát nhận định rằng, lý do tăng học phí là bởi kinh phí nhà nước cấp cho giáo dục quá thấp, không tăng học phí thì khó cải thiện chất lượng giáo dục chỉ cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cấp quản lý. Việc tăng học phí thực chất đã đẩy gánh nặng cho dân.

Một số gợi ý giải pháp

Để giảm tác động của việc tăng học phí theo Nghị quyết 16, vừa qua, TPHCM đã công bố thêm một quyết định giảm học phí theo Nghị quyết 17. Trên thực tế, việc tăng học phí cho năm học 2022-2023 chỉ diễn ra trên giấy (tức là chỉ có các quyết định), còn các cấp học vẫn giữ mức thu như năm học 2021-2022. Lý giải việc này, UBND TPHCM cho biết thành phố phải xây dựng mức học phí mới để đảm bảo lộ trình thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ (về thu, quản lý học phí; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong giáo dục đào tạo), nhưng đồng thời, thành phố sử dụng ngân sách để chia sẻ khó khăn với người dân trước những khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19.

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc ở Viện SocialLife dẫn lại một nghiên cứu tại Hàn Quốc (Lee Kyesun, 2008:77) cho thấy ngoài chính sách đồng bộ chung của nhà nước thì nhà chức trách nước này có quy định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở nơi mà doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, sản xuất.

Trong đó, doanh nghiệp phải trợ cấp kinh phí nuôi con cho người lao động nếu như không xây dựng được cơ sở giáo dục mầm non, mức trợ cấp là trên 50% chi phí giáo dục mầm non, tùy lứa tuổi theo quy định của Chính phủ.

Đây được xem là mô hình phát triển bền vững cho các quốc gia khi doanh nghiệp cam kết trách nhiệm về phúc lợi xã hội cho người lao động của họ. Nếu cách thức này cũng được thực hiện ở Việt Nam, cụ thể là ở TPHCM thì sẽ giảm áp lực cho ngân sách nhà nước cũng như cho ngân sách các gia đình chi tiêu vào giáo dục.

Còn trong một nghiên cứu khác, tác giả Đặng Thị Minh Hiền cho rằng các cấp mầm non 5 tuổi, tiểu học và trung học cơ sở là những cấp học mang lại lợi ích cho xã hội lớn hơn rất nhiều so với lợi ích cá nhân người học, trong khi bản thân người học thì ở lứa tuổi chưa thể ý thức hết về giá trị của việc học của họ cũng như chưa có khả năng chi trả học phí. Do vậy, việc miễn hoàn toàn học phí cho học sinh từ trung học cơ sở trở xuống sẽ giúp giải quyết được rất nhiều mục tiêu xã hội.

Với mục tiêu phổ cập giáo dục và nâng dần mặt bằng giáo dục toàn dân thì việc miễn hoàn toàn học phí là giải pháp giảm gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội trước thực trạng có nhiều khoản phí (dịch vụ đi kèm) tạo áp lực lớn lên phụ huynh học sinh.

Theo cá nhân người viết bài này, nếu chúng ta chưa thể thực hiện được mô hình doanh nghiệp chia sẻ 50% chi phí học tập như ở Hàn Quốc thì ngành giáo dục nên đề xuất nhà nước tài trợ học phí (miễn học phí) cho học sinh theo học trường công.

Nhưng chỉ với một nỗ lực từ phía trường học thì cũng chưa thể giải quyết được các vấn đề về học phí và sự bất bình đẳng hiện nay, vậy nên các chính sách cho giáo dục cũng như các dịch vụ công, dịch vụ tư nhân cung cấp cho giáo dục cần phải được nghiên cứu nhiều hơn trên cơ sở có sự cộng tác từ nhiều ngành, nhiều phía.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới