(KTSG) - Tầng lớp trung lưu được xem là một trong những bệ phóng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đợt bùng nổ mua sắm sau đợt dịch của nhóm khách hàng này đã không xảy ra như đã diễn ra ở các nước khác. Trong khi đó, tình hình tài chính hộ gia đình Việt Nam cũng xấu đi, với hơn 60% đã thắt chặt hầu bao và hơn 80% sẽ điều chỉnh chi tiêu. Sức mua kém cũng làm cơ hội hồi phục kinh tế yếu đi.
Theo dữ liệu của World Lab Data của Anh công bố đầu tháng 9-2021, tầng lớp trung lưu của Việt Nam trong năm nay dự kiến đạt khoảng 35 triệu người, tăng thêm 2 triệu so với năm ngoái. Chi tiêu hộ gia đình trung lưu đạt 11-110 đô la Mỹ theo đầu người mỗi ngày. World Lab Data dự báo rằng trong một thập niên tới tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng thêm 21 triệu người. Số người ở độ tuổi 45-65 sẽ đóng góp gần 25% tổng sức mua của Việt Nam, với so tỷ lệ 20% hiện nay.
Báo cáo của hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG), sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Việt Nam là một chỉ số quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong báo cáo cho giai đoạn 2015-2020, BCG nói rằng một tỷ lệ đáng ngạc nhiên là có tới 92% số người Việt tin rằng họ đang có cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ cha mẹ họ, 93% tin rằng con cái họ sẽ có điều kiện sống tốt hơn chọ trong hiện tại. Sự lạc quan này đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, dịch bệnh khiến các dự báo trước đây trở thành lỗi nhịp do triển vọng tăng trưởng kinh tế khá bấp bênh trong quí 4-2021. Viễn cảnh đó đã buộc người tiêu dùng và ngay cả tầng lớp trung lưu siết chặt chi tiêu.
Tầng lớp trung lưu cũng bị tổn thương
Amrita Banta, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Agility Research, đã dùng khái niệm “mua sắm trả thù” (revenge shopping) để miêu tả về cơn khát mua hàng hiệu của giới trung lưu Trung Quốc có tiền nhưng bị kềm chân ở nhà trong hơn 70 ngày khi Vũ Hán bùng dịch từ cuối tháng 1-2020, với số lớn chi vào thời trang, đồ phụ kiện, trang sức và các chuyến du lịch. Sau các đợt gỡ phong tỏa ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng tạo làn sóng mua sắm này.
Nhưng kịch bản các đợt sóng “mua sắm trả thù” sau bốn tháng giãn cách tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác đã không diễn ra. Các cửa hàng đồ hiệu đắt tiền tại các trung tâm mua sắm hàng đầu như Parkson Lê Thánh Tôn, Takashimaya, Crescent Mall, Vivo hay Aeon Mall rất vắng khách. Những ngày đầu đông người, nhưng sức mua không lớn. Các nhu cầu bị đè nén trong suốt bốn tháng phong tỏa chống dịch vẫn sẽ tiếp tục bị đè nén.
Các chuyên gia tiếp thị và các nhà kinh tế Việt Nam nói rằng thật ra nhu cầu mua sắm vẫn có, nhưng ở Việt Nam ít hơn nhiều, bởi thời gian giãn cách ở TPHCM khá dài - đến 123 ngày - và kể cả thời điểm sau 1-10 vẫn còn cảnh ngăn sông cấm chợ. Ngoài ra, tỷ lệ tích lũy của một gia đình trung bình ở thành phố là hai tháng thu nhập, tức chỉ 60 ngày.
Người tiêu dùng đã thay đổi cách chi tiêu
Khảo sát của Nielsen Việt Nam về thay đổi hành vi tiêu dùng sau dịch của người Việt cho thấy chỉ có 9% người tầng lớp trung lưu là không bị ảnh hưởng, có thu nhập ổn định hoặc cải thiện, và không phải tính toán chi ly. “Họ là những người có sức mua trong tầm kiểm soát những vật phẩm cao cấp, đến siêu cao cấp và sang trọng”, theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng của NielsenIQ Vietnam.
Các cửa hiệu cắt tóc chỉ đông đảo khách trong tuần đầu tiên khi mọi người chỉnh trang làm đẹp trở lại sau bốn tháng đầu bù tóc rối. Nhưng kể từ tuần thứ hai khá vắng khách. Các quán ăn mang về chỉ bận tíu tít trong khoảng ba ngày đầu khi TPHCM cho phép mở lại việc mua đồ ăn thức uống mang đi. Và ngay tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh với dòng người đông đảo trước ngày phong tỏa 9-7, nay chỉ còn lại nhân viên bán hàng. Những trang hội bán hàng trực tuyến bận rộn trong những ngày còn dịch dã tháng 9 đã giảm trầm trọng trong tháng 10. Sức mua của người tiêu dùng đã giảm rõ rệt.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cao cấp Kantar Vietnam, cho biết trong đợt khảo sát đầu tiên vào năm 2020 chỉ có 30% số người tiêu dùng lo lắng về sức khỏe tài chính của bản thân và gia đình. Năm 2021, tỷ lệ này tăng lên đến 54%. Đây là mức cao nhất trong năm năm gần nhất theo khảo sát của Kantar Vietnam.
Trong năm 2021, tất cả mọi người, từ thu nhập thấp đến cao ai cũng lo mất việc. Còn những người tạm thời bị ngưng việc cho dịch bệnh lại lo lắng không biết tương lai mình có việc làm hay không. Theo khảo sát của NielsenIQ Vietnam, có 66% số người tiêu dùng đã thay đổi cách chi tiêu, và đến 88% tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu trong năm 2021 này.
Bốn phân khúc người tiêu dùng
- Nhóm đã bị ảnh hưởng: chịu áp lực tài chính từ năm 2020 và tiếp tục trong năm 2021. Họ phải luôn tính toán tinh giản tiêu dùng và chi tiêu.
- Nhóm mới bị ảnh hưởng: bắt đầu trải qua sự sụt giảm trong thu nhập, tài chính kém đi. Họ đang cẩn trọng theo dõi chi tiêu hiện tại của mình.
- Nhóm ít bị ảnh hưởng nhưng cẩn trọng: đưa ra nhiều lựa chọn thông minh hơn để tiết kiệm chi tiêu.
- Nhóm không bị ảnh hưởng: tức tầng lớp trung lưu, nhưng họ chuyển sang tiết kiệm các khoản chi tiêu khác.
Nguồn: NielsenIQ Vietnam
Luôn ưu tư về giá
Giá, giá và giá sẽ là bài ca muôn thuở.
Người tiêu dùng sẽ cắt giảm tối đa chi tiêu, và chỉ mua những món thiết yếu. Bà Nguyễn Phương Nga nói rằng xu hướng “down trade” sẽ tiếp tục mạnh hơn. Chẳng hạn, từ 10 năm trước người Việt chỉ dùng các nhãn bột giặt lớn như Omo hoặc Ariel. Nhưng nay các nhãn ít nổi tiếng, rẻ tiền hơn hay các nhãn riêng của các chuỗi siêu thị đang được ưa chuộng. “Khi mua bất cứ mặt hàng nào, người tiêu dùng đều muốn nhận về giá trị lớn hơn. Các nhãn bột giặt đều không khác biệt quá lớn về chất lượng, tại sao lại bỏ nhiều tiền để mua loại đắt”, bà nói.
Nhưng ngược lại xu hướng tăng chi tiêu cho các sản phẩm liên quan tới sức khỏe cũng diễn ra, do mọi người quan tâm hơn đến sức khỏe cá nhân và gia đình. Cắt giảm nhiều khoản, nhưng các bà nội trợ sẽ tăng chi tiêu cho thức ăn. “Nếu không thể đưa gia đình đi du lịch thì họ sẽ chăm chút hơn từng bữa cơm. Thời gian tới mảng ẩm thực (F&B) sẽ rất tốt”, bà Nga phân tích.
Thực tế này chứng minh rõ ràng rằng người Việt Nam không giàu như nhiều người đã lầm tưởng. Trước đây, căn cứ vào sức tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ở mọi phân khúc đều tăng trưởng nhanh qua mỗi năm, cả xã hội đều nghĩ rằng chúng ta đã khá giả lắm, không cần lo toan chi li. Nhưng thực sự đằng sau sức tiêu thụ hàng hoá dịch vụ tăng nhanh đó là những nguyên nhân: 1. Nền kinh tế tăng trưởng nóng nên mức thu nhập tăng nhanh; 2. Sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị kéo theo mức thu nhập của một bộ phận người dân tăng đột biến, và họ lập tức tăng mức tiêu dùng các loại hàng hoá mong muốn mà trước đây họ không thể làm được; 3. Lực lượng lao động rất trẻ, họ còn thời gian làm việc lâu dài, và có sức khoẻ nên tự tin rằng mình vẫn còn nhiều thời gian làm ra tiền, và cũng muốn trải nghiệm tiêu thụ hàng hoá dịch vụ nhiều hơn, do đó họ tiêu dùng nhiều hơn và ít tích luỹ hơn. Tất cả những nguyên nhân đó làm cho bức tranh mua sắm, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ ở nước ta đầy sôi động, lạc quan trên bề nổi. Nhưng bên dưới đó, phần tiết kiệm, tích luỹ không nhiều. Chỉ cần một biến cố rủi ro xảy đến là người lao động lao đao ngay.
Trung lưu hay hạ lưu, kể cả thượng lưu, giai đoạn này đều so đo tính toán trong tiêu dùng. Vấn đề không chỉ là do tiết kiệm mỏng, thu nhập kém mà là cơ hội làm ăn thời buổi này quá khó hoặc mong manh. Việc đóng/ mở nền kinh tế vẫn cứ phập phồng, chưa có gì ổn định cả. Tâm lý mọi người vẫn căng cứng, vừa làm vừa lo, vừa xài vừa tính. Năm nay Tết chắc không ra gì ?