(KTSG) - Ngày 12-6 Chính phủ ban hành Nghị định 38, theo đó từ ngày 1-7-2022 mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ tăng thêm 6%, tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành. Tuy nhiên, người lao động ở khu vực cá thể dường như vẫn nằm ngoài “tầm phủ” của Nghị định 38, mặc dù khu vực này đóng góp xấp xỉ 30% giá trị tăng thêm vào GDP.
Việc tăng lương tối thiểu có phải là việc vui mừng với người lao động? Đối với khu vực doanh nghiệp có thể dẫn đến một số vấn đề:
Thứ nhất, sau hai năm vật lộn với dịch bệnh, hiện tại các doanh nghiệp đang tiếp tục “trầm luân” với giá xăng dầu tăng phi mã. Trong bối cảnh đó, việc tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến lương cơ bản tăng, nhưng tổng thu nhập của người lao động lại không tăng do doanh nghiệp không thể chịu đựng được việc tăng chi phí thêm nữa.
Trong trường hợp này thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp cũng chẳng được hơn gì, thậm chí còn bị giảm đi do người lao động phải đóng phần bảo hiểm xã hội nhiều hơn và doanh nghiệp cũng chịu thiệt do phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên mức lương cơ bản. Chỉ người lao động làm việc ở khu vực ăn lương ngân sách là được lợi.
Thứ hai, trường hợp lương tối thiểu tăng kéo theo tổng thu nhập của doanh nghiệp phải trả cho người lao động tăng lên. Điều này dẫn đến hai tình huống hoặc giá sản xuất (giá thành) tăng lên hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi. Theo tính toán từ hệ số của bảng cân đối liên ngành, ở tình huống doanh nghiệp đưa chi phí do tăng tiền lương vào giá sản xuất có thể khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng gần 1%. Còn trong tình huống không thể đẩy vào giá thành các doanh nghiệp chịu thiệt hại về lợi nhuận (giảm lợi nhuận) từ 3-4%
Cấu trúc bảng cân đối liên ngành (Input - Output/IO) của Việt Nam trong cả giai đoạn (khoảng từ năm 2008-2020: giả thiết bảng IO 2012 đại diện giai đoạn 2008-2013, bảng IO 2016 đại diện giai đoạn 2013-2017 và bảng IO 2019 đại diện giai đoạn 2017-2020) hầu như không có sự thay đổi đáng kể. Kết quả tính toán cho thấy, trong cả giai đoạn mà bảng IO 2012, 2016 và 2019 là đại diện, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và giai đoạn hiện nay (bảng IO 2019 là đại diện) mức độ thâm dụng vốn có xu hướng tăng lên. Điều này có một phần không nhỏ là do tăng lương không dựa vào tăng năng suất lao động.
Nếu tăng lương tối thiểu lên 6%, tính toán cho thấy hệ số co giãn về lao động sẽ tăng lên trên 80% và nền kinh tế cần nhiều vốn hơn nữa cho tăng trưởng.
Nếu thực sự quan tâm đến người lao động nên giảm giá xăng dầu nhanh nhất có thể, vì giá xăng dầu Việt Nam tăng cao cơ bản do thuế, như thuế nhập khẩu, VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, nên xăng dầu nhập vào với giá càng cao thì người tiêu dùng phải chịu thuế càng nhiều. Hơn nữa Việt Nam có mỏ dầu là sở hữu toàn dân nên dân Việt Nam phải chăng cũng đáng được hưởng cái thiên nhiên trao tặng cho mình?