Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tăng lương cơ sở, tăng mức đóng các loại bảo hiểm

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tăng lương từ 1-7-2023 đồng nghĩa với tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và đương nhiên mức hưởng bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu, các chế độ từ quỹ phúc lợi xã hội như thai sản, ốm đau... của người lao động cũng sẽ tăng thêm, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo nghị quyết của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, cán bộ công chức, viên chức sẽ được tăng lương cơ sở từ 1-7-2023. Có nhóm sẽ được tăng đến 2,48 triệu đồng, có nhóm chỉ tăng hơn 500.000 đồng tùy theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ. Với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, lương được tính theo thỏa thuận của các bên, không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của lương cơ sở.

Cụ thể, công chức, viên chức A3 đang hưởng lương hệ số 8,0 (hệ số tiền lương cao nhất hiện nay) mức lương hiện được hưởng là 11,92 triệu đồng/tháng, kể từ 1-7-2023, sẽ tăng lên 14,4 triệu đồng. Mức lương của công chức, viên chức loại B, có hệ số lương thấp nhất là 1,86 (hệ số lương cho lao động có trình độ trung cấp) có mức tăng không đáng kể, chỉ tăng 418.000 đồng so với lương đang hưởng, lên 3,37 triệu đồng/tháng.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin, hiện nay tiền lương của một bộ phận người có công và tiền lương hưu của người về hưu trước năm 1993 rất thấp. Nhiều người hưởng lương hưu chỉ từ 1,5-2 triệu đồng. Mức lương hưu này không đủ đảm bảo cuộc sống.

Vì thế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thêm mức tăng của nhóm đối tượng này cho phù hợp. Có thể với nhóm người về hưu trước năm 1993, có mức lương hưu thấp nên tăng lên 15-20% thay vì tăng 12,5% như đề xuất, để đảm bảo lương hưu thấp nhất đạt khoảng 3 triệu đồng. Với nhóm người có lương hưu cao hơn có thể tăng mức thấp hơn, khoảng 10%, tuy nhiên mức tăng lương hưu không nên vượt quá 20%.

Bên cạnh đó, việc tăng lương đồng nghĩa với các mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động cũng sẽ tăng thêm. Cụ thể:

Tăng mức đóng BHYT tối đa: Tiền đóng BHXH bắt buộc mỗi tháng, người lao động đóng 1,5%, tăng từ 447.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng.

Tăng mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Mức đóng của người thứ nhất tăng từ 67.050 đồng/tháng lên 81.000 đồng/tháng, do đó mức đóng của những người còn lại cũng tăng theo, tương ứng theo thứ tự 56.700 đồng/tháng; 48.600 đồng/tháng; 40.500 đồng/tháng và 32.400 đồng/tháng.

Về tăng điều kiện hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh: Người đóng BHYT từ đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Do đó, số tiền cùng chi trả từ 8,94 triệu đồng tăng lên 10,8 triệu đồng mới được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Tăng mức đóng BHXH bắt buộc tối đa: Hàng tháng, người lao động trích 8% mức tiền lương tháng của mình để tham gia BHXH bắt buộc. Nếu mức lương này cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở. Như vậy mức đóng tăng từ 2,384 triệu đồng/tháng lên 2,88 triệu đồng/tháng.

Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Hàng tháng, người lao động đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp và tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa theo chế độ tiền lương do Nhà nước chi trả bằng 20 lần mức lương cơ sở. Theo đó, tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 298.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng.

Bên cạnh việc tăng mức đóng của một số loại BHXH, tăng lương cũng ảnh hưởng đến mức hưởng của các loại trợ cấp, phụ cấp của người lao động.

Tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở; tăng từ 447.000 đồng/ngày lên 540.000 đồng/ngày.

Tăng mức trợ cấp 1 lần cho lao động nữ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con; tăng từ 2,98 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở; tăng từ 447.000 đồng/ngày lên 540.000 đồng/ngày.

Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở cũng tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo Cổng thông tin Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới