(KTSG Online) - Những dự báo từ cơ quan quản lý ngành công thương cho thấy người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm vào cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, dự kiến mức tăng trưởng 4-7% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, công tác chuẩn bị hàng hóa cùng các kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được đánh giá là quan trọng và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
- Nhiều tỉnh thành lên phương án bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết 2023
- Nhà nông tăng cường chăn nuôi phục vụ thị trường Tết
Sáng 8-12, tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, thông tin cho thấy về lượng hàng hóa dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán đã tăng khoảng 7-10%, trong đó tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Lượng hàng hóa cho Hà Nội (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết) đã chuẩn bị: gạo 290.100 tấn; thịt lợn 57.900 tấn, thịt gà 19.200 tấn, thịt bò 16.050 tấn, trứng gia cầm 387 triệu quả, rau củ 322.500 tấn; thực phẩm chế biến 15.900 tấn; thủy hải sản 15.900 tấn; trái cây 156.000 tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 39.500 tỉ đồng (tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Tại TPHCM, để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỉ đồng để chuẩn bị 40.000 tấn hàng hóa trong 2 tháng Tết. Cụ thể, các doanh nghiệp đã dự trữ 5.253 tấn lương thực, 2.031 tấn đường, 2.356 tấn dầu ăn, 5.603 tấn thịt gia súc, 8.481 tấn thịt gia cầm, 54,4 triệu quả trứng gia cầm, 1.485 tấn thực phẩm chế biến, 9.255 tấn rau củ quả, 297 tấn thủy hải sản và 1.600 tấn gia vị.
Sở Công Thương TPHCM đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án, dự trữ nguồn hàng tăng 25-43% so với nhu cầu của người dân thành phố, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm trên địa bàn.
Tại Đà Nẵng, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.850 tỉ đồng, trong đó: 351 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287 tấn thực phẩm khô, 798 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm vào cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, nên dự kiến khối lượng hàng hóa tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão cần chi tiết, có kế hoạch kỹ lưỡng.
Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả.
Một trong những vấn đề đáng chú ý là vào dịp Tết giá thịt heo xuống thấp có thể dẫn đến nguy cơ người dân không tái đàn, nguồn cung và việc kiểm soát giá cần được đảm bảo.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá để cùng đưa ra phương án điều chỉnh thị trường kịp thời cả trước, trong và sau Tết.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được yêu cầu không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh; các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cam kết tổ chức bán hàng bình thường; các cửa hàng phải có phương án đảm bảo nguồn xăng dầu và phòng cháy chữa cháy.
Bộ Công Thương đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.