(KTSG) - Tháng 9-2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng số giờ làm thêm của người lao động so với quy định hiện hành nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19(1). Đề xuất này đã thu hút nhiều ý kiến trong giới làm luật, người sử dụng lao động cũng như người lao động (NLĐ).
Mới đây, bộ này lại vừa kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về số giờ làm thêm(2). Cụ thể: tăng số giờ làm thêm trong một tháng từ 40 giờ lên 72 giờ và tổng số giờ làm thêm trong một năm không quá 300 giờ, áp dụng không giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc các trường hợp quy định tại Bộ luật Lao động 2019.
Nhìn từ quy định hiện hành
Theo pháp luật lao động hiện hành, số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; nếu doanh nghiệp quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không được quá 12 giờ/ngày, không quá 40 giờ/tháng(3), ngoài ra còn phải bảo đảm số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm. Chỉ đối với một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp có thể tổ chức cho NLĐ làm việc không quá 300 giờ/năm(4), bao gồm: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may; sản xuất, cung cấp điện; giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ… Và để áp dụng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm, doanh nghiệp cần nhận được sự đồng ý của NLĐ và phải thông báo bằng văn bản cho các sở lao động - thương binh và xã hội.
Không phủ nhận việc tăng số giờ làm thêm nếu được chuẩn y trong thời điểm hậu Covid sẽ mang đến một số mặt tích cực cho doanh nghiệp. Chẳng hạn doanh nghiệp có thể bù đắp sản lượng sụt giảm do biến động sụt giảm lực lượng lao động sau đại dịch; thoát khỏi gánh nặng cấp bách tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong giai đoạn phục hồi. Hay như việc doanh nghiệp có thể huy động NLĐ làm thêm trong những trường hợp cấp thiết mà không cần thông qua thủ tục phức tạp và tốn thời gian thông báo cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh như đã nêu.
Sau đại dịch Covid-19, người lao động có khuynh hướng chú trọng sức khỏe nhiều hơn trước. Việc gia tăng khai thác sức lao động của bên sử dụng lao động thông qua tăng số giờ làm thêm và được hỗ trợ bởi các quy định có thể có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại doanh nghiệp làm việc của người lao động.
Về phía NLĐ, ngoài việc làm thêm theo sự huy động của doanh nghiệp, NLĐ cũng có thể chủ động đăng ký làm thêm theo nhu cầu công việc và được hưởng mức lương làm thêm theo quy định, gia tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên về bản chất, việc làm thêm giờ xuất phát từ sự thỏa thuận giữa các bên, và không khó để thấy trên thực tế, việc “tự nguyện” làm thêm của NLĐ chỉ mang tính tương đối. Trong một số trường hợp, vì là bên yếu thế hơn trong mối quan hệ lao động, NLĐ đồng ý làm thêm giờ theo sự huy động của bên sử dụng lao động chứ không hoàn toàn tự nguyện, vì không muốn dẫn đến những lụy tiêu cực khác, như có thể ảnh hưởng đến việc cất nhắc chức vụ hoặc các quyết định nâng lương, tăng thưởng…
Ở chiều ngược lại, bên sử dụng lao động hoàn toàn có thể lợi dụng việc này để huy động NLĐ làm thêm đến mức tối đa, bất kể sức khỏe, sự cân bằng trong cuộc sống của NLĐ cũng như làm ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội khác như giáo dục con cái, hay thời gian tham gia các khóa học nâng cao các kỹ năng nghề cần thiết giúp tăng năng suất làm việc. Việc doanh nghiệp huy động NLĐ làm thêm nhiều khi còn ẩn đằng sau đó sự tránh né tuyển dụng người mới nhằm né các nghĩa vụ về báo cáo lao động, về đóng thuế thu nhập cá nhân và các loại bảo hiểm xã hội bắt buộc cho NLĐ. Thực tế đã có những doanh nghiệp, khi huy động NLĐ làm thêm ở mức trên 200 giờ đến 300 giờ/năm vẫn không thông báo hoặc không thực hiện đúng cam kết với sở lao động - thương binh và xã hội khi tổ chức cho NLĐ làm thêm.
Cần xem xét cẩn trọng khi quy định tăng số giờ làm thêm
Ai cũng biết việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời hậu Covid là cần thiết, nhưng vấn đề tăng số giờ làm thêm của NLĐ cần được nhìn nhận chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là giải pháp triệt để và lâu dài nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngày 15-12-2021 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH, quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Sự ra đời của Thông tư 18 giúp giải quyết cơ bản và cấp bách nhu cầu làm thêm của các doanh nghiệp sản xuất có tính thời vụ ở thời điểm hiện tại trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, các doanh nghiệp có yêu cầu phải thu hoạch ngay, chế biến ngay sau thu hoạch, hoặc gia công theo đơn đặt hàng và bị ràng buộc thời điểm giao hàng.
Sau Thông tư 18 đến nay, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chưa ban hành thêm văn bản nào khác nhằm điều chỉnh tăng số giờ làm thêm đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực khác, nhưng có kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tăng số giờ làm thêm và không giới hạn nhóm ngành nghề, công việc như đã nêu ở đầu bài viết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên cân nhắc, khảo sát từng lĩnh vực, ngành nghề để xem liệu lĩnh vực nào cần tăng số giờ làm thêm thì hãy điều chỉnh tăng (và bỏ luôn thủ tục thông báo việc làm thêm giờ như hiện nay). Còn đối với những ngành, nghề khác, nhất là những nghề cần liên tục cải thiện, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người hành nghề (như nghề luật sư, kế toán, kỹ sư…) thì nên cân nhắc giữ nguyên số giờ làm thêm như quy định hiện hành, vì NLĐ trong những ngành nghề này cần có thời gian trống ngoài giờ làm việc để học hỏi và phát triển tay nghề nhằm phục vụ công việc tốt hơn.
Cũng xin nêu ra đây một luồng ý kiến cho rằng sau đại dịch Covid-19, NLĐ có khuynh hướng chú trọng sức khỏe nhiều hơn trước. Việc gia tăng khai thác sức lao động của bên sử dụng lao động thông qua tăng số giờ làm thêm và được hỗ trợ bởi các quy định có thể có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại doanh nghiệp làm việc của NLĐ.
---------
(*)Công ty Luật Phuoc & Partners
(1)https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/de-xuat-tang-gio-lam-them-khong-qua-300-gio-moi-nam-779308.html
(2)https://vneconomy.vn/de-xuat-tang-gio-lam-them-khong-qua-300-gio-nam-cho-moi-nganh-nghe.htm
(3)Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
(4)Điều 107.3 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 61 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Tăng số giờ làm thêm là việc chẳng đặng đừng. Không nên xem đây là giải pháp dài hạn, thường xuyên, mà chỉ là đột xuất, cấp bách, ngắn hạn mà thôi. Quy luật tâm sinh lý con người có giới hạn riêng về thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Nếu chúng ta chưa thể theo kịp xu thế của thế giới là giảm giờ làm, tăng phúc lợi và tiền lương cho người lao động vất vả, thì cũng nên tránh những phương án tăng giờ làm không thực sự cấp thiết. Việc này phải luật hóa, có quy trình kêu gọi sự đồng thuận rõ ràng nhằm loại trừ sự vận dụng tùy tiện, áp đặt tùy hứng của giới chủ.
Trả lời tới Trần Dư: Mình đồng ý với quan điểm này.
Rất phù hợp với tư duy Đổi Mới & Cải cách . Ta cần ủng hộ chính phủ những điều phù hợp với đường lối Đổi Mới