Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng tốc đầu tư các tuyến đường sắt mới ở miền Đông Nam bộ

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Các dự án đầu tư vào hạ tầng đường sắt theo hình thức đối tác công- tư (PPP) mà Nhà nước kêu gọi với danh mục đầu tư cụ thể đã có lời đáp với việc UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ giao cho tỉnh này làm tuyến đường sắt kết nối Thủ Thiêm với sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu để khép kín tuyến hạ tầng Cái Mép- Thị Vải.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao cho tỉnh này làm đầu mối triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.

Hệ thống đường sắt Việt Nam lạc hậu qua hàng thế kỷ đang được đầu tư từng đoạn tuyến dự kiến theo hình thức PPP
Ảnh: ĐSVN

Dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 40.566 tỉ đồng, dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, dài 37,5 km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm,TP Thủ Đức, TPHCM và điểm cuối tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án thứ hai là tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài 65 km, tổng mức đầu tư 50.822 tỉ đồng, có điểm đầu tại ga Trảng Bom (Khổ đường 1.435 mm) huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải cũng theo hình thức PPP.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nếu Chính phủ chấp thuận cho Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện 2 dự án nói trên, tỉnh sẽ lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS), phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương liên quan đến 2 dự án triển khai thực hiện dự án, sớm đưa vào khai thác đồng bộ với tiến độ của sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025. Vì đây là hai dự án cấp bách, gia tăng kết nối liên vùng, gia tăng hiệu quả vận tải logistics và có trong danh mục kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng.

Trước đó, Bộ GTVT cũng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hai dự án: dự án đường sắt kết nối đến cảng cửa ngõ Lạch Huyện (Hải Phòng) và tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải vì đây là hai tuyến đường vận tải logistics quan trọng tại cảng Hải Phòng và cụm cảng số 5 Nam bộ nhưng đang tắc nghẽn, làm tăng chi phí vì sự xuống cấp của đường bộ. Dự kiến hai tuyến đường sắt này cần 90.000 tỉ đồng vốn đầu tư để “giải phóng” hàng xuất nhập khẩu ở hai đầu đất nước.

Tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cũng gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kết nối khi đường bộ đến cảng chỉ có đường độc đạo là quốc lộ 51 thường xuyên tắc nghẽn nên 85% hàng hóa đến Cái Mép – Thị Vải phải vận chuyển bằng đường thủy. Nhưng việc đưa/rút hàng bằng đường thủy khiến các bến cảng container tại Cái Mép không khai thác được tối đa công suất do phải mất diện tích phục vụ cho giao nhận sà lan. Việc đầu tư tuyến đường sắt là cần thiết để giải phóng hàng, nếu không các hãng tàu lớn sẽ không còn thấy hấp dẫn với cụm cảng này.

Dự án đầu tư vào đường sắt đến Lạch Huyện sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 32,6 ngàn tỉ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.

Để có thể đầu tư đường sắt đến Cái Mép – Thị Vải, trước tiên cần đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối cụm cảng này. Với việc lên tiếng xin nhận dự án của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, dự án Cái Mép- Thị Vải với điểm đầu tư đầu tiên là tuyến Biên Hòa-Vũng Tàu đang dần trở thành hiện thực.

Công trình đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu hiện đã được lập dự án đầu tư và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận kết quả nghiên cứu, được cập nhật nghiên cứu khả thi hoàn thành năm 2019 do Koica (Nhật Bản) tài trợ.

Tuyến đường sắt này có chiều dài 84 km, khổ 1.435 mm, đi song song quốc lộ 51, qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Bến Đình – Sao Mai. Riêng dự án Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến đầu tư khoảng 56,8 ngàn tỉ đồng và cần 20 năm thu hồi vốn, 30 năm hoàn trả vốn vay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới