(KTSG Online) - Một trong những mục tiêu mới vừa được đặt ra cho ngành thương mại là tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9% trong năm nay.
- Lại thiếu xăng dầu cục bộ, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng gần 20%
Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương, báo cáo tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về cơ bản từ đầu năm đến nay đã bảo đảm đủ nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1-2023 duy trì xuất siêu 3,6 tỉ đô la; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%).
Sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.
Đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm; sức mua trong nước hồi phục chậm; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, mục tiêu năm 2023 của Bộ Công Thương không chỉ vượt qua khó khăn, tồn tại của năm 2022 mà còn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.
Bộ Công Thương phải tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Để cán đích mục tiêu tăng trưởng 8-9%, Bộ Công Thương đề ra các giải pháp thực hiện gồm: đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.
Chú trọng phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại đã thực thi để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tạo thuận lợi hoá thương mại.
Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Tờ trình số 8525/BCT-TTTN của bộ này về việc thông qua nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước, gồm: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện…