(KTSG Online) - Tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng ngạc nhiên của Trung Quốc đang gợi lại những cảnh báo quen thuộc rằng “khi kinh tế Trung Quốc hắt hơi, kinh tế toàn cầu sẽ sổ mũi”.
Nhưng thực tế cho thấy câu chuyện kinh tế tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc không tác động nhiều đến các nền kinh tế khác trên thế giới giống như trước đây. Có nhiều lý do để giải thích điều này, bao gồm các nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn cung hàng hóa vào Trung Quốc bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia chuyển bớt chuỗi chuỗi cung ứng khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng số hóa và công nghệ internet di động đang tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho những nước khác, giúp họ tránh được những chấn động lớn khi kinh tế Trung Quốc sa sút.
Đó là nhận định của ông Ruchir Sharma, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Công ty quản lý đầu tư Morgan Stanley và là tác giả của cuốn sách “10 quy tắc của những quốc gia thành công” trong bài viết đăng trên tờ Financial Times hôm 6-12.
Theo bài viết, cách đây không lâu, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng đồng điệu với Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây, mối liên kết đó suy yếu và sau đó sụp đổ trong đại dịch Covid-19. Trong quý 2 năm nay, lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể so với các thị trường mới nổi khác.
Bắc Kinh đang đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và phát động chiến dịch chấn chỉnh nhằm các lĩnh vực kinh tế quan trọng cũng như nỗ lực kiểm soát núi nợ của doanh nghiệp. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại thấy rõ, trong khi phần còn lại của thế giới thì không.
Ông Sharma cho rằng mối liên hệ giữa tăng trưởng ở Trung Quốc và các nền kinh tế khác bắt đầu lỏng lẻo khoảng 5 năm trước và vào thời điểm này, có nhiều tác lực khác mạnh mẽ hơn đang làm suy yếu mối liên hệ này.
Trước hết, một cuộc chiến lạnh mới về thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược kinh tế hướng nội, thay thế mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi thương mại sang một mô hình tăng trưởng dựa vào nhiều hơn vào sức tiêu dùng nội địa. Tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực xuất khẩu trong GDP của Trung Quốc đã giảm từ mức trên 35% vào trước năm 2010, xuống mức dưới 20% hiện nay. Vào năm 2015, Bắc Kinh đã triển khai chương trình “Made in China 2025”, để tự cung tự cấp hơn bằng cách tăng mua các nguồn cung nội địa và nỗ lực tự phát triển công nghệ.
Nước Mỹ, dưới thời cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, đã phản ứng bằng cách nỗ lực “tách rời” kinh tế khỏi Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Sau đó, Tổng thống Joe Biden và nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu cũng theo đuổi chính sách tương tự và đẩy mạnh những nỗ lực tách kinh tế với Trung Quốc trong đại dịch Covid-19. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ tăng mua các nguồn cung từ các đối thủ thương mại của Trung Quốc như Mexico, Việt Nam và Thái Lan.
Trung Quốc đóng góp khoảng 35% cho mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong những năm trước đại dịch, nhưng tỷ trọng đó đã giảm mạnh vào năm 2020 và hiện chỉ còn khoảng 25%. Cách đây 5 năm, Trung Quốc tăng trưởng nhanh gấp đôi so với mức trung bình của các thị trường mới nổi khác nhưng hiện tại, khoảng cách đó đã được thu hẹp. Đối mặt với sức ì do dân số ngày càng giảm và các khoản nợ lớn trong nền kinh tế, Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm hơn so với các thị trường mới nổi khác trong những năm tới, theo nhận định của ông Ruchir Sharma.
Trong khi đó, các động lực tăng trưởng toàn cầu khác đang mạnh dần lên và và hỗ trợ tăng trưởng cho một loạt nền kinh tế theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thúc đẩy nhu cầu đối với chip bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác, chắp cánh hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi và tiên tiến như Đài Loan và Hàn Quốc. Các dòng chảy dữ liệu vẫn tăng cao bất chấp tăng trưởng của thương mại toàn cầu và ở Trung Quốc chậm lại. Công nghệ internet di động đang chuyển đổi nền kinh tế của các thị trường lớn hơn, kém tiên tiến hơn, bao gồm Indonesia và Ấn Độ, nơi tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế số cho GDP đã tăng hơn gấp ba lần chỉ trong bốn năm qua.
Phần lớn sự đóng góp của nền kinh tế số đến từ các dịch vụ trực tuyến, vốn phát triển nhanh chóng và đồng thời ở tất cả các thị trường mới nổi, bất kể điều gì xảy ra ở Trung Quốc.
Những nỗ lực để kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các “kim loại xanh”, tức những kim loại được sử dụng nhiều lĩnh vực năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, xe điện...) như nhôm và đồng. Ruchir Sharma cho rằng điều này đang tạo ra động lực tăng trưởng lớn đối với các nhà xuất khẩu “kim loại xanh” như Peru và Chile.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến tranh lạnh mới về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng tồn tại lâu dài hơn những tác động của đại dịch Covid-19 và có thể mở ra một kỷ nguyên phát triển mới ở nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Trong thời kỳ hoàng kim gần đây nhất của các thị trường mới nổi, sau khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, nhiều nước trở nên thịnh vượng chủ yếu nhờ cung cấp linh kiện hoặc nguyên liệu thô cho Trung Quốc, vốn được xem là “công xưởng của thế giới”. Giờ đây, họ có nhiều lựa chọn hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Ruchir Sharma ghi nhận Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số một của nhiều nước và là khách hàng quan trọng của nguyên liệu thô trên toàn cầu. Nếu chiến dịch giảm núi nợ của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc kết thúc trong khủng hoảng, tác động sẽ lan ra toàn cầu và không nước nào có thể tránh được. Nhưng với mối liên hệ giữa tăng trưởng của Trung Quốc và các nước khác đang ngày càng suy yếu thì tác động này sẽ không quá nghiêm trọng như những lo ngại trước đây. Vì vậy, Ruchir Sharma cho rằng rằng có thể “khi Trung Quốc sẩy chân, thế giới sẽ không ngã theo”.
Theo Financial Times