Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng dài hạn của các nền kinh tế đang phát triển đối mặt nhiều cản lực

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, các nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt với những năm khó khăn hơn ở phía trước, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu quá chậm để thúc đẩy mức sống và môi trường bất ổn chính sách cao cản trở đầu tư của các nước phát triển vào nước nghèo hơn.

Người dân mưu sinh trên đường phố ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Aljazeera

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, WB nhận định, triển vọng tăng trưởng dài hạn đối với các nền kinh tế đang phát triển sẽ ở mức yếu nhất kể từ đầu thế kỷ này. Theo báo cáo, sẽ có rất ít nước vươn lên từ mức thu nhập thấp lên trung bình trong 25 năm tới. Điều đó có nghĩa là hàng trăm triệu người sẽ vẫn mắc kẹt trong cảnh nghèo cùng cực, nạn đói và suy dinh dưỡng.

“Các nền kinh tế đang phát triển, vốn bắt đầu thế kỷ này theo xu hướng thu hẹp khoảng cách thu nhập với những nền kinh tế giàu có nhất, thì hiện nay phần lớn đang tụt hậu xa hơn”, Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB viết trong lời tựa của báo cáo.

Tổ chức có trụ sở tại Washington dự báo, nền kinh tế thế giới tăng trưởng 2,7 % trong năm nay và năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6-2024. Mức tăng trưởng ày thấp hơn mức trung bình 3,1 % trước đại dịch Covid-19, quá yếu để giúp các nước nghèo bắt kịp các nước giàu hơn.

Tăng trưởng ở khu vực đang phát triển sẽ giữ ổn định ở mức khoảng 4% trong hai năm tới. Dù vậy, tốc độ này chậm lại đáng kể khi so sánh với các mức tăng trưởng trong lịch sử. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 1970.

Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã làm đình trệ tăng trưởng, cản trở thương mại, đầu tư và sự hội nhập kinh tế của các nước này.

Theo WB, hầu hết các nước đang phát triển đều đối mặt với một loạt thách thức, gồm nợ nần lớn, đầu tư yếu và cải thiện năng suất chậm, dân số già hóa và khủng hoảng môi trường.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào các nền kinh tế đang phát triển , tính theo tỷ lệ GDP, hiện chỉ bằng khoảng một nửa mức đầu thập niên năm 2000.

Báo cáo của WB cho biết thêm, năm ngoái các hạn chế thương mại toàn cầu mới cao gấp năm lần mức trung bình trong giai đoạn 2010-2019.

Với sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, căng thẳng thương mại quốc tế cũng có thể sẽ gia tăng trong những năm tới.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ vấp phải nhiều thách thức hơn nữa từ những thay đổi trong chính sách thương mại và căng thẳng địa chính trị.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine kể từ năm 2022 và cuộc chiến của Israel chống lại Hamas và Hezbollah kể từ năm ngoái gây tác động tiêu cực lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu thông qua tình trạng gián đoạn với hàng hóa và chuỗi cung ứng. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ Kỳ và Trung Quốc cũng gây căng thẳng trong thương mại toàn cầu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp đặt một loạt thuế quan, đe dọa làm đảo lộn các mô hình thương mại và có khả năng đẩy tăng lạm phát.

WB lưu ý, các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đóng góp khoảng 60 % tăng trưởng toàn cầu kể từ năm 2000, gấp đôi thị so với mức đóng góp vào thập niên 1990.

Nhưng giờ đây, các nền kinh tế này đối mặt với các rào cản trong việc thực hiện cải cách cấu trúc cũng như các cản lực từ nên ngoài từ chủ nghĩa bảo hộ, cho đến sự phân mảnh địa chính trị.

Ở những nước nghèo, có thu nhập bình quân đầu người khoảng 3 đô la Mỹ/ ngày, tốc độ tăng trưởng đang đình trệ, do đó, khó nhanh chóng đạt được vị thế thu nhập trung bình. Có khoảng 39 nước đã thoát ra khỏi vị thế thu nhập thấp kể từ năm 2000, nhưng vẫn còn 26 nước mắc kẹt ở mức thu nhập thấp do tăng trưởng yếu, bạo lực và xung đột, và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng dưới mức lịch sử ở các nước phát triển sẽ không đủ để giải quyết có ý nghĩa tình trạng nghèo đói và đạt được các mục tiêu phát triển.

Theo ước tính của WB, đến năm 2030, 622 triệu người trên thế giới vẫn sống trong cảnh nghèo cùng cực. Nạn đói và suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến một lượng dân số tương tự.

Các nền kinh tế đang phát triển cũng ngày càng phụ thuộc lẫn nhau hơn về thương mại hàng hóa, nghĩa là tăng trưởng trì trệ có tác động sâu rộng.

“Các nền kinh tế đang phát triển không nên ảo tưởng về khó khăn phía trước vì 25 năm tới sẽ là một thời kỳ gian nan hơn 25 năm qua”, nhà kinh tế trưởng WB Indermit Gill viết.

Theo Bloomberg, Euronews

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới