Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng GDP phụ thuộc vào ‘biến số’ Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tăng trưởng GDP phụ thuộc vào ‘biến số’ Covid-19

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam ước đạt 4,5-5,1% nếu dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quí 3-2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quí 2-2022, còn kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Tăng trưởng GDP phụ thuộc vào 'biến số' Covid-19
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: ĐH Quôc gia Hà Nội cung cấp.

VEPR (*) đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 tại hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra sáng 29-7.

Với kịch bản cơ sở là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quí 3-2021, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quí 2-2022, còn kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 4,5-5,1%, theo VEPR. Ở kịch bản cơ sở này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ giảm từ 1-1,5% so với dự báo tăng trưởng GDP cả năm ước đạt từ 6-6,3% được VEPR đưa ra vào quý 1-2021. Nhưng đơn vị này cho rằng đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất

Với kịch bản thuận lợi là dịch Covid-19 được kiểm soát ngay trong tháng 8, việc tiêm chủng được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý 1-2022, còn kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, VEPR dự báo tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 5,4-6,1%.

Với kịch bản xấu là  dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tốt, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung và năng lực của hệ thống y tế không đáp ứng đủ, còn các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường trong quí 4-2021, VEPR dự báo tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt mức 3,5-4%.

Với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, PGS.TS Phạm Thế Anh – trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô thuộc Đại học Kinh tế quốc dân – cho biết, mức tăng trưởng năm nay có thể khá cao, nhờ xuất phát từ một nền tảng rất thấp của năm 2020. Nhưng các hoạt động kinh tế sẽ chưa thể trở lại hoàn toàn bình thường như trước.

Hai động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn là xuất khẩu và đầu tư công, theo ông Thế Anh. Nhưng vị chuyên gia này cho rằng đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do sự hạn hẹp của nguồn lực tài khóa.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, dù nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bên. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng truyền thống – vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua.

Tương tự, TS Vũ Thanh Hương – Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) – cho rằng nhiều ngành kinh tế và hoạt động dịch vụ chưa thể hồi phục trong năm 2021 khi khả năng kiểm soát dịch Covid-19 chưa chắc chắn.

Lý giải điều này, bà Hương cho rằng sự mở rộng tiền tệ hay hạ lãi suất chủ yếu có vai trò giúp doanh nghiệp hạ gánh nặng nợ và lãi vay của các khoản vay hiện tại, hơn là thúc đẩy các khoản vay mới để mở rộng sản xuất. 

“Niềm tin chưa quay trở lại thì giá trị đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh, dù lãi suất thực sự giảm”, bà Hương cho biết.

(*) Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới