(KTSG Online) - Ấn Độ đang trên đà vượt qua Trung Quốc để trở thành động lực quan trọng nhất của tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu và đây có khả năng là động lực cuối cùng khi thế giới chuyển sang một tương lai xanh hơn.
- Thương mại dầu thô Ấn Độ-Nga làm xói mòn sự thống trị của đô la Mỹ
- Ấn Độ ‘tranh thủ’ mua dầu giảm giá từ Nga
Dân số Ấn Độ được dự báo vượt qua Trung Quốc trong năm nay, giúp củng cố sức tiêu dùng và nhu cầu dầu. Quá trình chuyển đổi xanh của Ấn Độ trong lĩnh vực vận tải, từ xe cộ bằng nhiên liệu xăng và dầu diesel truyền thống sang xe chạy điện, dự kiến chậm hơn so với các khu vực khác, trong khi lượng người dân sử dụng xe điện ở Trung Quốc đang tăng vọt.
Dù Ấn Độ khó có thể đạt được quy mô của mạng lưới dầu khổng lồ của Trung Quốc với mức tiêu thụ dầu hàng ngày cao gấp ba lần so với Ấn Độ, các thương nhân và nhà sản xuất sẽ đặt cược vào quốc gia Nam Á này trong thập niên tới khi họ tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Parsley Ong, Giám đốc bộ phận nghiên cứu năng lượng và hóa chất châu Á tại ngân hàng JPMorgan Chase, nói: “Trong thời gian ngắn, Ấn Độ chắc chắn sẽ vượt Trung Quốc để trở thành động lực tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, chủ yếu là nhờ các yếu tố nhân khẩu học như dân số tăng”.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21 đã đưa nước này trở thành thành một cường quốc tiêu thụ hàng hóa từ dầu thô đến kim loại và ngũ cốc, giúp các quốc gia giàu tài nguyên trên toàn thế giới hưởng lợi. Nhưng đối với dầu mỏ, thời kỳ bùng nổ nhu cầu sắp kết thúc, với công ty hóa dầu hàng đầu Trung Quốc, China National Petroleum (CNPC), gần đây dự báo mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030.
Ed Morse, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ngân hàng Citigroup,nhận định đà phục hồi của Trung Quốc sau nhiều năm áp đặt các hạn chế đi lại kiểm soát Covid-19 có thể sẽ là “cú hích cuối cùng” của nước này về nhu cầu dầu.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu của Công ty dữ liệu dầu mỏ Kpler, cho rằng tăng trưởng dầu Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc từ năm 2026. Ông cũng dự đoán nhu cầu dầu của Ấn Độ đạt đỉnh vào cuối năm 2036.
Emma Richards, nhà phân tích cấp cao của Fitch Solutions, nói: “Vai trò của Trung Quốc với tư cách là động lực tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đang mờ nhạt nhanh chóng”. Bà nhận định trong thập niên tới, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng tăng trưởng nhu cầu dầu của các thị trường mới nổi sẽ giảm xuống còn 15%, từ mức gần 50% hiện nay, trong khi tỷ trọng của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi lên 24%.
Ấn Độ đã đóng một vai trò nổi bật hơn trên thị trường dầu mỏ sau cuộc xung đột Nga-Ukraina hơn một năm trước. Quốc gia Nam Á này trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn của Nga để chế biến thành nhiên liệu, rồi xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu và Mỹ.
Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, có trụ sở ở Singapore cho biết, nhu cầu dầu thô tăng nhanh của Ấn Độ sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các thương nhân và nhà sản xuất dầu nước ngoài trong trong dài hạn.
Ấn Độ có tham vọng lớn về chuyển đổi các ngành công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực vận tải, sang các lựa chọn năng lượng xanh hơn, nhưng cho đến nay, vẫn tụt hậu so với các nước lớn khác. Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Ấn Độ có thể sẽ kéo dài.
Trái lại, phổ cập xe điện ở Trung Quốc diễn ra nhanh chóng và đó là dấu hiệu đáng ngại cho nhu cầu xăng trong dài hạn tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Doanh số bán xe điện tại Trung Quốc tăng gần gấp đôi, lên 6,1 triệu chiếc vào năm 2022, so với doanh số 48.000 xe điện của Ấn Độ trong cùng năm, theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF).
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ được kỳ vọng trở thành một trung tâm tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ mới. Những dự đoán tương tự được giới phân tích đưa ra vào giữa thập niên trước. Ngay cả khi dự báo lần này thành hiện thực, quá trình vươn lên vị trí hàng đầu về tăng trưởng nhu cầu dầu của Ấn Độ có thể sẽ không suôn sẻ vì bộ máy quan liêu.
Các nhà máy lọc dầu nhà nước của Ấn Độ chậm hiện đại hóa hoạt động của họ và vẫn tuân theo quy trình cũ và rườm rà là đấu thầu mua dầu giao ngay, thay vì áp dụng cách tiếp cận linh hoạt hơn là đàm phán và ký kết thỏa thuận trực tiếp với các đối tác.
Theo Bloomberg