(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong năm 2023, trong đó, có định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%.
Theo TTXVN, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%.
Nội dung chỉ thị bao gồm các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng như đảm bảo về điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát với mục tiêu năm 2023 ở khoảng 4,5%.
Đồng thời, đơn vị cần kiểm soát tín dụng, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Năm nay, cơ quan này triển khai đề án về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đảm bảo thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%...
Ngoài ra, công tác thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng quy trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng cần gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Các đơn vị liên quan rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng, trong đó, dựa vào một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng tổ chức tín dụng, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng, tình hình thực tiễn thị trường...
Công thức tăng trưởng này có vẻ như quá cũ rồi. Dĩ nhiên, NHNN cũng không thể thoát ra khỏi vòng kim cô “cùng nhau hô hào tăng trưởng” theo chủ trương chung. Nên lựa chọn một phương án điều hành thực tế, linh hoạt hơn. Từ đó định hướng nền kinh tế đi vào sự ổn định cơ cấu theo chiều sâu, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Tăng hay giảm tín dụng là câu chuyện làm ăn của các ngân hàng thương mại. NHNN chỉ quản lý cung tiền trong lưu thông nhằm điều tiết chỉ số lạm phát, tỷ giá và hỗ trợ cho duy trì ổn định vĩ mô. Cách đây 35 năm, nghị định 53 năm 1988, đột phá khẩu trong điều hành chính sách tiền tệ là phân cấp giữa NHTW và NH thương mại, tách bạch rõ nhà quản lý và nhà kinh doanh, tiệm cận với mô hình cơ chế thị trường. Nhưng thay vì tiếp tục hoàn thiện và phát triển tư duy mới lên tầm cao mới, cách làm cũ vẫn còn tồn tại, nghĩa là NHNN vẫn mãi cứ “ôm và lo” câu chuyện thực ra không phải của mình.
NHTW cần phải đổi mới công cụ điều hành phù hợp với tình hình thực tế, cứ mỗi năm doanh nghiệp và NHTM trông ngóng hạn mức tín dụng tăng trưởng hay siết chặt tỉ lệ bao nhiều %. Cho dù có hạn mức tín dụng phân bổ cho NHTM nhưng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng các NHTM của NHTW có kiểm soát được không giữa hạch toán tăng trưởng cho vay nội bảng, khi vượt hạn mức tín dụng phân bổ, các NHTM lách cho vay rồi hạch toán ngoại bảng qua một hệ thống chương trình khác.