Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng và những điểm nghẽn

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một số dự báo gần đây khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn có thể kìm hãm tăng trưởng mà cho đến nay vẫn chưa cho thấy những dấu hiệu hóa giải tích cực.

Thiếu điện là một trong những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Ảnh: N.K

Lạc quan tăng trưởng?

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại trong thời gian qua nhưng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo, trong đó chính sách tài khóa là động lực chính. Cụ thể, sau khi đạt mức tăng trưởng chỉ 3,7% trong nửa đầu năm nay, WB dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 4,7% cho cả năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025.

Theo WB, chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các hạn chế đối với việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng môi trường bền vững.

Shinhan Bank có báo cáo đánh giá ngành sản xuất của Việt Nam vẫn chưa chắc chắn trong nửa cuối năm 2023, dự kiến có thể phục hồi từ năm 2024, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhờ môi trường đầu tư trong nước thuận lợi, lao động giá rẻ và các chính sách tích cực ủng hộ FDI của Chính phủ cho phép dòng vốn chảy vào nhiều hơn, đặc biệt là từ các nước châu Á.

Còn theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tăng trưởng GDP của Việt Nam trong kịch bản tươi sáng nhất có thể đạt 6,46% và kịch bản thấp nhất là 5,34%, đều cao hơn mức dự báo của WB. Điều quan trọng nhất là Việt Nam muốn đạt được tăng trưởng kinh tế tốt thì cần nỗ lực hết mình từ góc độ cải cách, điều hành chính sách, duy trì môi trường kinh tế ổn định, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Về phía Chính phủ, trong phiên họp thường kỳ đầu tháng 8 vừa qua, dù dự báo tình hình từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn, nhiều vấn đề chưa lường hết được, trong đó lưu ý tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, nhưng Thủ tướng vẫn nhấn mạnh quan điểm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023 là 6,5%. Do đó, những tháng cuối năm phải có mức tăng trưởng khoảng 9%.

Nhìn lại những điểm nghẽn

Chính sách tiền tệ dù đã và đang được nới lỏng trở lại, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên tục đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn khá trì trệ. Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy tín dụng đến cuối tháng 7 tăng 4,3% so với đầu năm, tức đã giảm trở lại so với mức tăng 4,7% được công bố vào cuối tháng 6. Nhu cầu tín dụng vẫn yếu, cho thấy lực kéo tăng trưởng từ khu vực tư nhân vẫn đang gặp rất nhiều vấn đề. Một kênh huy động vốn khác là trái phiếu doanh nghiệp cũng yếu với khối lượng phát hành bảy tháng đầu năm nay giảm đến 78% so với cùng kỳ năm trước.

Việc mở rộng chính sách tài khóa thông qua nỗ lực đẩy mạnh các dự án đầu tư công có thể gặp không ít trở ngại trong thời gian tới. Nguy cơ lạm phát đang gia tăng trở lại do khủng hoảng lương thực và năng lượng có thể làm đội giá các dự án đầu tư công, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ thực hiện và dòng vốn giải ngân.

Nợ xấu đang gia tăng nhanh từ đầu năm đến nay cũng có thể kìm hãm mục tiêu tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng, khi các ngân hàng có động lực neo giữ lãi suất cho vay để bù đắp các thiệt hại do nợ xấu gây ra. Chẳng những vậy, nợ xấu cũng làm suy giảm khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, ảnh hưởng lên kế hoạch đầu tư mới. Chính sách tái cơ cấu nợ gần đây lại được triển khai nhưng các thông tin cho thấy doanh nghiệp sau khi được tái cơ cấu nợ vẫn rất khó khăn trong việc đi vay.

WB đánh giá dư địa chính sách tiền tệ có hạn chế, tiếp tục cắt giảm lãi suất chưa chắc đã hiệu quả trong ngắn hạn do cơ chế truyền dẫn không hiệu quả, và nhu cầu không cao. Ngoài ra, vị thế chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển đang gia tăng khoảng cách, do những nước này vẫn tiếp tục tăng lãi suất, có thể dẫn đến dòng vốn chạy ra khỏi nước và gây áp lực lên tỷ giá. Những biến động của tỷ giá gần đây phần nào thể hiện những lo ngại này.

Trong khi chính sách tiền tệ đang gặp nhiều vấn đề, chính sách tài khóa cũng chưa phát huy hết hiệu quả. Cũng cần lưu ý là việc mở rộng chính sách tài khóa thông qua nỗ lực đẩy mạnh các dự án đầu tư công, vốn đã được thực hiện quyết liệt gần đây, cũng có thể gặp không ít trở ngại trong thời gian tới. Ngoài việc cần tiếp tục cải thiện hiệu quả đầu tư, nguy cơ lạm phát đang gia tăng trở lại do khủng hoảng lương thực và năng lượng có thể làm đội giá các dự án đầu tư công, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ thực hiện và dòng vốn giải ngân.

Thực tế trong báo cáo của mình, WB cũng lưu ý khả năng thiếu điện là một trong những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Theo WB, ước tính ảnh hưởng của các đợt mất điện trong tháng 5, 6 vừa qua tại Việt Nam lên tới khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ, tương đương 0,3% GDP. Cùng quan điểm, nhiều tổ chức cũng đánh giá sự chậm lại ở các ngành điện, nước, xây dựng và sản xuất là những trở ngại cho tăng trưởng.

Hiện tượng El Nino, gây ra nhiệt độ cao hơn và lượng mưa thấp hơn, đã là một trong những yếu tố cốt lõi gây ra tình trạng thiếu điện trong những tháng qua. Theo báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán BSC, xét trên góc độ kinh tế, trong khi La Nina có phần tích cực trong việc làm gia tăng GDP ngược lại El Nino gây ra thiệt hại, tổn thất đáng kể. Đáng lưu ý là theo dự báo, 2023-2024 sẽ là giai đoạn chứng kiến pha mạnh đến rất mạnh của hiện tượng El Nino sau khi đã trải qua giai đoạn La Nina kéo dài trước đó.

Có lẽ vì vậy mà BSC mới đây điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống chỉ còn 5% theo kịch bản tích cực và 3,7% theo kịch bản tiêu cực so với mức 6,7% theo kịch bản tích cực đưa ra hồi đầu năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới