(KTSG Online) - Trong dịp dự Tuần lễ cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ liên quan đến phát triển ngành công nghiệp bán dẫn giữa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia với Tập đoàn Cadence Design Systems, Inc.; Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia và Đại học bang Arizona; Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Tập đoàn Intel. Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam sẽ tạo môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ.
- Các tập đoàn Mỹ sẽ hợp tác phát triển chip, metaverse tại Việt Nam
- Doanh nghiệp Việt Nam – Mỹ đạt thỏa thuận hợp tác về công nghệ, đổi mới sáng tạo
TTXVN cho biết, sau chuyến làm việc một số tập đoàn công nghệ của Mỹ tại thung lũng Silicon (California) gồm Nvidia, Meta và Synopsys, sáng 19-9 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo đó, các doanh nghiệp bán dẫn đánh giá Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như có nguồn nhân lực và năng lực ngày càng cải thiện.
Dịp này, nhiều bản ghi nhớ hợp tác được ký kết như Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với Tập đoàn Cadence Design Systems, Inc. trao bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia và Đại học bang Arizona về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Thông tin tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về những cơ hội hợp tác đầu tư, đề xuất những phương thức hợp tác nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Chẳng hạn như các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ có thể nghiên cứu về khả năng đặt nhà máy sản xuất chip ở Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ tiếp tục hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tất cả các khâu như đầu tư hạ tầng; chuyển giao công nghệ, thiết kế, tổ chức sản xuất và phân phối; đào tạo nhân lực với sự tham gia của các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu, đào tạo của cả hai nước. Ông cho biết các bộ, ngành sẽ tạo môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có những cuộc gặp gỡ với đại diện Thương mại Mỹ, Uỷ ban đối ngoại thượng viện Mỹ… Trong buổi tiếp Đại diện Thương mại Mỹ, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp để hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có việc Mỹ ưu tiên thúc đẩy lộ trình công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, đồng thời xem xét thỏa đáng lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam trên cơ sở đảm bảo sự cân bằng, cùng có lợi.
Bên cạnh đó, ông đề nghị phía Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chuỗi cung ứng liên quan đến chip bán dẫn; mở rộng trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo.
Còn trong cuộc gặp gỡ với với lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Hai bên nhất trí việc kết nối hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, thúc đẩy hợp tác về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh…
Xin đừng hành động theo kiểu ngẫu hứng. Chip luôn là cuộc chơi dài hơi, khốc liệt, tầm nhìn rất xa và rất cao, cả về mặt chiến lược đầu tư và kinh doanh. Riêng tại Châu Á, Taiwan đã tham gia cuộc chơi này rất sớm, từ những năm 70. Korea cũng vậy, bền bỉ mất vài chục năm rồi mới có được như ngày hôm nay. VN đã từng có phương án đầu tư kỹ thuật chip từ đầu những năm 2000, nhưng mãi đến nay vẫn chưa có một nền tảng nào đáng kể. Nhắc lại điều này sẽ không bao giờ thừa. Mong rằng các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp chủ lực của ta đừng bao giờ mơ cao, ước xa, một khi chưa chuẩn bị kỹ bản lĩnh và tâm thế cho cuộc chơi, cuộc chiến khốc liệt này.