Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tạo lại việc làm đã mất

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Một số biện pháp có thể thực hiện để giúp doanh nghiệp tạo lại việc làm đã mất do đại dịch Covid-19, theo tài liệu từ một hội nghị trực tuyến về phát triển Đông Nam Á diễn ra tuần trước.

Đường Nguyễn Công Trứ ở quận 1, TPHCM, là “phố tài chính” của Sài Gòn. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra rồi lan đến Việt Nam, có lẽ đối với dân trong nghề, không có nơi nào sôi động bằng một đoạn trên con đường này, luôn ken đặc nhà đầu tư, nhà môi giới trong các văn phòng công ty chứng khoán sát vách nhau.

Dù giờ không còn được như xưa, “phố tài chính” vẫn giữ được một nét riêng cho đến tận những ngày Covid-19 bắt đầu tấn công mạnh Sài Gòn gần hai năm trước. Đó là lời mời chào của những người đánh giày dạo trên đường và thói quen chịu đánh giày của dân công sở. Những ngày đó, nếu bạn đang tán gẫu với bạn bè trong các quán cà phê ở khu này, bạn sẽ nhận được không phải một mà là nhiều lời mời chào đánh giày, bên cạnh vô số lời chào mua vé số.

Việt Nam có khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh. Điều rất đáng lưu ý là lao động trong các hộ kinh doanh này trong giai đoạn 2010-2017 chiếm từ 59% đến 75% tổng lao động trong khu vực doanh nghiệp. Do vậy, các biện pháp vực dậy thành phần kinh tế này – vốn bị ảnh hưởng rất lớn bởi Covid-19 – là điều các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện.

Đã ngoài 30, Hoàng (tên đã được đổi) là một trong những người đánh giày có “thâm niên”. Từ một tỉnh phía Bắc, anh trôi dạt vào Nam và trụ lại ở Sài Gòn kiếm sống nhờ nghề đánh giày ở “phố tài chính” này. Gần đây nhất, giá chung 20.000 đồng tiền công mỗi đôi giày là tạm sống qua ngày, anh nói.

Sau khi Sài Gòn giãn cách xã hội mùa đầu tiên năm 2020, Hoàng vẫn quay trở lại với nghề. Tuy nhiên, đến mùa giãn cách thứ hai năm ngoái, Hoàng và nhiều đồng nghiệp đã biến mất khỏi khu này. Không rõ lý do vì sao họ phải đổi nghề, nhưng cứ nhìn số lượng khách hàng giảm đi rõ rệt trên các vỉa hè, chắc cũng đoán được nguyên nhân.

Việc làm mất đi

Hoàng và các bạn đánh giày nằm trong số những người bị ảnh hưởng bởi đại dich Covid-19. Bên cạnh các nạn nhân vĩnh viễn ra đi, nhiều cơ hội việc làm đột ngột biến mất trong các đỉnh dịch tiếp nối nhau cũng không bao giờ trở lại.

Tài liệu từ một hội nghị trực tuyến về phát triển Đông Nam Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chủ trì, diễn ra trong hai ngày 16 và 17-3, cho biết trong hai năm 2020 và 2021 dịch Covid-19 ước tính tước đi 9,3 triệu việc làm ở các quốc gia thuộc khu vực này so với kịch bản không có đại dịch; đồng thời đẩy khoảng 4,7 triệu người vào mức nghèo đói cùng cực(1), khi họ phải tồn tại với thu nhập ít hơn 1,9 đô la Mỹ mỗi ngày.

“Đại dịch đã dẫn đến nạn thất nghiệp tràn lan, khiến bất bình đẳng trầm trọng thêm, làm gia tăng tình trạng đói nghèo – nhất là ở phụ nữ, người lao động trẻ, người già ở Đông Nam Á”, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nói.

Hoàng và các đồng nghiệp của anh nằm trong số đối tượng được ADB xác định là bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm người lao động không được đào tạo kỹ năng chuyên môn, lao động trong ngành bán lẻ, trong nền kinh tế không chính thức, cũng như các doanh nghiệp thiếu ứng dụng kỹ thuật số.

Các thống kê ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm tăng tỷ lệ người thất nghiệp trong quí 3-2021 lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua, với hơn 1,8 triệu người, tăng 700.000 người so với quí 2 và 620.000 người so với cùng kỳ năm trước(2). Đại dịch cũng tạo nên một sự khác biệt khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị trong chín tháng đầu năm 2021 cao hơn so với nông thôn, 5,33% so với 3,94% (thông thường tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn các thành phố). Đối chiếu với nhận xét của ADB, tỷ lệ thất nghiệp của lao động Việt Nam trong tuổi thanh niên (15-24 tuổi) là gần 8%, cao hơn hẳn so với mức chung (3%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị cũng vọt lên 10,79%, hơn ba lần so với tỷ lệ toàn quốc.

Làm sao tạo lại việc làm?

Theo ADB, hai năm sau khi Covid-19 bùng phát, các nền kinh tế Đông Nam Á đang khởi sắc hơn nhờ vào ứng dụng công nghệ, xuất khẩu hàng hóa và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, các nền kinh tế của khu vực này cũng gặp phải những rào cản toàn cầu – gồm các biến thể mới của virus corona, việc thắt chặt lãi suất, sự gãy đổ của các chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa, lạm phát tăng cao.

Báo cáo “Southeast Asian rising from the pandemic” (tạm dịch, “Đông Nam Á trỗi dậy từ đại dịch”), được chuẩn bị cho hội nghị nêu trên của ADB, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần theo đuổi cải cách cơ chế nhằm tăng cường tính cạnh tranh và năng suất, bao gồm các giải pháp hợp lý hóa thủ tục kinh doanh, cắt giảm rào cản thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ(3). Đồng thời, cần tiến hành các hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nhằm giúp người lao động chống chọi với biến động trên thị trường lao động cũng như tái phân phối việc làm giữa các khu vực của nền kinh tế.

Báo cáo trên được soạn thảo bởi các nhà kinh tế tại văn phòng chính của ADB cũng như ở các nước Đông Nam Á – gồm Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam. Các tác giả trình bày kịch bản hồi phục cũng như thách thức đối với nền kinh tế, và cung cấp cái nhìn cận cảnh lên một số lĩnh vực đóng vai trò động lực. Khuôn khổ bài báo này không cho phép đi vào chi tiết từng quốc gia, chỉ xin nêu sơ lược trường hợp Việt Nam.

Báo cáo nhấn mạnh đến vai trò của của chuyển đổi số trong phục hồi kinh tế ở Việt Nam sau đại dịch. Theo người viết, tuy thiếu các liên hệ cụ thể với đại dịch xảy ra hai năm qua, báo cáo đã nêu tổng thể sự chuyển đổi và quy mô của kinh tế số ở Việt Nam trước khi đưa ra triển vọng phát triển trong 10 năm tới.

Một số dữ liệu trong nước có  thể chứng minh nhận định của ADB. Ví dụ, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, thương mại điện tử ở Việt Nam được ước tính tăng trưởng chừng 18% ngay trong thời gian giãn cách xã hội, mức tăng trưởng thuộc loại cao nhất Đông Nam Á(4). Thật bất ngờ vì chính các quy định hạn chế đi lại, phong tỏa chống Covid-19 lại là chất xúc tác làm thay đổi thói quen của người dân, vô hình trung tạo nếp mua sắm trực tuyến nơi người tiêu dùng.

Nhu cầu giao hàng trong mùa dịch cũng là cơ hội tạo việc làm. Chẳng hạn, trong một cuộc họp báo ngày 19-9-2021, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, lực lượng shipper đăng ký tại TPHCM đã tăng từ khoảng 20.000 người trước đó không lâu lên hơn 82.000 người(5). Các công ty liên quan có thể giữ được cơ hội này ngay cả khi đỉnh dịch đi qua nếu có chất lượng dịch vụ tốt.

Cần chú ý đến hộ kinh doanh giúp tạo việc làm

Tuy phải nhấn mạnh ảnh hưởng của chuyển đổi số và kinh tế số đối với lực lượng lao động Việt Nam, cũng không thể bỏ qua khu vực doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (micro, small and medium enterprises – MSME) trong vấn đề tạo ra việc làm.

Ở các nước Đông Nam Á, MSME (kể cả kinh tế hộ gia đình) là lực lượng đáng kể với khoảng 71 triệu doanh nghiệp, chiếm 97% số doanh nghiệp toàn khu vực và tạo công ăn việc làm cho 67% lực lượng lao động tại các quốc gia(6).

Việt Nam có khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh(7). Điều rất đáng lưu ý là lao động trong các hộ kinh doanh này trong giai đoạn 2010-2017 chiếm từ 59-75% tổng lao động trong khu vực doanh nghiệp(8). Do vậy, các biện pháp vực dậy thành phần kinh tế này – vốn bị ảnh hưởng rất lớn bởi Covid-19 – là điều các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện.

Theo ADB, các chính phủ nên thực thi chính sách tài khóa một cách thận trọng nhằm hạn chế thâm thủng ngân sách. Cùng lúc, họ cần tiến hành hiện đại hóa cơ chế thu thuế để tăng cường hiệu quả và tăng nguồn thu. Trong bối cảnh Việt Nam, thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp cũng được cho là cách tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Có người nói rằng đây là điều nên làm để chống thất thu thuế vì nhiều hộ kinh doanh có doanh thu cả ngàn tỉ đồng, rằng họ không chịu “lên doanh nghiệp” là để tránh thuế. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, các “hộ” như vậy chỉ chiếm một con số rất nhỏ, và họ là ai trong số các hộ kinh doanh, chắc khó lòng qua khỏi con mắt của cơ quan thuế. Muốn thu thuế họ đúng và đủ, không phải là chuyện hái sao trên trời, không hà tất gì buộc cả 5,4 triệu hộ kinh doanh phải “lên doanh nghiệp”. Mà giả như tất cả cùng “lên doanh nghiệp”, liệu cơ quan thuế có quản xuể không?

Xét điều kiện hiện nay, trong hai lời khuyên trên của ADB, Chính phủ nên đặt nặng điều thứ nhất và cân nhắc kỹ điều thứ hai, đặc biệt là đối với số đông hộ kinh doanh hiện vẫn còn tồn tại hậu Covid.

————

(1) https://www.adb.org/news/covid-19-pushed-4-7-million-more-people-southeast-asia-extreme-poverty-2021-countries-are-well

(2) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/10/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iii-va-9-thang-nam-2021/

(3) https://www.adb.org/publications/southeast-asia-rising-from-pandemic

(4) https://vnexpress.net/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-tang-hai-con-so-trong-mua-dich-4394944.html

(5) https://tuoitre.vn/hon-82-000-shipper-dang-ky-tram-y-te-luu-dong-gap-kho-trong-viec-xet-nghiem-20210919180223271.htm

(6) https://seads.adb.org/solutions/realizing-potential-over-71-million-msmes-southeast-asia

(7) https://tuoitre.vn/viet-nam-se-co-1-5-trieu-doanh-nghiep-vao-2025-20210216221611747.htm

(8) https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuc-trang-hoat-dong-cua-ho-kinh-doanh-o-viet-nam-302038.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới