(KTSG Online) – Chỉ trong vài ngày qua, một loạt công ty công nghệ lớn của Mỹ gồm Twitter, Lyft, Stripe, Chime, Opendoor đã mạnh tay sa thải nhân sự để cắt giảm chi phí, ứng phó với môi trường kinh doanh khó khăn bao gồm lãi suất tăng, lạm phát cao và rủi ro suy thoái cận kề.
- Lạm phát khiến hơn 50% người Mỹ tìm kiếm công việc thứ hai
- Thị trường việc làm ở Mỹ và châu Âu hạ nhiệt do triển vọng kinh tế u ám
Gây chú ý nhất là quyết định sa thải 50% trong tổng nhân sự khoảng 7.400 người của Công ty mạng xã hội Twitter. Thông báo sa thải được gửi qua email cho các nhân viên của Twitter bắt đầu vào sáng 4-11. Các nguồn tin cho biết động thái cắt giảm nhân sự ảnh hưởng đến nhiều bộ phận bao gồm kỹ thuật, học máy, kiểm duyệt nội dung, kinh doanh và quảng cáo. Trong lịch sử, hiếm khi có một quyết định sa thải sâu rộng như vậy được thực hiện bởi một cá nhân duy nhất tại một công ty công nghệ.
Quyết định này không gây bất ngờ vì tỉ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, người vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm Twitter với 44 tỉ đô la, đã nhiều lần đề cập đến kế hoạch cắt giảm nhân sự.
Tuy nhiên, ông gây tranh cãi vì đưa ra quyết định sa thải mà không thông báo trước cho nhân viên. Một đạo luật liên bang quy định các công ty lớn phải thông báo trước ít nhất 60 ngày đối với những quyết định sa thải hàng loạt. Hiện một đơn kiện tập thể, đại diện cho 5 nhân viên của Twitter, đã được nộp ra một tòa án ở San Francisco, bang California để yêu cầu Twitter tuân thủ đạo luật này.
Trong một email gửi cho toàn thể nhân viên, Twitter cho biết: “Trong một nỗ lực để đưa Twitter đi trên một con đường lành mạnh, chúng ta sẽ trải qua quá trình khó khăn để giảm lực lượng lao động toàn cầu của mình”.
Viết trên Twitter hôm 5-11, Elon Musk giải thích quyết định sa thải hàng loạt được đưa ra vì ông không có sự lựa chọn nào khác khi Twitter đang mất chi phí hơn 4 triệu đô la mỗi ngày. Ông cũng cho biết những nhân viên bị sa thải sẽ được bồi thường 3 tháng lương, cao hơn 50% mức quy định của luật.
Hôm trước đó, ông thừa nhận doanh thu của Twitter sụt giảm mạnh các nhà quảng cáo tạm dừng chi tiêu trên nền tảng Twitter.
Các công ty lớn bao gồm General Mills, Audi và General Motors cho biết họ sẽ tạm ngừng chi tiêu quảng cáo trên Twitter để xem mọi thứ sẽ thay đổi như thế nào khi Twitter nằm dưới quyền sở hữu của Elon Musk.
Hôm 3-11, Lyft, hãng gọi xe lớn thứ hai của Mỹ, thông báo sa thải 13% nhân viên (gần 700 người) để giảm chi hoạt động, ứng phó với triển vọng tăng trưởng suy yếu và nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ vào năm sau. Hồi đầu năm nay, Lyft cũng đã sa thải 60 nhân viên và đóng băng tuyển dụng.
“Việc cắt giảm nhân lực là một bước đi chủ động nằm trong kế hoạch hàng năm nhằm đảm bảo công ty có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện và mang lại kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong quí 4 - 2022 và năm 2023”, Lyft cho biết.
Cùng ngày, Công ty công nghệ xử lý thanh toán Stripe, có trụ sở ở bang California, tuyên bố sa thải 14% nhân viên, khoảng hơn 1.000 người, để đưa tổng nhân sự xuống còn 7.000 người. Stripe, được định giá 95 tỉ đô la trong vòng gọi vốn mới nhất, đang tìm cách cắt giảm chi phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
“Chúng tôi đã quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế internet vào năm 2022 và 2023 và đánh giá thấp rủi ro và tác động của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trên diện rộng", những người sáng lập của Stripe viết trong email, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã tuyển dụng quá nhiều và tăng chi phí hoạt động quá nhanh.
Quyết định sa thải được đưa ra sau khi Stripe giảm 28% mức định giá cổ phiếu nội bộ của công ty, từ 40 đô la xuống còn 29 đô la.
Cũng vào hôm 3-11, Chime Financial, một trong những công ty công nghệ tài chính lớn nhất thế giới, có trụ sở ở bang California, cho biết sẽ sa thải 12% trong đội ngũ nhân sự 1.300 người để ứng phó môi trường kinh doanh bất ổn.
Chime kiếm tiền bằng cách thu phí từ các công ty xử lý thanh toán như Visa mỗi khi khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng của Chime. Trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19, Chime phát triển bùng nổ, thu hút hàng triệu người dùng. Trong một vòng gọi vốn hồi tháng 8 năm ngoái, Chime được định giá đến 25 tỉ đô la.
Trong tuần này, Opendoor Technologies, công ty công nghệ bất động sản có trụ sở ở San Francisco, thông báo sa thải 18% nhân sự ở tất cả các bộ phận, tương đương khoảng 550 người. Công ty này sử dụng các thuật toán để định giá một ngôi nhà và mua nó trực tiếp từ người bán. Sau đó, công ty sẽ tân trang ngôi nhà rồi rao bán trên nền tảng của công ty và những sàn giao dịch khác.
Quyết định sa thải được đưa ra sau khi Opendoor Technologies báo cáo lỗ ròng 928 triệu đô la quí 3, cao hơn 17 lần so với mức lỗ trong quí 2. Phần lớn khoản lỗ đó là do bút toán giảm giá 573 triệu đô la đối với những căn nhà chưa bán được. Lãi suất vay thế chấp tăng vọt và lạm phát cao khiến nhu cầu mua nhà ở Mỹ suy giảm nhanh.
Daniel Morillo, Giám đốc đầu tư Opendoor, dự báo xu hướng giảm của giá nhà sẽ tiếp tục và có khả năng xấu hơn.
Ông Eric Wu, Giám đốc điều hành Opendoor thừa nhận công ty ông đang trải qua một trong những thời kỳ thách thức nhất của thị trường bất động sản trong 40 năm qua.
Opendoor niêm yết cổ phiếu lần đầu vào cuối năm 2020 và mức vốn hóa của công ty từng lên mức 8 tỉ đô la vào năm 2021. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch vào cuối tuần này, giá cổ phiếu Opendoor giảm gần 14%, xuống còn 2,02 đô la, khiến mức định giá công ty chỉ còn 1,27 tỉ đô la.
Sa thải trong lĩnh vực công nghệ đã xuất hiện trong những tháng qua khi tăng trưởng kinh tế của Mỹ có dấu hiệu suy yếu nhưng việc một loạt công ty trong lĩnh vực này ra quyết định cắt giảm nhân sự chỉ trong vài ngày là điều ít khi xảy ra.
Wesley Chan, đồng sáng lập Công ty đầu tư FPV Ventures, nhận định các quyết định sa thải này chỉ mới là bước đầu vì kinh tế Mỹ đang suy yếu và chưa chạm đáy.
Theo Economic Times, CNBC, Bloomberg