Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tập đoàn khổng lồ Daikin cho thuê máy lạnh tính tiền theo ngày ở châu Phi

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hãng sản xuất máy điều hòa của Nhật Bản đã chính thức bước vào một dịch vụ mới mà ít ai nghĩ đến: cho thuê máy lạnh ở châu Phi và chỉ tính tiền khách hàng theo số ngày sử dụng thông qua ứng dụng trên smartphone. Daikin tuyên bố là sẵn sàng vất bỏ vinh quang quá khứ để đương đầu với tương lai bất định do dịch Covid-19 đem lại.

Đội kỹ thuật đi lắp máy lạnh cho thuê ở Tanazia. Đây là thị trường mênh mông mà tập đoàn máy lạnh lớn nhất thế giới muốn khai phá và hất chân luôn Tesla. Ảnh: Daikin Industries

Mô hình chưa từng có

Châu Phi - dù là khu vực thời tiết nóng bức - được xem là thị trường máy lạnh chưa được khai phá cuối cùng còn lại trên thế giới. Hiệp hội công nghiệp máy điều hòa và điện lạnh Nhật Bản cho biết hiện có chỉ 3 triệu máy lạnh ở châu lục này, trong đó 70% thường hư hỏng hay không được sử dụng. Trong khi đó, chỉ trong năm 2018, số máy lạnh gia đình và công nghiệp bán ra trên thế giới đã đạt 110 triệu máy.

Thị trường châu Phi đầy tiềm năng bởi chỉ có 1% doanh nghiệp và hộ gia đình ở đây có gắn máy lạnh. Vốn tập trung vào phân khúc cấp cao, Daikin bị các hãng bán sản phẩm rẻ hơn như LG Electrics của Hàn Quốc hay Gree Electric Appliances và Midea Groupcủa Trung Quốc bỏ lại đằng sau ở Đông Phi.

Không cần phải mua máy lạnh Daikin, khách chỉ cần trả phí lắp đặt ban đầu là 77 đô la và chỉ trả tiền thuê mỗi ngày là 1,4 đô la, khoảng 32.000 đồng để có được không khí mát mẻ. Dĩ nhiên, khách phải trả tiền điện. Quốc gia đầu tiên mà Daikin bắt đầu dịch vụ này là Tanzania.

Chương trình cho thuê kiểu này sẽ giúp Daikin bán khoảng 50.000 máy lạnh ở Tanzania vào năm 2024. Daikin hy vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc thâm nhập thị trường Tanzania. Hãng này đang xem xét mở rộng sang thị trường các nước Đông Phi láng giềng.

Thể thức “xài bao nhiêu trả bấy nhiêu” của Daikin cho phép người thuê sử dụng máy điều hòa mà không phải chi cả cục tiền. Hãng máy lạnh Nhật Bản hy vọng khách hàng sẽ nhận ra những lợi ích của máy lạnh Daikin so với các sản phẩm rẻ hơn từ các hãng đối thủ Trung Quốc, từ đó khách sẽ quyết định mua máy lạnh Daikin.

Với tầm nhìn lâu dài, Daikin sẽ phát triển lực lượng bảo hành địa phương. Nỗ lực giúp công ty khác biệt so với các công ty Trung Quốc vốn không để tâm đến dịch vụ hậu mãi.

Sau một thời gian, Daikin sẽ khuyến khích khách thuê mua luôn máy điều hòa với giá 640-740 USD mỗi máy, mắc hơn 20-70% giá các máy cùng loại của Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng thiết bị của Daikin rất tiết kiệm điện, vì thế về lâu dài khách tiết kiệm khá nhiều – công ty này nhấn mạnh.

Để có thể bước vào thị trường châu Phi, Daikin bắt tay với Wassha, một startup ở Tokyo chuyên cho thuê bóng đèn Led ở các vùng lưới điện chưa vươn tới tại Đông Phi. Liên doanh được thành lập cuối tháng 6-2020, với Daikin góp 80% vốn và phần còn lại của Wassha.

Chạy đua để giành thị phần với Tesla

Ý tưởng xâm nhập thị trường châu Phi được nảy ra trong một cuộc thảo luận giữa Chủ tịch điều hành Daikin Noriyuki Inoue và CEO Wassha Satoshi Akita. Sau khi nghe câu chuyện về các nỗ lực để bước vào thị trường lục địa đen của Akita, Inoue nghĩ rằng Daikin không nên tiếp tục đi theo hướng cũ là sản xuất và bán thiết bị. “Chúng ta phải vất bỏ những thành công trong quá khứ để bước vào địa hạt mới”, vị chủ tịch nói với nhân viên.

Một trong những lý do mà Inoue cảm thấy cấp thiết phải đẩy nhanh kế hoạch thâm nhập thị trường châu Phi là sự xuất hiện của nhân vật luôn tạo đột phá trong nhiều lĩnh vực: tỉ phú Elon Musk. Nhà sáng lập của hãng xe Tesla và một loạt các doanh nghiệp mạo hiểm - như du lịch không gian, Internet giá rẻ phát từ không gian hay xe điện ngầm tốc độ cao - được xem là mối đe dọa cho tương lai của dự án “thuê máy lạnh”.

“Dự án này thuộc loại bỏ túi, quá dễ dàng. Bạn có thể có không gian sống tốt hơn với tiện nghi sưởi, thông khí và máy lạnh chạy rất êm và hiệu quả siêu tuyệt vời”, Musk nói với các nhà đầu tư vào tháng 9-2020 . Lúc đó, vị tỉ phú cũng nói sẽ khởi sự trong năm 2021 này.

Tesla cũng đang khám phá tiềm năng của nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, có thể kết hợp máy lạnh với xe hơi chạy điện, pin dự trữ năng lượng và các tấm quang điện. Những lĩnh vực này nằm ngoài tầm với của Daikin, và khi Tesla làm chủ thì hãng này có thể thay đổi mọi nền tảng của ngành công nghiệp đó.

Daikin cũng thiết lập dây chuyền sản xuất linh kiện máy lạnh theo hình chuỗi cung ứng linh kiện của xe hơi, để tạo ra các dòng sản phẩm mới nhanh hơn và giá rẻ hơn cho các thị trường có thu nhập thấp. Ảnh: Nikkei Asia

Đương đầu với tình hình bất định

Dịch vụ cho thuê ở Tanzania lần này sự chuyển đổi mô hình kinh doanh lớn của Daikin, vốn chỉ tập trung vào sản xuất và bán thiết bị. Bước ngoặc này cũng đánh dấu Daikin bước vào lĩnh vực dịch vụ số - một lĩnh vực mà hãng đã chuẩn bị để tiếp tục dẫn đầu. “Chúng tôi muốn thử nghiệm mô hình vận hành mới”, theo lời Taro Mitani, người đứng đầu bộ phận hợp tác với các công ty khởi nghiệp của Daikin.

Tuy vậy, đây không phải là lần đầu Daikin chọn hướng đi mới.

Dịch bệnh đã phá vỡ sáu năm lợi nhuận kỷ lục của Daikin trong năm tài chính kết thúc cuối tháng 3-2020. Lợi nhuận giảm 44% xuống còn 150 tỉ yen (1,39 tỉ đô la) sau khi đã giảm 4% trong năm tài khóa 2019. Đây là lần đầu tiên tập đoàn Nhật Bản lỗ hai năm liền, sau khoản lỗ năm 2009 do hệ quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Ông Masanori Togawa – Chủ tịch Daikin Industries - đã dựng tất cả mọi người từ quản lý cấp cao, đến bậc trung và nhân viên thấp nhất để “ứng phó với hoàn cảnh khó khăn”. Tháng 4-2020, Togawa đưa ra 6 “dự án khẩn cấp”: cải tổ mua hàng, sản xuất, nhà kho và logistics, đổi mới phương cách tiếp thị, giá và kế hoạch để nắm giữ thị phần, phát triển sản phẩm mới, ưu tiên các dự án đầu tư mới… “Chúng ta phải xem xét và lập kế hoạch mới cứ mỗi một hoặc hai tháng, không thể theo quí hay năm nữa”, ông chủ tịch nói.

Ông Togawa nhận thấy nhu cầu máy lọc không khí có thể loại bỏ vi khuẩn và virus đang có nhu cầu cao trên thế giới. Daikin liền thúc đẩy gia tăng đặt hàng từ Trung Quốc và đặt mục tiêu bán 550.000 máy trong năm tài khóa mới, tăng 30% so với trước đó. Daikin cũng ngay lập tức chuẩn bị kế hoạch mở xưởng sản xuất ở Malaysia.

Chiến dịch tiếp thị trực tuyến đã giúp Daikin thắng lớn trên thị trường Trung Quốc đang bùng dịch hồi tháng 4-2020. Điều này cũng giúp giá cổ phiếu của Daikin tại Nhật Bản tăng vọt.

Daikin cũng mạnh dạn tự động hóa nhà máy sản xuất bộ lọc Flanders Holding ở Mỹ, thực hiện các chiến lược cắt lỗ cho công ty con này trong hai năm 2020-2021. Khi các ngành công nghiệp toàn cầu rên siết vì giá nguyên liệu hàng hóa gia tăng, Daikin đưa ra chương trình cắt giảm 90.000 tấn đồng dùng trong sản xuất máy lạnh vào năm 2024, tức 50% nhu cầu hiện nay.

Giá đồng dự báo sẽ tăng 40-50% trong năm tài khóa kết thúc tháng 3-2022, khiến chi phí của Daikin tăng thêm 30 tỉ yen (273 triệu đô la) – tức tập đoàn này sẽ mất đi khoảng 10% lợi nhuận hoạt động.

“Daikin đã lập các kế hoạch hành động cho tăng trưởng và thật sự dồn sức vào thực hiện. Điều nay cho thấy sức cạnh tranh của họ tăng dần trong thế giới hậu Covid”, Taku Ouchi của hãng chứng khoán SMBC kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới