Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tập trung gỡ khó, tạo đột phá trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 265/CĐ-TTg, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện trong và ngoài nước đang gặp nhiều biến động.

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu - Ảnh: TL

Baochinhphu.vn đưa tin, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.

Trong Công điện số 265/CĐ-TTg ban hành ngày 17-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính không cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu.

Tập trung ưu tiên cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Chú ý tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại; thúc đẩy phát triển hợp tác xã và các mô hình hợp tác trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng yêu cầu tập trung đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Đa dạng hóa sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm khắc phục tình trạng "được mùa mất giá", phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản, từ đó triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; phát triển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ nông sản; chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu;

Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tập trung chỉ đạo có hiệu quả các nội dung  trên, tạo đột phá cụ thể ngay trong quí II và quí III năm 2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới