(KTSG Online) - Làm việc với UBND TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung phục hồi kinh tế với trọng tâm giải quyết ngay ách tắc cho các vấn đề lớn, các dự án lớn của thành phố. Để các vấn đề này được giải quyết hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành nghiên cứu bổ sung vốn đầu tư công và tăng nguồn nhân sự cho TPHCM.
- Chủ tịch TPHCM lo hơn 20 năm nữa vẫn chưa làm xong metro
- Kiến nghị ứng kinh phí cho công ty vận hành metro Bến Thành-Suối Tiên
- Giải phóng mặt bằng là yếu tố quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án vành đai 3
Ngày 27-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ giải quyết 16 nhóm việc của thành phố. Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới Chính phủ và Thủ tướng có kế hoạch làm việc thường xuyên với TPHCM ít nhất 1 quí/lần. Đây là cách tốt nhất để rà soát công việc, đánh giá, phân tích những việc làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm và giải quyết những vấn đề còn ách tắc.
Gỡ ách tắc các dự án trong điểm
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết tiến độ thực hiện vành đai 3 của TPHCM và 3 địa phương đến nay rất thuận lợi. Song, TPHCM mong muốn Chính phủ sớm triển khai nghị quyết trong tháng 7 và bố trí vốn cho vành đai 3 để đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Còn dự án vành đai 4 đi qua 5 địa phương, dài 199 km, với số tiền liên quan giải phóng mặt bằng trên 10.000 tỉ đồng, TPHCM kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo để các địa phương và Bộ Giao thông Vận tải xin Quốc hội chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm 2023 hoặc vào kỳ họp chuyên đề chuẩn bị, triển khai dự án.
Đề cập vướng mắc của dự án metro, ông Mãi cho biết hiện TPHCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án metro số 1, metro số 2. Bên cạnh đó, ông cho biết quá trình triển khai metro số 1 cũng gặp vướng mắc về vốn đối với điều kiện duy trì hoạt động công ty vận hành đường sắt (HURC1 - đơn vị vận hành tuyến metro số 1 của TPHCM).
"Trong bối cảnh tuyến metro 1 đã hoàn thành hơn 90%, công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ cần được quan tâm, sẵn sàng đội ngũ tiếp nhận dự án khi hoàn thành. Vấn đề về vốn cần được giải quyết để dự án về đích", ông Mãi kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông rất sốt ruột với tình trạng cạn vốn hoạt động của công ty vận hành metro số 1. Qua đó Thủ tướng yêu cầu các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng TPHCM trong tháng 8 này phải xong việc bổ sung vốn điều lệ cho Công ty HURC1 vận hành tuyến metro số 1 hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng đã phản hồi kiến nghị từ TPHCM về việc giải quyết khó khăn, bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND TPHCM thực hiện quy trình bổ sung vốn cho công ty này theo quy định. Ông cũng thắc mắc tại sao TPHCM chỉ cấp vốn điều lệ cho công ty này 14 tỉ đồng.
"Bộ Tài chính đồng tình để TPHCM ứng vốn cho công ty hoạt động. Sau này được bổ sung vốn điều lệ thì công ty sẽ trả lại cho ngân sách nhà nước", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Với dự án vành đai 3, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm rõ những vấn đề ách tắc liên quan việc triển khai dự án này và nghị quyết của Quốc hội. Ông nhấn mạnh TPHCM và các bộ, ngành phải đưa ra lộ trình, ngày tháng kết thúc cụ thể để giải quyết các ách tắc.
"Muốn có thế hệ ODA mới - thủ tục không tính vào nợ Chính phủ, lãi suất thấp nhất, thời gian dài nhất... chúng ta cần làm nhanh thủ tục. Nên đếm ngược lại công việc, ví dụ năm 2025 làm gì, 2024, 2023 phải làm gì, chỉ có kiểm soát như thế mới đảm bảo tiến độ. Cách tổ chức thực hiện phải đổi mới", Thủ tướng lưu ý.
Nghiên cứu đặc thù tăng nhân sự cho TPHCM
Vấn đề quan trọng tiếp theo được Thủ tướng nhắc đến là yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu tăng biên chế hoặc lương cho công chức TPHCM. Bởi trước đó, TPHCM nhiều lần kiến nghị trung ương tăng biên chế công chức cho thành phố.
Hiện một công chức tại TPHCM phục vụ bình quân 346 người (tính luôn cả số biên chế phường, xã, thị trấn), hơn gấp hai lần so với cả nước (152 người). Bình quân dân số một đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố cao hơn bình quân dân số cấp huyện của cả nước khoảng 239.000 người.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã đưa ý kiến về một số đề xuất của TPHCM về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức của địa phương.
Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức của TPHCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu thực tế hiện nay do điều kiện công việc thực tế, TPHCM đang dôi dư một số công chức, viên chức so với tổng biên chế được phân. Việc trả lương cho số công chức, viên chức này không sử dụng ngân sách trung ương, mà lấy từ ngân sách thành phố. Tuy nhiên về quy định, việc này chưa ổn.
Ông Thừa kiến nghị Thủ tướng tới đây cho phép nghiên cứu chính sách đặc thù cho thành phố về biên chế công chức, viên chức.
Trao đổi ngay về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý nên nghiên cứu chính sách đặc thù này theo hướng nhìn nhận "đặc thù một phường của TPHCM dân số có khi bằng một huyện ở tỉnh khác, cho nên cần nghiên cứu theo hướng tăng con người (biên chế công chức, viên chức) hoặc có cơ chế tăng lương cho công chức, viên chức".
Đề xuất xử lý nhà, đất công tránh lãng phí
Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi cho biết việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trong đó có phần diện tích đất công nằm xen cài theo quy định của Nghị định 167/2017 khiến thành phố gặp khó khăn. Ông kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho UBND TPHCM được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần đất công nằm xen cài trong các khu đất, được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ông Mãi cho biết, tại trung tâm thành phố, có những dự án đất công xen cài có thể là đường đi, không gian chung nhưng phân rất nhiều mảnh; phải đi đấu giá từng mảnh nhỏ, mất thời gian, nếu không phải cùng một nhà đầu tư thì không triển khai được. “Đây là bất cập rất lớn” – ông nói và cho biết có những khu đất vàng, kim cương nằm ở trung tâm TPHCM kéo dài nhiều năm chưa triển khai dự án.
Liên quan đến Nghị định 167/2017, Chủ tịch TPHCM cho biết quy định về quản lý, cho thuê nhà đất công trên địa bàn TP vừa qua đã gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách vì không khai thác được quỹ đất mà còn bỏ tiền ra để bảo vệ.
Nhằm tránh lãng phí hơn 1.400 cơ sở nhà đất, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho thành phố được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê tài sản này. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn cho TPHCM giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập đấu giá cho thuê và hướng dẫn thành phố xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê.
Tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2022 có thể đạt 7,2%Theo ông Phan Văn Mãi, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của TPHCM tăng 3,82%, trong đó tăng trưởng quí 2 gấp 3 lần quí 1. Các chỉ số phát triển 7 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 12,2%, tổng thu ngân sách đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so với cùng kỳ…Về nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2022, TPHCM kiên trì là sẽ cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu là 6 - 6,5%. Khi sơ kết 6 tháng, thành phố có phân tích các yếu tố, nếu như từ đây đến cuối năm không có biến động lớn thì khả năng là tăng trưởng GRDP của Thành phố sẽ đạt được là 7 - 7,2%.
Cơ chế thật sự không ổn định chút nào. Nhìn đâu cũng thấy “vướng/ tháo/gỡ…” thì làm sao mà yên tâm làm ăn lâu dài được ? TPHCM cũng được ưu tiên một phần về cơ chế đặc thù, nhưng thực tế cho thấy cũng không giải quyết được vấn đề gì lớn ? Vậy nguyên nhân là do đâu, cần phải xử lý dứt điểm càng sớm càng tốt.