(KTSG Online) - Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước điều hành tín dụng sao cho đạt mục tiêu đề ra, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Nhiều giải pháp khác cũng được đề ra để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân như các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong năm 2024; điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, ưu tiên vào đầu tư ngoài nhà nước.
- Siết vốn tín dụng không thể chặt đứt ‘vòi bạch tuộc’ bất động sản
- Các doanh nghiệp cùng truyền cảm hứng, niềm tin vượt khó khăn
TTXVN đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có thông báo về việc thực hiện các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo đó, Ngân hàng nhà nước phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, theo dõi diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành các công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền... hướng đến việc tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Điều hành tín dụng hợp lý sao cho đạt mục tiêu đề ra; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Rà soát chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; đề ra các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Cũng theo bản tin trên, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, ưu tiên vào đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công, phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong năm 2024, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Hướng dẫn cơ quan thuế, hải quan quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thu thuế từ các dịch vụ du lịch, ăn uống, giải trí.
Tín dụng : Có uy/ có tín thì mới dùng/ được dùng. Khả dụng: Có khả năng đến đâu dùng đến đó. Tận dụng: Dùng cho đến hết mọi khả năng. Giai đoạn này, ngân hàng và khách hàng cần biết lựa chọn ?
Một giải pháp cần nhắm vào trọng tâm để tháo gỡ khó khăn và nó không thể đáp ứng được tất cả vấn đề như nợ xấu…vào lúc này. Vì vậy khi thực hiện mà cứ e ngại vừa mở được tí xíu đã vội xiết lại. Người thực hiện chính sách mà không tự tin vào chính mình thì không thể nào phát huy hiệu quả. Vì vậy đã có bao nhiêu nghị định, chỉ đạo nhưng tình hình vẫn rất là tình hình. Thế thôi.