Thứ Tư, 31/05/2023, 23:56
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Taxi tự lái gây tai nạn, trách nhiệm thuộc về ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Taxi tự lái gây tai nạn, trách nhiệm thuộc về ai?

Minh Đức

(TBKTSG Online) – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu nêu ra một câu hỏi thú vị tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân: “Nếu tương lai Việt Nam cho phép taxi tự lái hoạt động trên đường, và trong trường hợp xe này gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về chiếc xe, phần mềm, hay công ty quản lý…

Taxi tự lái gây tai nạn, trách nhiệm thuộc về ai?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số gian hàng công nghệ tại triển lãm bên lề Diễn đàn Kinh tế tư nhân hôm 2-5. Ảnh: Ban Tổ chức

Dẫn ra ví dụ trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, bản thân ông cũng chưa thể hình dung ra hết những gì sẽ diễn ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song theo ông điều chắc chắn là luật pháp sẽ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì xuất phát nhanh hay chậm không phải là vấn đề, bởi đây không phải cuộc đua dùng sức người như chạy marathon.

“Môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo mới là yếu tố quan trọng nhất”, ông Hiếu nói.

Tại phiên hội thảo hiến kế về phát triển kinh tế số sáng 2-5 với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế tư nhân, vị Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, hiện nay nhiều mô hình kinh doanh đã không còn khái niệm về biên giới, lãnh thổ. Vì vậy, theo ông, luật pháp sẽ phải thay đổi tương ứng.

Ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT cũng cho rằng, việc triển khai xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế số là vấn đề cần quan tâm.

“Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới. Việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ”, ông Ngọc nói.

Theo ông, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam hiện nay là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và triển khai.

"Không chỉ lĩnh vực kinh tế số, mà ở nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam, nói không đi đôi với làm”, ông Ngọc khẳng định.

Ông đẫn chứng, chính phủ đã có những chương trình, giải pháp phát triển kinh tế số từ 2 thập kỷ trước nhưng thực tế, chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng. Hiện nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh được triển khai rất “nửa vời". Có những chương trình khai trương hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả.

Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp…

Thứ trưởng dẫn số liệu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Theo một nghiên cứu khác, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Trong quá trình này, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến kinh tế số như: Khung pháp lý; an toàn, an ninh mạng; sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng cao; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đã nêu ra 4 chính sách để phát triển kinh tế số ở Việt Nam, trong đó theo ông, việc xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số… là yếu tố quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia, theo đó mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số.

Đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý là trên môi trường số hoá.

Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức đã diễn ra sáng 2-5 với nhiều phiên hội thảo, tọa đàm chuyên đề. Phiên hội thảo hiến kế về phát triển kinh tế số với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” thu hút gần 300 đại biểu, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số trong nước và nước ngoài tham dự. 

Hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng tâm về phát triển nền kinh tế số Việt Nam như thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hợp tác công – tư trong phát triển hạ tầng số cốt lõi, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số; thiết lập xác thực – định danh điện tử tại Việt Nam và nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới