TBKTSG số 18-2019: Ngăn bong bóng bất động sản
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) - Giá đất có dấu hiệu tăng nóng cục bộ từ năm 2017 và tiếp tục lan rộng cho đến nay trong phạm vi cả nước. Sự tăng giá chỉ thực sự bất ổn khi nó xuất phát từ hoạt động đầu cơ. Nhưng làm sao ngăn bong bóng bất động sản khi mà việc xác định đúng thực trạng của tăng giá đất là do các yếu tố nền tảng và nội tại hay do yếu tố đầu cơ luôn là việc không dễ dàng?
Mời xem cụm bài về vấn đề này trên chuyên mục Sự kiện & vấn đề của TBKTSG bản in phát hành vào sáng mai, 2-5-2019.
Trong bài Sẽ là quá muộn một khi bong bóng đã bùng nổ, tác giả Phạm Văn Đại cho rằng hiện tượng sốt đất diễn ra ở Quảng Nam gần đây hay ở Vân Đồn, Phú Quốc trước đó mang đầy đủ đặc tính của những bong bóng đầu cơ tài sản. Trong đó xuất hiện vai trò nổi bật của nhóm những nhà đầu cơ “cá mập” tạo lập thị trường và thu lợi từ việc lôi kéo các nhà đầu cơ nhỏ lẻ. Và một khi bong bóng tài sản đã bùng nổ thì mọi phản ứng chính sách đều… quá muộn!
Còn ở bài tựa đề Nhà nước chưa có giải pháp dài hạn, theo tác giả Phạm Thái Sơn, để ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của sốt đất, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn về điều tiết nguồn tài chính đổ vào thị trường bất động sản, Nhà nước cần các chính sách dài hạn điều tiết cả hai bên cung và cầu của thị trường.
Các đề tài khác:
Không lẽ Nhà nước cũng đành bó tay! (mục Ý kiến): Các dự án thường bị nhà thầu bán đi bán lại qua mấy cấp. Nhà nước đã phải "mua" những công trình với giá đắt hơn so với giá trị thực. Vấn đề là ai có thể thao túng, trục lợi từ quy trình đấu thầu, xét và chọn thầu hết sức chặt chẽ nếu không phải là các sân sau của những thế lực có “máu mặt”?
Xây niềm tin phát triển bền vững (Nguyễn Khắc Giang): Với nhiều người, niềm tin vào chính quyền dựa nhiều vào thứ anh ta hít thở mỗi sáng khi ra đường hơn là những con số tăng trường GDP.
Điện mặt trời và tiền ngân hàng (Lưu Hảo): Lượng tiền của ngân hàng đang nằm ở các dự án điện mặt trời là không hề nhỏ.
Lạm phát: áp lực đang tăng dần nhưng rủi ro tổng thể không quá lớn (Đăng Linh): Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay của Chính phủ nhiều khả năng sẽ hoàn thành.
Tiền gửi của kho bạc đang chi phối diễn biến thị trường tiền tệ (Ngọc Khanh): Lãi suất liên ngân hàng đang tăng, giảm bất thường. Chính sách tiền tệ và tài khóa đang giẫm chân lên nhau. Cần tách bạch vai trò giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.
Điều hành tỷ giá: sóng trồi nhỏ hay sải bước lớn? (Hải Lý): Phương thức điều hành tỷ giá tăng dần từng nhịp theo các con sóng trồi lên sẽ được thị trường dễ dàng chấp nhận hơn một mức điều chỉnh sải bước lớn, cho dù cung cầu đang thuận lợi.
Khi Fed làm tuyên truyền (Nguyễn Vạn Phú): Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa phát hành một tài liệu hướng dẫn mọi người, đặc biệt là các em học sinh, về các nguyên tắc kinh tế cơ bản và vai trò của Fed trong hệ thống tài chính. Điều có thể làm nhiều người ngạc nhiên là Fed chọn hình thức truyện tranh giả tưởng để “tuyên truyền”.
Ngân hàng thoái vốn được lợi gì? (Thụy Lê): Thời gian gần đây, các ngân hàng ồ ạt thoái vốn. Ngoài mục tiêu đáp ứng các tỷ lệ về sở hữu chéo hay để tập trung vào các hoạt động cốt lõi, thực chất việc thoái vốn mang lại những lợi ích gì cho các ngân hàng?
Nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức “khủng” (Linh Trang): Năm 2019 đang chứng kiến nhiều công ty “mạnh tay” chi trả cổ tức. Những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả tới 3 con số như VinaCafe Biên Hòa, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên…
Cổ phiếu cao su tăng… không nhờ cao su (Mỹ Huyền): Thời gian vừa qua, ngành cao su gặp thách thức giá cao su giảm, nhưng có sự phân hóa cổ phiếu giữa các “doanh nghiệp thuần cao su” và doanh nghiệp có thêm mảng đầu tư vào khu công nghiệp hoặc các khoản lợi nhuận bất thường khác.
Vì sao càng cải cách thi cử càng rối? (Phạm Thị Ly): Cải cách thi cử, trước hết là tách riêng thi và tuyển. Để tuyển sinh vào đại học, xu hướng đã có từ lâu trên thế giới là chuyên nghiệp hóa với các trung tâm khảo thí độc lập.
Thị trường giao nhận: sân chơi “nóng bỏng” (Chí Thịnh): Tốc độ và chất lượng dịch vụ giao nhận là một trong những yếu tố quyết định sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử trong thời gian tới.
Hiệu quả phụ thuộc nhiều vào thời điểm đầu tư (TS. Vũ Anh Tuấn): Phân tích hai vấn đề then chốt của dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: (1) Thị trường khách hàng tiềm năng của dịch vụ đường sắt tốc độ cao; (2) Thời điểm mở dịch vụ các đoạn tuyến ưu tiên.
Doanh nghiệp nhà nước: nặng gánh mãi đến bao giờ? (Phan Minh Châu): Chừng nào còn chưa cổ phần hóa thì nhiều trong số các doanh nghiệp nhà nước còn nguy cơ gây thua lỗ, thất thoát, thiệt hại để ngân sách gánh chịu.
Cát nhân tạo, tại sao không? (Tô Văn Trường): Bàn về phòng chống khai thác cát trái phép, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TPHCM nói rằng nguồn cát hợp pháp không đủ cung cấp cho các công trình, “nếu làm thẳng thừng thì các công trình sẽ bị đình trệ”. Cát nhân tạo có thể là lời giải cho bài toán khó này.
Lo khi FDI từ Trung Quốc tăng mạnh (Vũ Dung): FDI từ Trung Quốc bất ngờ tăng rất mạnh từ đầu năm nay trên nhiều phương diện và đa dạng cách thức. Nếu doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh không tốt thì lợi ích mang lại từ FTA mà Việt Nam vất vả đàm phán lại dành cho doanh nghiệp nước láng giềng.
Loay hoay giải bài toán logistics ở ĐBSCL (Trung Chánh): Bài toán về logistics ở ĐBSCL vẫn chưa có lối ra. Không thể xuất khẩu trực tiếp, hàng hóa ở vùng đồng bằng phải trung chuyển qua các cảng ở Đông Nam bộ, tạo gánh nặng chi phí.
Chuyển biến mới của dòng vốn đầu tư Nhật Bản (Quốc Hùng): Sau 5 năm sụt giảm, vốn đầu tư Nhật bản đã quay trở lại lĩnh vực chế biến, chế tạo. Họ đang nhắm đến thị trường ở Việt Nam hơn là xuất khẩu.
Giám sát tính minh bạch cuộc họp công ty (Nguyễn Thanh Phước – LS. Lê Trọng Thêm): Nhiều khả năng một số cá nhân lạm dụng chức vụ, quyền hạn tạo những cuộc họp (công ty) ngụy biện nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Cần xây dựng cơ chế tự kiểm soát thông qua thực hiện quyền hạn của ban kiểm soát, quyền cổ đông, điều lệ công ty…
Quản trị sức khỏe: Đi và về (Thanh Phương): Những tố chất như “vượt lên”, “đi trước”, “dẫn đầu”… của giới doanh nhân, một mặt là những viên gạch lát đẹp con đường đưa họ đến sự thành đạt, nhưng con đường đó cũng dẫn họ đến với những nỗi sợ: sợ cô đơn, sợ thất bại, sợ phá sản, sợ nhục… Họ làm sao để có thể vượt lên những nỗi sợ ấy?
Không thể coi là chuyện nhỏ! (Nhân Tâm): Một người đàn ông ghi chữ lên bàn tay Cầu Vàng ở khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills. Trước đó, chính quyền Đà Nẵng đã yêu cầu tháo dỡ hai bức tranh “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá” từng đạt kỷ lục Guinness Việt Nam do bị vẽ bậy quá nhiều. Người Việt vẽ bậy khắp nơi. Nhiều người hy vọng các cơ quan hữu trách tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi bôi bẩn, ảnh hưởng văn minh đô thị.
Di sản mong manh (Thanh Uyên): Lòng yêu quý, ý thức gìn giữ di sản tồn tại khi người ta hiểu những giá trị, vẻ đẹp của công trình; khi thấy sự hiện diện của nó gắn bó với cuộc sống của mình, chứ không phải là khoảng cách địa lý hay một cảm thức về đất nước.
Kịch Sài Gòn có gì? (Diễm Trang): Kịch Sài Gòn hiện thời thiên về tính giải trí, thiếu vắng các yếu tố của kịch đương đại thế giới.
Ân sủng của sách (Nguyễn Bội Nhiên): “Nếu ít đọc sách thì có lẽ mình không có cơ hội gặp những cảm xúc thật đẹp mà chỉ duy nhất sách mới đem lại được”. Cô viết trên dòng thời gian như vậy. Bạn cô thì viết: “Mình hiểu ân sủng của sách là vô tận”.
Cạnh tranh bằng sự tử tế (Thanh Thảo): Có một ngày nào đó ta chợt nhận ra sự tử tế bình thường của mình cũng có thể là một lợi thế cạnh tranh.
Trang Kinh tế thế giới có các bài: Đức nhắm đến miếng bánh thị trường không gian 1.000 tỉ đô la của Chánh Tài; Sự trỗi dậy của các thương hiệu mỹ phẩm nhỏ của Lê Linh, và bài Tranh giành quản lý tên miền Amazon của Thư Kỳ.
Mời bạn đọc đón xem!