Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 20-2011: Câu chuyện nhập siêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 20-2011: Câu chuyện nhập siêu

Xuân Trí

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 20-2011 ra ngày thứ Năm 12-5 có những nội dung chính:

Nút thắt của nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay là chuyện nhập siêu, sau bốn tháng đầu năm đã lên đến gần 5 tỉ đô la Mỹ, trong đó nhập siêu với Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Hiện nay tỷ giá đang khuyến khích cho nhập siêu. Mặc dù nhân dân tệ đang tăng so với đô la Mỹ, nhà nhập khẩu vẫn hưởng lợi lớn khi hàng nhập về bán bằng tiền đồng sẽ có giá tăng (do lạm phát tiền đồng) nhưng tỷ giá lại được giữ “ổn định”. Tình hình này khuyến khích mọi người nhập khẩu thay vì sản xuất hàng để bán trong nước. Sự kiện & Vấn đề tuần này giới thiệu ý kiến của chuyên gia kinh tế Trần Văn Thọ, Phạm Đỗ Chí, Trần Lê Anh, Vũ Quang Việt tập trung làm rõ vấn đề nhập siêu ở Việt Nam và giải pháp để hạn chế.

Liên quan đến vấn đề nhập siêu, bài Để xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định và bền vững của tác giả Nghệ Nhân trong mục Xuất nhập khẩu phản ánh thực trạng lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp để xây dựng nền kinh tế hướng ra xuất khẩu có hiệu quả cao và bền vững.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Giá, chuẩn bị trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 7-2011, để thay thế Pháp lệnh Giá. Bài Một bước lùi? của tác giả Quang Minh trong mục Trên đường phát triển phản ánh những quy định không rõ ràng của dự thảo luật, tuy được đánh giá là có nhiều quy định mới, nhưng về định hướng chính sách cơ bản thì lại có nhiều điểm “thụt lùi” so với quy định hiện hành.

Những biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đã được triển khai khá quyết liệt trong hơn hai tháng qua, theo một vài báo cáo, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Bài “Vốn liếng” vẫn còn nhiều của tác giả Lê Duy Khánh trong mục Diễn đàn thử nhìn lại kết quả trong thực tế và bàn xem, với chính sách tiền tệ, liệu Ngân hàng Nhà nước có thể làm gì trong thời gian tới.

Trong mục Tài chính – Chứng khoán, đáng chú ý là bài Tự cứu! của phóng viên Hải Lý, ghi nhận những hiện tượng tự cứu giá chứng khoán chẳng giống ai trên sàn niêm yết. Tác giả cho rằng động thái tự cứu là tiếng chuông cảnh báo đến cơ quan quản lý nhà nước về thực trạng chứng khoán và những hệ lụy có thể có đối với một thị trường suy thoái kéo dài.

Thị trường chứng khoán ảm đạm suốt thời gian dài khiến các công ty chứng khoán gặp nhiều khó khăn, danh sách công ty thua lỗ ngày càng dài. Bài Mô hình mới cho công ty chứng khoán của tác giả Lưu Hảo phản ánh những động thái cho thấy một số công ty chứng khoán đang dần chuyển sang mô hình dịch vụ mới theo hướng chuyên sâu và bài bản hơn.

Từ đầu tháng 5 đến nay, dù đã ngừng cho vay vàng nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang duy trì việc huy động vàng. Bài Ngừng cho vay vàng và những mối lo của phóng viên Thủy Triều phản ánh động thái của thị trường khi Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước về việc ngừng cho vay vàng đối với tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực.

Báo cáo rà soát đầu tư năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố được cho là mang tính đối phó với lạm phát hơn là một công việc thường xuyên của một bộ quản lý đầu tư. Bài Bàn cờ kinh tế của phóng viên Nguyên Tấn trong mục Đầu tư phản ánh ý kiến một số chuyên gia kinh tế về cách làm này.

Trong mục Môi trường, bài Ứng xử với túi nylon của phóng viên Phi Tuấn phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất túi nylon khi những chiến dịch hạn chế sử dụng loại túi này đang diễn ra khắp nơi, trong khi đó mức thuế 30.000-50.000 đồng/ki lô gam đối với túi nylon sẽ được áp dụng trong năm tới.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 đã khép lại mà không có kết quả nào đáng kể trong khi các nước ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên trong và bên ngoài. Bài ASEAN trước những thách thức của tác giả Ngô Minh Trí trong mục Bình luận quốc tế phân tích nguyên nhân dẫn đến những chia rẽ hiện nay trong nội bộ khối, khiến khả năng tiến đến cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015 bị đe dọa nghiêm trọng.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới