TBKTSG số 39-2012: Thị trường vàng dậy sóng
Xuân Trí
(TBKTSG Online) – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 39-2012 ra ngày thứ Năm 20-9 có những nội dung chính:
Hơn một tháng qua, thị trường vàng trong nước lại dậy sóng. Hơn bao giờ hết, dư luận nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh trên thị trường này. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh diễn biến thị trường vàng trong nước thời gian qua, nguyên nhân gây ra cơn sốt và đề xuất một số giải pháp căn cơ để có thể bình ổn thị trường.
Trong mục Cải cách doanh nghiệp nhà nước, bài Quản trị và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước của tác giả Nguyễn Tú Anh bàn về giải pháp tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này, đồng thời nêu một số kinh nghiệm quản lý tập đoàn kinh tế trên thế giới.
Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, bài Những “cục nợ” chạy lòng vòng của phóng viên Ngọc Lan phản ánh những khó khăn của ngành xi măng và kế hoạch tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp xi măng của Bộ Xây dựng; trong đó tổng công ty sẽ mua hoặc tiếp nhận các dự án xi măng trong và ngoài ngành để tăng sản lượng mà không cần đầu tư thêm, trong đó có cả những công ty đang trên bờ vực phá sản.
Trong mục Ghi nhận, bài DATC nên thuộc Chính phủ của phóng viên Tư Giang phản ánh ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế về vai trò của Công ty Mua bán nợ (DATC) trong việc giải quyết nợ xấu hiện nay. Theo ông Võ Trí Thành, DATC nên thuộc Chính phủ và Chính phủ ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước làm đại diện vì cơ quan này hiểu rõ những vấn đề của ngành mình quản lý hơn ai hết.
Trong mục Tài chính – Chứng khoán, đáng chú ý là bài Nhà đầu tư nhỏ cần được bảo vệ của tác giả Hồ Bá Tình, phản ánh tình trạng báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán sau khi được kiểm toán đã có sự thay đổi lớn, khiến giá cổ phiếu biến động mạnh, gây thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ.
Chỉ trong vòng hai năm 1991-1993, số lượng ngân hàng cổ phần đã tăng từ con số 4 lên đến 41 ngân hàng, một sự nhảy vọt gần như không có tiền lệ trong lịch sử ngân hàng Việt Nam. Bài Quá nhanh nên thiếu bền vững của tác giả Trương Quang Thông phản ánh chặng đường phát triển của hệ thống ngân hàng cổ phần và những hệ lụy đối với nền kinh tế.
Trong mục Doanh nhân Doanh nghiệp, bài Thị trường ô tô: tiềm năng không dễ khai thác của phóng viên Quốc Hùng và bài Người Việt thích ô tô nào? của tác giả Hùng Lê phản ánh tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy định hướng phát triển của ngành này còn đang bỏ ngỏ.
Đang có cuộc sống và công việc ổn định ở Hà Lan, bà Ngô Thị Mỹ Ngọc, Công ty TNHH Đông Phương Quả, đã quyết định về Hậu Giang mở công ty trồng rau để cung cấp cho thị trường Hà Lan. Trong bài Thị trường Hà Lan: khó mà dễ, phóng viên Ngọc Hùng đã phỏng vấn bà Ngọc về kinh nghiệm đưa hàng nông sản vào thị trường này.
Trong mục Văn hóa Xã hội, bài Để các dòng sông êm đềm đừng vì “kém hiểu biết”! của tác giả Thiên Di phản ánh ý kiến của những bên liên quan khi xảy ra động đất tại đập thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam.
Tuần qua, người dân thực sự bị “sốc” khi Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đề nghị hạ mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân xuống còn 7 triệu đồng. Bài Đừng quên, dân giàu nước mới mạnh của phóng viên Tấn Đức trong mục Trên đường phát triển phản ánh quan điểm của các cơ quan hữu quan về vấn đề này.
Tính đến cuối tháng 8, hợp đồng xuất khẩu gạo của nước ta đã ký kết là 6,8 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn. Bài Xuất khẩu gạo sớm “bỏ cuộc chơi”? của tác giả Trung Chánh trong mục Giao thương và bài Gạo thơm sẽ cứu giá gạo xuất khẩu? của tác giả Nguyễn Đình Bích trong mục Xuất nhập khẩu phản ánh tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay.
Trong mục Kinh tế thế giới, bài Khó xảy ra chiến tranh kinh tế Trung-Nhật của tác giả Thái Bình phản ánh những ảnh hưởng về kinh tế chung quanh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Kính mời bạn đọc đón xem.