TBKTSG số 9-2016: Hun đúc tinh thần khởi nghiệp
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Văn kiện trình Đại hội Đảng XII có một điểm rất đáng chú ý. Đó là ‘kinh tế tư nhân” được xác định là “động lực” của nền kinh tế, và “tinh thần khởi nghiệp quốc gia” được khuyến khích đặc biệt. Cụm bài viết về chủ đề “Hun đúc tinh thần khởi nghiệp” sẽ xuất hiện trên TBKTSG tuần này, phát hành vào sáng mai, 25-2.
Quay về với giá trị cốt lõi (Nguyễn Quang Đồng): Đã có những doanh nhân, sau nhiều năm thăng trầm với đất đai, chứng khoán…, nay đang trở về với những giá trị cốt lõi nhất – nông nghiệp. Nông nghiệp cần được nhìn như một mảnh ghép của đích đến là một nông thôn với không gian sống chất lượng dựa vào nền tảng lao động nông nghiệp bền vững và có thu nhập xứng đáng.
Để kinh tế tư nhân thành… động lực (Tư Giang): Muốn khuyến khích người dân bỏ tiền ra làm ăn, Nhà nước phải đảm bảo môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn phải an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu hiện nay.
Hun đúc tinh thần doanh nghiệp... trong bình đẳng (Mục Ý kiến): Môi trường thuận lợi cho tinh thần doanh nghiệp cần phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Tránh là phong trào (Phan Minh Ngọc): Báo chí gọi năm 2016 là "Năm quốc gia khởi nghiệp". Nếu muốn vậy, cần có một chương trình hành động quốc gia, tập trung vào những công việc cụ thể đã được xác định rõ và cần phải làm đến nơi đến chốn.
Các bài khác:
“Chần chừ, do dự là chết” (Tư Giang phỏng vấn Tiến sĩ Võ Trí Thành về “Báo cáo Việt Nam 2035”): Việt Nam phải tích cực cải cách để thích ứng với nhu cầu hội nhập và sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. Cơ hội cho Việt Nam bứt phá chỉ là 5-7 năm tới.
Tám vấn đề cần được giải quyết (Vũ Quang Việt): Tiếp nối bài viết “Nhìn lại chủ trương lấy quốc doanh làm chủ đạo" đã đăng ở số báo tuần trước, tác giả tiếp tục nêu một vài hệ lụy của chính sách này dẫn đến tăng nợ nước ngoài, tăng nợ công và tổng nợ của nền kinh tế, tăng nguy cơ nợ và nợ xấu.
Cái bẫy của giá dầu thấp (Đỗ Thiên Anh Tuấn): Việc giá dầu giảm mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn. Nhưng khi giá dầu hồi phục, Việt Nam coi chừng bị mắc kẹt trong cái bẫy của thời giá dầu thấp nếu đã lún sâu vào việc sử dụng công nghệ thâm dụng nhiên liệu.
Hạn – mặn năm 2015-2016: vẫn có cơ hội cho ĐBSCL (Lê Anh Tuấn): Vẫn có những giải pháp khai thác nguồn nước mặn, nước lợ. Ở khía cạnh kinh tế tài nguyên nào đó, đây xem như là một nguồn tài nguyên nước có những lợi thế tiềm năng.
Lo chi phí quản lý Quỹ BHXH tăng mạnh (Thùy Dung): Chi phí quản lý Quỹ BHXH đã tăng mạnh trong năm 2015, trong đó chi cho quản lý bộ máy tăng hơn 50%. Có ý kiến cho rằng để chặn đà tăng của loại chi phí này, cần quy định trần chi phí quản lý theo tổng thu BHXH và xác định nguồn kinh phí chi xây dựng cơ sở hạ tầng BHXH một cách hợp lý hơn.
Luật tạo kẽ hở cho sự bội ước! (Trần Thanh Tùng – Lê An Hải): Chuyện tưởng như đùa: doanh nghiệp có tiền, muốn thanh toán công nợ cho đối tác mà không thể trả. Vì sao vậy?
Không thể một mình một chợ (Lê Anh): Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực duy trì, bảo trì đường bộ với cam kết giảm chi phí đến gần 40% so với hiện nay nhưng lại không thể “chen chân” vào được.
100 đồng vốn, 110 đồng lãi (Thành Nam): Trong khi hàng ngàn doanh nghiệp phải chật vật để tồn tại, vẫn có những công ty ăn nên làm ra, thậm chí rất giàu tiền. Họ là ai? Vì sao họ làm được như thế?
Tín dụng ngược chiều nợ xấu (Lưu Hảo): Năm 2015, hoạt động tín dụng của các ngân hàng “cất cánh”: VPBank tăng tới 49%, BIDV 26%, VietinBank 22%, Vietcombank 19,7%... Trong khi đó, nợ xấu tự công bố giảm: Ngân hàng Quân đội xuống còn 1,61%, VietinBank 0,92%, BIDV 1,6%, Vietcombank 2%...
Bán khống cần được giải oan (Gia Anh): Không có cơ sở để cấm vô điều kiện việc bán khống, vì làm như vậy là hạn chế quyền định đoạt của người sở hữu chứng khoán, đó là quyền cho vay.
Nâng cao vị thế VND (Hồ Lê): Sắp tới, có thể NHNN sẽ dừng cho phép thanh toán hay gửi tiền bằng ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Việc gửi USD vào ngân hàng có thể được thay bằng các hình thức giữ hộ tài sản như đã từng thực hiện với vàng.
Bỏ ghi nhận ngành, nghề kinh doanh – lợi bất cập hại (Tạ Thị Thanh Tâm): Những phân tích liên quan đến tính “lợi bất cập hại” trên thực tế của việc bỏ ghi nhận ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, từ sự cải cách nửa vời đến việc thiếu thông tin kiểm chứng.
Không thể bỏ qua 5 bước chuyển biến của nhân loại (Nguyễn Phi Hải): Trước những chuyển biến lớn của nhân loại, từ toàn cầu hóa, cá nhân hóa, kỹ thuật số hóa cho đến xu hướng phi giới tính và trào lưu tiết kiệm, nếu doanh nghiệp không lưu ý những chuyển biến này sẽ rất dễ bị tụt lại phía sau.
Thanh toán điện tử: trở ngại từ nhiều phía (Chí Thịnh): Thói quen thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng đang ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp thương mại điện tử.
M&A xuyên biên giới để phát triển thị trường (Hồ Trọng Lai): Trong thế giới phẳng hiện nay, con đường M&A thường là con đường ngắn nhất của doanh nghiệp để đi đến một thị trường mới.
Qua Mỹ làm thương hiệu: cuộc phiêu lưu mạo hiểm! (Văn Nam): Tháng 7 năm ngoái, Công ty cổ phần May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) đã ký hợp đồng mua quyền khai thác thương hiệu hàng may mặc thể thao Gramicci tại thị trường Mỹ và đang đặt kỳ vọng tạo ra bước đột phá từ hoạt động kinh doanh này.
Cha con và giấc mơ ca cao (Đức Tâm- Bảo Uyên): Giấc mơ tạo “thương hiệu” cho cacao Việt Nam trên trường quốc tế đang được hai cha con ông Đặng Tường Khâm theo đuổi như thế nào?
Làng cổ phai màu (Hồng Phúc): Bảy năm sau khi Hà Nội được mở rộng, làng Triều Khúc - "làng trăm nghề" nổi tiếng ở ven đô Hà Nội vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước cơn gió ào ạt của hội nhập và đô thị hóa.
Xông hơi có lợi ích gì? (BS. Quan Vân Hùng): Xông hơi hay tắm “ba nóng hai lạnh” là một trong những phương pháp phòng bệnh tổng quát mà y học cổ truyền khuyến khích; là một liệu pháp hỗ trợ cho bệnh tật nói chung, đặc biệt là các chứng đau nhức, béo phì.
Phi thời gian (Danh Đức): Khi cả “núi” người lẫn “núi” của được dồn vào hàng ngàn lễ hội mỗi năm để “ngược chiều về quá khứ", thì liệu mỗi người, mỗi địa phương và cả quốc gia còn được bao nhiêu năng lượng và năng lực cho việc đương đầu với hiện tại và chuẩn bị đối phó tương lai?
Đừng trông chờ vào "minh triết dân gian"! (Nguyễn Vĩnh Nguyên): Những đám đông cướp phết, tranh lộc hỗn loạn tuy chưa tạo ra án mạng, nhưng rất có cơ sở để lo ngại có thể một ngày nào đó, sự việc sẽ không chỉ dừng lại ở những trò vui hội hè.
Nhà nước phục vụ hay hiệp sĩ? (Nguyễn Ngọc Điện): Xã hội được tổ chức tốt không cần vai trò của “hiệp sĩ nhà nước” mà chỉ cần đội ngũ công chức thạo luật, thạo việc, có năng lực giải quyết vấn đề với thái độ chuyên nghiệp đối với mọi yêu cầu của người dân.
Lãnh đạo có nghĩa là gì? (Giáp Văn Dương): Lãnh đạo là một sự ban trao chứ không phải một sự sắp xếp. Công việc của nhà lãnh đạo là thiết kế ra một tương lai chung tốt hơn cho tất cả mọi người, thuyết phục mọi người tin tưởng và cùng nhau hiện thực hóa tương lai chung đó.
Trang Kinh tế thế giới có các bài: Trung Quốc: “trảm” tướng có xoay chuyển được thị trường? của Chánh Tài; Chiến tranh quanh cái iPhone của Thanh Hương và Châu Âu và Brexit: EU run rẩy trước London của Quang Dũng.
Mời bạn đọc đón xem!