Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Temu tạm dừng ở Việt Nam khiến người mua, đại lý thấp thỏm chờ đợi

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sàn thương mại điện tử Temu tạm dừng hoạt động để bổ sung thủ tục theo yêu cầu từ Bộ Công Thương. Nhiều khách đã đặt hàng của Temu phải huỷ đơn để nhận hoàn trả tiền. Đây là điều người mua cần lưu ý khi đặt hàng qua các nền tăng xuyên biên giới chưa được cấp phép hoạt động ở Việt Nam. 

Người đã đặt hàng chờ Temu hoàn tiền

Anh Nguyễn Hải Đại, một người mua hàng trên Temu, quản trị viên nhóm cộng đồng Temu Việt Nam, cho biết đến nay những đơn hàng gặp tình trạng giao hàng chậm trễ, có nhiều đơn đặt 2 tuần rồi vẫn chưa nhận được hàng. Tất cả đơn hàng trên Temu đều phải thanh toán từ trước vì sàn thương mại điện tử này không có phương thức trả tiền khi nhận hàng (COD) như các sàn khác.

Theo như anh Đại khảo sát qua một số người mua, Temu chấp nhận yêu cầu trả hàng hoàn tiền đối với khách hàng đã thực hiện giao dịch, tiền sẽ về tài khoản 7-15 ngày. “Lúc này người mua có thể kiên nhẫn chờ Temu giao hàng nhưng chưa xác rõ thời gian chính xác hoặc chọn trả hàng để Temu hoàn tiền”, anh nói với KTSG Online.

Ghi nhận từ một số người mua hàng khác cho thấy, với những yêu cầu hoàn tiền từ tháng 11, có tài khoản đã nhận tiền về tuy vậy thời gian chờ đợi khá lâu. Tương tự, anh Huy Hậu ở TP Hà Nội đặt 7 đơn hàng điện tử tại Temu cũng vừa nhận xong vài ngày trước với thời gian giao hàng lên đến 2 tuần.

Sàn thương mại điện tử Temu đã tạm dừng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: TL

Theo ông Nguyễn Tất Kiểm, CEO của Taki Academy, người có kinh nghiệm phát triển kinh doanh đa nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, từ thông tin hiện có, Temu đang phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì chưa hoàn tất thủ tục pháp lý tại Việt Nam, các đơn hàng qua Temu không thể thông quan.

Người mua hàng, tiếp thị liên kết hoặc bất kỳ cá nhân nào có tiền trong tài khoản Temu cần liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ của Temu qua các kênh chính thức của họ để yêu cầu hoàn tiền hoặc xử lý các giao dịch còn tồn đọng. Đối với hàng hóa đã đặt, khách hàng nên kiểm tra trạng thái vận chuyển và các điều khoản hoàn tiền. Nếu Temu không xử lý nhanh chóng, người tiêu dùng có thể liên hệ với các cơ quan quản lý như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ pháp lý, ông nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Thái Hải Lâm chia sẻ tương tự như các sàn thương mại điện tử khác, Temu chỉ đóng vai trò là trung gian, kết nối người bán với người mua. Một số hoạt động mua bán hàng do Temu thực hiện, nhưng với vai trò là người đại diện của bên bán – bên mua. Điều này thể hiện rõ thông qua điều khoản sử dụng mà Temu đã công bố. Vì vậy, việc giao dịch về cơ bản vẫn là của người bán với người mua.

Hiện nay, có thông tin hàng hóa do Temu nhập với tư cách đại diện chưa được thông quan, nên có thể phát sinh chậm trễ việc giao hàng. Trường hợp mà Temu tiếp tục chậm trễ giao hàng, người mua có thể yêu cầu hủy yêu cầu và hoàn trả tiền hàng theo chính sách mà Temu đã công bố (Temu với tư cách là đại diện bên bán sẽ hoàn trả cho người mua), ông Hải Lâm nói thêm.

Ông Đỗ Quang Huy, chuyên gia về thương mại điện tử nhìn nhận Temu đang tạm dừng để xin giấy phép. Trong trường hợp Temu không xin được cấp phép hoặc thời gian xin phép quá dài thì các khoản tiền thưởng, tiếp thị liên kết có khả năng cao sẽ không được hỗ trợ. “Thực chất các hoạt động tiếp thị liên kết để kích thích mua sắm với khách hàng Việt Nam nên khi không còn tiếp tục hoạt động được nữa thì hoàn toàn có thể bị treo hoặc mất”, ông nói.

Một số cá nhân phản ánh về số tiền làm tiếp thị liên kết không rút được hoặc khi rút khỏi tài khoản thì báo lỗi, chỉ dành để mua hàng ở nền tảng, cho đến hiện tại việc rút được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của Temu, ông chia sẻ.

Mua sắm qua sàn xuyên biên giới cần ưu tiên độ an toàn

Luật sư nói thêm qua trường hợp của Temu, về cơ bản đây là giao dịch dân sự trong đời sống. Trước hết người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn nhà cung cấp uy tín trên sàn cũng như tìm hiểu về chính sách đổi trả, hoàn tiền của sàn, người bán trước khi tiến hành giao dịch thay vì chỉ đơn thuần nhìn vào mức khuyến mãi. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể hạn chế rủi ro bằng việc giao dịch qua sàn với giá trị nhỏ, để giảm thiểu thiệt hại nếu có.

Luật sư Hải Lâm chỉ ra hiện nay, các sàn thương mại điện tử có xu hướng loại trừ trách nhiệm của họ và tạo ra các rào cản về tố tụng, thể hiện tại chính sách sử dụng mà họ đã công bố. Ví dụ, việc sàn thương mại điện tử được thành lập và quản lý bởi một pháp nhân tại Singapore, lựa chọn giải quyết bằng trọng tài tại Hoa Kỳ, địa điểm giải quyết tại một bang của Hoa Kỳ và theo một hệ thống pháp luật ngoài Việt Nam thì riêng việc khởi kiện đã vô cùng khó khăn và phức tạp. Cùng việc thiết kế các chính sách theo hướng loại trừ trách nhiệm của sàn (để người bán với người mua tự giải quyết với nhau) với các rào cản về tố tụng thì người tiêu dùng khó được bảo vệ.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay có cho phép người tiêu dùng lựa chọn giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án đối với tranh chấp với bên tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Còn sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ trung gian kết nối thì dường như không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Ông Nguyễn Tất Kiểm cũng nhấn mạnh trong tương lai, người tiêu dùng nên lưu ý một số điểm khi tiếp cận bất kỳ nền tảng thương mại điện tử nào mới xuất hiện tại Việt Nam. Cụ thể họ cần kiểm tra tính pháp lý, chỉ mua sắm trên các nền tảng đã đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, theo dõi chính sách bảo vệ quyền lợi nhằm đảm bảo nền tảng có cơ chế hoàn tiền, giải quyết tranh chấp rõ ràng.

Một phiên livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: TL

Ngoài ra, người mua nên sử dụng phương thức thanh toán an toàn như ưu tiên các kênh thanh toán hỗ trợ truy vết giao dịch. “Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cần nhận thức rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng nhưng cũng có hệ thống pháp lý chặt chẽ. Việc tuân thủ quy định không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn tạo niềm tin và điều kiện phát triển bền vững cho chính các nền tảng đó”, ông Kiểm nói thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới