Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tesla đặt cược vào taxi tự lái

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –Tỉ phú Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, cho biết công ty ông sẽ ra mắt mẫu xe taxi tự lái vào tháng 8 tới. Giới đầu tư hào hứng với thông tin này nhưng giới phân tích nhận xét, đây là ván cược đầy rủi ro vì công nghệ tự lái vẫn còn xa vời khi đang đối mặt với hàng loạt rào cản kỹ thuật và quy định quản lý.

Tỉ phú Elon Musk tuyên bố sẽ ra mắt taxi tự lái vào tháng 8 tới. Ảnh: nogentech

Tham vọng xe Tesla có thể vận hành như taxi tự lái

Hãng tin Reuters hôm 5-4 đưa tin, Tesla đã hủy kế hoạch sản xuất mẫu xe điện rẻ và thay vào đó sẽ tiếp tục phát triển taxi tự lái trên cùng một nền tảng. Sau đó, viết trên mạng xã hội X tỉ phú Elon Musk cho biết, mẫu taxi tự lái của Tesla sẽ ra mắt vào ngày 8-8 tới. Thông tin cuối ngày này lập tức đẩy giá cổ phiếu của Tesla tăng đến 5,1% ở phiên giao dịch sau giờ đóng cửa.

Mục tiêu phát triển một mẫu xe tự lái hoàn toàn được Tesla đề cập với nhà đầu tư vào năm 2019, từ lâu là yếu tố then chốt giúp cổ phiếu của Tesla được định giá ở mức cao ngất ngưỡng.

Trước đây, tỉ phú Elon Mush từng nói rằng những chiếc xe Tesla được trang bị hệ thống trợ lái sẽ dần tiến đến cấp độ tự lái thông qua các bản cập nhật phần mềm. Ông nhấn mạnh, tại một thời điểm nào đó, những chiếc xe này sẽ có khả năng hoạt động như những chiếc taxi tự lái hoàn toàn và có thể kiếm tiền cho chủ sở hữu.

Hiện tại, xe Tesla Model 3, có giá bán 40.000 đô la Mỹ, có thêm tùy chọn hệ thống trợ lái Full Self-Driving (FSD) với chi phí 12.000 đô la. Hệ thống này cũng có thể bán dưới dạng thuê bao với mức phí lên tới 199 đô la/tháng.

Các chuyên gia đã thử nghiệm hệ thống này cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nó vẫn chưa thể tự lái mà không có sự can thiệp của con người.

Kelly Funkhouser, Phó giám đốc công nghệ phương tiện của Consumer Reports, gần đây đã thử nghiệm FSD. Bà đánh giá hệ thống này hoạt động quá kém và mô tả việc sử dụng nó giống như trao quyền điều khiển xe cho một tài xế tuổi thiếu niên mới biết lái xe.

Tỉ phú Elon Musk của Tesla đã chọn phát triển công nghệ tự dựa vào radar và camera, nhưng không có lidar (công nghệ cảm biến sử ánh sáng laser để đo khoảng cách),

Các lãnh đạo trong ngành nhận xét, công nghệ lidar mang lại những lợi thế như khả năng hoạt động trong mọi điều kiện ánh sáng và phạm vi hoạt động lớn hơn camera. Tuy nhiên, ưu điểm của camera là khả năng nhận dạng hình ảnh tốt hơn.

Một số nhà đầu tư và phân tích của Tesla cho biết, việc định giá hoạt động kinh doanh taxi tự lái của Tesla khó khăn hơn nhiều so với xe điện giá rẻ

“Cách đây 8 năm, Tesla đã cam kết rằng tất cả xe điện của hãng sẽ đạt được cấp độ tự lái hoàn toàn, nhưng hãng thay đổi cách tiếp cận nhiều lần kể từ đó. Nhiều chuyên gia cho rằng Tesla sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể phát triển thành công công nghệ tự lái hoàn toàn”, John Krafcik, cựu CEO của hãng xe tự lái Waymo, công ty công nghệ tự lái của Alphabet nói.

Theo các chuyên gia, các hệ thống trợ lái hiện nay của Tesla chưa đạt được cấp độ tự lái hoàn toàn. Ảnh: caranddriver.com

Ván cược rủi ro

Các nhà phân tích cho rằng, việc tập trung nhiều hơn vào taxi tự lái sẽ gây rủi ro hơn cho nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới do tính phức tạp của các công nghệ liên quan.

“Các công ty phát triển xe tự lái khác đã hình dung rằng dự án của họ sẽ có kết quả trong 2- 3 năm nhưng rốt cục, kéo dài 10 hoặc 20 năm. Tesla rồi cũng sẽ nhận ra như vậy”, Philip Koopman, giáo sư ở Đại học Carnegie Mellon, người  nghiên cứu về tính an toàn của xe tự lái, bình luận.

Thực tế đã minh chứng rằng con đường phát triển của xe tự lái không hề suôn sẻ. Gần đây nhất, hôm 3-4, hãng phần mềm tự lái Ghost Autonomy (Mỹ) tuyên bố đóng cửa các hoạt động trên toàn thế giới với lý do lộ trình hướng đến lợi nhuận không chắc chắn.

Mùa thu năm ngoái, đơn vị tự lái Cruise của hãng xe General Motors (GM) bị các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ sau khi một phương tiện của Cruise tông và kéo lê một người đi bộ ở thành phố San Francisco.

Vụ tại nạn này khiến General Motors phải triệu hồi 950 xe tự lái để cập nhật phần mềm và cắt giảm chi tiêu 1 tỉ đô la Mỹ cho Cruise. Nhưng hồi tháng 2, Mary Barra, CEO của GM, vẫn khẳng định công nghệ tự lái mang lại “những lợi ích to lớn” và công ty đang sở hữu “tài sản vô cùng quý giá”.

Theo giáo sư Koopman, bất kỳ xe tự lái nào cũng cần chứng minh hiệu suất hoàn hảo trong 1 hoặc 2 năm vận hành, điều mà ngành công nghiệp này chưa thể đạt được.

Đối mặt kiện tụng và điều tra

Tham vọng taxi tự lái của Tesla xuất hiện trong bối cảnh hãng đang đối mặt các vụ kiện và cuộc điều tra của chính phủ liên quan đến cáo buộc hai hệ thống trợ lái Autopilot và FSD mà hãng bán thêm cho chủ xe Tesla không hoạt động tốt như cam kết. Những hệ thống này được thiết kế để hỗ trợ đánh lái, phanh và chuyển làn đường và không được coi là công nghệ tự lái.

Hồi tháng 2, Tesla đồng ý triệu hồi hơn 2 triệu xe Tesla có trang bị Auopilot và tung bản cập nhật phần mềm từ xa vào hệ thống Auopilot để bổ sung thêm cảnh báo cho người lái. Auopilot là hệ thống trợ lái cho xe Tesla trên đường cao tốc. Động thái triệu hồi xảy ra sau cuộc điều tra của Cục Quản lý An toàn giao thông cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) về các vụ tai nạn liên quan đến công nghệ trợ lái này.

Tesla cũng đang đối mặt với cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về cáo buộc Tesla đưa ra tuyên bố sai lệch rằng thể xe của hãng có thể tự lái.

Thực tế, Tesla đã cảnh báo rõ ràng với người lái xe rằng họ phải giữ tay lái và duy trì quyền kiểm soát phương tiện vì hệ thống Autopilot không giúp xe họ tự lái.

Bryant Walker Smith, giáo sư ở Đại học bang Nam Carolina, khẳng định, xe Tesla hiện không thể vận hành như taxi tự lái thực sự. Các hệ thống trợ lái của xe Tesla đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn sau nhiều năm hứa hẹn về mốc thời gian đạt được khả năng tự lái nhưng không thành.

Quan trọng hơn, Tesla phải tuân thủ các quy định của liên bang và địa phương đối với đội xe taxi tự lái và thử nghiệm xe tự lái. Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm pháp lý của xe tự lái vẫn chưa được giải quyết.

Năm 2022, NHTSA đã cập nhật một số quy định nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện tự lái hoàn toàn được triển khai và thử nghiệm. Các quan chức của NHTSA nhấn mạnh rằng, những phương tiện như vậy vẫn phải cung cấp mức độ bảo vệ người ngồi trong xe tương tự xe do con người điều khiển.

 Theo Bloomberg, Reuters, CNN

1 BÌNH LUẬN

  1. Làm không sợ. Sợ không làm. Tệ hơn nữa, vừa làm vừa sợ. Tesla, thành công vang dội nhiều năm qua bởi Elon Musk là người chưa biết sợ hãi là gì. Nếu sợ thất bại, sợ dư luận, sợ thua lỗ… thì rõ ràng sẽ không có một Tesla, kể cả SpaceX… luôn đi tiên phong trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, mà trước đây chưa ai từng dám nghĩ đến. Bên cạnh tài năng của một con người, phải luôn cần đến một môi trường phù hợp để họ luôn dám ước mơ, hành động, và đánh đổi. Môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý… nếu chờ đợi cho nó hoàn thiện mọi thứ, thì cuộc đời này sẽ không bao giờ có sự đột phá, mạo hiểm, và thành công. Bởi vậy, cho dù bây giờ và sau này, thiên hạ có nói gì đi nữa, thị trường có biến động bao nhiêu nữa, thì Elon Musk và những thành tựu của ông, vẫn cứ mãi tiến về phía trước, và luôn được đại đa số mọi người ngưỡng mộ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới