Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tết: Đuối nhưng vui

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tết: Đuối nhưng vui

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) - Chuyện ăn Tết của nhà ngoại tôi!

Tết: Đuối nhưng vui
Tết là dịp các gia đình quây quần bên nhau - một giá trị văn hóa của người Việt Nam. Ảnh minh họa: Khu vườn Tết Canh Tý trên đường Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Ngoại có 11 người con, 9 gái và 2 trai. Không tính cậu hai thì má là chị lớn trong nhà. Hầu hết mọi người đều lập gia đình. Chỉ có dì thứ 7 và cậu kế út không lập gia đình đang sống với ngoại (ông ngoại tôi đã mất vài năm trước).

Trong suốt tháng Chạp, ai nấy đều vất vả hơn. Người thì lo các đơn hàng giày dép để giao cho các tiệm bán lẻ ngoài chợ bán Tết. Người thì lo kết sổ, thu công nợ khách hàng. Người thì lo làm hàng mã để giao cho khách cúng rằm và giao thừa…

Cửa hàng sắt bà Chuồn hơn 50 năm của ngoại luôn nhộn nhịp những ngày cuối năm, thu hút khách hàng cũ lẫn mới, mua từ những vật lớn như trang thờ, thùng đốt giấy đến những vật nhỏ như cây chổi, hũ đựng thịt heo mắm... 

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), công việc của mọi người dường như tăng gấp nhiều lần. Lau dọn nhà cửa, mua trái cây, thực phẩm và vật dụng trang hoàng nhà cửa ngày Tết.
Và như là truyền thống, mỗi người tự phân công làm hoặc mua một món để phân phát trong cả gia đình. Người thì làm dưa món, củ kiệu, kim chi. Người thì làm chả thủ. Người thì làm thịt mắm. Người thì đặt bánh tét. Người thì đặt mua giò heo…

Đến ngày 29 và 30 tháng Chạp, tưởng mọi người nghỉ ngơi sau ngần ấy công việc. Nhưng ngược lại, hai ngày này, các chị, em và các anh, em cột chèo (chồng của các dì) dành chút sức lực cuối cùng để dọn dẹp nhà ngoại.

Một nhóm thì dọn hàng hóa cho ngăn nắp để chừa chỗ trống trang trí hoa và bàn tiếp khách ngày Tết. Nhóm khác thì vệ sinh ngôi nhà, từ cái bếp ở tầng trệt lên gác lửng, tầng một và sân thượng.

Lúc dọn dẹp đều có những tiếng cười đùa, chọc phá nhau. Nhưng đâu đó cũng vang lên vài câu ca thán: “Tết làm gì mà đuối quá”, “Năm sau nói má (ngoại) dọn sớm đi” hay “Thuê người phụ dọn đi, ai cũng lớn tuổi rồi”.

Nói thì nói vậy nhưng “quy trình” này cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác. Đến cuối ngày 30 tháng Chạp, trước khi ai về nhà nấy để cúng giao thừa mọi người sum vầy, nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe những chuyện không vui và cùng hứa hỗ trợ nhau trong năm mới.

Nhiều người nói, hết 30 là hết Tết, muốn ám chỉ bận rộn lo toan trước Tết mới vui. Còn những ngày Tết là nghỉ ngơi và… chúc Tết. Nhưng với gia đình ngoại thì ngược lại. Những ngày trước Tết vất vả bao nhiêu thì những ngày Tết ý nghĩa bấy nhiêu.

Sáng mùng 1, tất cả gia đình lần lượt đến chúc Tết ngoại. Đến khoảng 11h30 là hầu như đông đủ các gia đình. Các anh, em cột chèo thì nhậu, nói chuyện. Các chị, em thì ngồi ngay bàn bên cạnh ăn mứt, cắn hột dưa và “tỉ tê”.

Sau đó, các gia đình thống nhất ý kiến về từng nhà thành viên để thăm và chúc Tết. Nhờ đông con, nhiều gia đình và có sự gắn bó yêu thương nhau, nên việc chúc Tết này kéo dài đến hết mùng 3, thậm chí sang mung 4. Và hầu như, kết lại cái Tết sum vầy tại nhà của dì Út với bữa tiệc hoành tráng, vui vẻ.

Khi nhìn lại những ngày vừa qua, mọi người, nhất là má và các dì, đều nói rất đuối, rất mệt vì vừa dọn dẹp, vừa lo nấu nướng hằng ngày.

Nhưng ai cũng đồng ý rằng không thể nào bỏ Tết được. Vì với họ, đây là dịp để gắn kết tình cảm mọi người, để nhắc cho nhau và nhắc con cháu nhớ về truyền thống của gia đình. Và tôi tin rằng, sau này, dù ngoại có mất đi, truyền thống này vẫn sẽ được lưu giữ.

Tết, đuối nhưng vui là vậy!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới