Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tết những nhánh cỏ ngọt thành bím

Đoàn Tuấn Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong Tết cỏ ngọt, tác giả và cũng là nhà sinh thái môi trường Robin Wall Kimmerer đã nêu bật khái niệm về nền kinh tế quà tặng, từ đó ta nhìn lại được mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, cũng như mang đến những bài học sâu sắc mà mẹ Trái đất có thể trao cho chính chúng ta.

Braiding Sweetgrass, tựa sách bằng tiếng Việt là Tết cỏ ngọt - tết các nhánh cỏ ngọt thành bím, được ra mắt lần đầu tại Mỹ vào năm 2013 bởi Nhà xuất bản phi lợi nhuận Milkweed Editions. Tác giả Robin Wall Kimmerer khi ấy hẳn không thể đoán trước tác phẩm của mình sẽ tạo được sức ảnh hưởng lớn như thế nào.

Tác phẩm đến nay đã bán được hơn 2 triệu bản và được xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 do độc giả của tờ The New York Times bình chọn vì đã góp phần làm thay đổi cách thức con người nhìn nhận về tự nhiên. Riêng nữ tác giả Kimmerer cũng được trao học bổng “Thiên tài” MacArthur danh tiếng, giúp bà có đủ chi phí để tập trung vào việc viết lách.

Về tựa đề sách, trong văn hóa của những bộ tộc bản địa Bắc Mỹ, loại cỏ ngọt có một vị trí vô cùng quan trọng. Nó được xem là loài cây xuất hiện sớm nhất, góp mặt trong nhiều điển tích dân gian nhất và do đó thường được tết thành bím dài như tóc, trao tặng đến nhau như một món quà mang nhiều ý nghĩa. Cũng chính từ hình tượng này, Kimmerer đã “tết các sợi” hiểu biết của người bản xứ, kiến thức lý tính của khoa học hiện đại và trải nghiệm của bản thân mình để khắc họa nên mối quan hệ của con người hiện đại với thế giới này.

Bà Kimmerer là giáo sư ngành sinh thái môi trường, đồng thời là một thành viên của bộ tộc Potawatomi lâu đời tại Bắc Mỹ. Những chương sách của Kimmerer thấm đẫm tầm nhìn của nhiều thế kỷ, từ các sử thi, truyện cổ dân gian của người bản địa cho đến hiện thực ngày nay thông qua trải nghiệm cá nhân và nền tảng khoa học. Không chỉ hấp dẫn bởi cách tổng hợp thông tin, mà nữ tác giả còn mang đến rất nhiều suy ngẫm mang tính khai mở, từ đó độc giả sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình và có hành động hướng đến thay đổi.

Những hạt giống sáng tạo

Cuốn sách mở đầu bằng điển tích dân gian quan trọng và nổi tiếng nhất của những cư dân bản địa Bắc Mỹ: trong lúc nữ thần bầu trời giáng thế, nàng đã mang theo một nắm hạt giống khi cố bám lấy Cây sự sống, từ đó sản sinh ra các loài cây trên thế giới này.

Tiếp đó nàng đã hạ sinh hai cậu con trai đại diện cho sự sáng tạo cũng như hủy diệt, và một cô con gái không may qua đời, đại diện cho sự hy sinh. Khi nữ thần chôn cất người con yêu dấu vào trong lòng đất, những loài thực vật đã vươn mình lên từ thân xác cô bé: thuốc lá mọc lên từ đầu, cỏ ngọt từ tóc, trái tim cho con người dâu tây, ngô vươn từ ngực, bí đỏ từ bụng và từ trong tay là những chùm đỗ dài bằng ngón tay...

Cũng kể từ đó, người bản địa sống thuận hòa với thiên nhiên trước khi con người từ Cựu thế giới đến với châu Mỹ. Cũng như tổ tiên bị trục xuất khỏi vườn Địa đàng, những con người này đã làm đất đai vỡ vụn bằng sự tham tàn. Nếu nữ thần bầu trời mang theo hạt giống sản sinh tự nhiên, nơi mọi sinh linh đều bình đẳng và có tương quan khắng khít với nhau, thì hành trang của người mới đến là một hệ thống mang tính cấp bậc với con người ở trên cùng, là đỉnh cao của sự tiến hóa và là giống loài được tạo hóa yêu thương, trong khi cây cối, động vật... thì ở dưới cùng.

Nhưng theo hiểu biết của người bản địa, con người thật ra chính là chủng loại ít kinh nghiệm sống nhất, thế nên phải học nhiều nhất từ những “giáo viên”, cũng chính là những giống loài khác.

Bởi lẽ cây cối ở trên Trái đất lâu hơn loài người rất nhiều và có thời gian tìm hiểu mọi thứ. “Họ” sống cả trên và dưới mặt đất, biết cách tạo ra thức ăn, thuốc thang từ ánh sáng, nước và rồi trao đi. Bằng khả năng quan sát tinh tế, Kimmerer đã cho ta thấy được sự diệu kỳ của loài hồ đào khi nó biết cách cộng sinh với con người để cùng sống sót, không ngừng phát triển.

Bà cũng dẫn dắt ta đến sự kỳ diệu của thiên nhiên để thấy cách cúc hoàng anh cũng như cúc tây cùng nhau sinh sống và màu vàng - tím của chúng hóa ra đối nhau trên vòng tròn màu để nhằm thu hút ong bướm... Lẫn trong những điều kỳ diệu của chính tự nhiên, bà cũng phản ánh trải nghiệm của bản thân mình và nhiều người khác, biến tập sách này thành những bài luận vừa cá nhân vừa bao quát, vừa cảm xúc vừa chặt chẽ và sâu sắc.

Con quỷ tham tàn

Từ góc nhìn đó, bà đã gọi tên hai nền kinh tế dựa trên cách ta ứng xử đối với tự nhiên là “nền kinh tế quà tặng” và “nền kinh tế sở hữu tư nhân”.

Trong khi những đứa con của nữ thần bầu trời coi quà tặng là thứ tạo ra mối liên hệ giữa cho và nhận, qua đó thúc đẩy việc hình thành cộng đồng thịnh vượng mà không tận thu, tận diệt và tự mỗi người đều có trách nhiệm đối với cái chung; còn người mới đến lại xem quà tặng mang tính hiển nhiên, miễn phí.

Họ nhìn những gì hiện diện thông qua tiền tệ, qua đó thúc đẩy nền tảng thiếu thốn và là nền móng của cán cân cung - cầu. Đây chính là những khác biệt đã dẫn đến tình trạng hiện nay, khi con người tự coi mình là bá chủ, từ đó trấn áp tự nhiên và phải đối đầu với những thách thức đang chờ phía trước.

Điều này một lần nữa được Kimmerer “huyền thoại hóa” xung quanh nhân vật quỷ ăn thịt người Windigo trong các câu chuyện của người bản địa. Mang hình hài của người đàn ông cao đến ba mét, có mái tóc trắng đọng sương và cơ thể run rẩy, nó thường xuất hiện trong cơn bão tuyết vào thời kỳ đói khát. Nó mạnh vào mùa đông, yếu vào mùa hè và là đại diện cho tình trạng thiếu sự cân bằng.

Tác giả cho biết những người bản địa đã tạo ra nó từ cái khốc liệt của cảnh thiếu thốn khi sự tham lam và không biết đủ đã đẩy chính con người vào trong bi kịch, qua đó góp phần cảnh báo những thế hệ sau.

Ngày nay nó cũng dần dần thành hình trong kỷ nguyên của các nền kinh tế tiêu dùng với những cánh đồng dần bị trọc hóa hoặc mất dinh dưỡng vì phân bón hóa học, các trang trại công nghiệp, sự mở rộng và ô nhiễm dần vùng đất ngoại ô... trong khi con người chỉ chăm chăm vào lợi ích ngắn hạn và tự biện hộ cho các hành vi của bản thân mình...

Điều may mắn là người bản địa vẫn cho ta thấy cách khắc phục mà một trong số đó chính là bài học “một bát - một thìa”, khi những món quà của Trái đất đều nằm chung trong một cái bát, và vì chỉ có một thìa nên chính con người phải hỗ trợ nhau và biết trân trọng nguồn tài nguyên đó.

Có thể nói bằng cách kể chuyện cuốn hút, những khám phá thú vị cũng như khơi gợi những suy ngẫm sâu sắc, Robin Wall Kimmerer đã mang đến một liều thuốc để chữa lành cho mối quan hệ đổ vỡ của chúng ta với đất đai, cây cỏ và tự nhiên, qua đó cho thấy hành động để thay đổi chưa khi nào là muộn và rất cần thiết ngay chính lúc này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới