Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tết xa nhà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tết xa nhà

Sinh viên biểu diễn văn nghệ trong tiệc mừng năm mới do đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi tổ chức – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Một tháng trước Tết, biết con gái phải đi học xa, mẹ tôi buồn, không ngủ được. Không buồn sao được vì nhà tôi, lớn nhỏ có đến vài chục người, năm nào cũng sum vầy trong mấy ngày xuân, không thiếu một ai.

Rằm tháng Chạp, cả nhà đi tảo mộ bà. Thường, xưa nay gia đình tôi đi tảo mộ sau ngày đưa ông Táo về trời, nhưng năm nay ba mẹ tôi quyết định đi sớm hơn. Theo như lời ba tôi, vắng nhà ngày tết cũng được nhưng những việc làm để tưởng nhớ ông bà thì con cháu không thể vắng mặt.

Với ba mẹ tôi, tưởng nhớ ông bà và sum họp là hai chuyện quan trọng nhất của ngày tết năm mới. Vì thế, trong mấy ngày này, nhà tôi lúc nào cũng ngào ngạt khói hương. Phút giao thừa, ngoài bánh tét, dưa hành, hoa, trái… mẹ và mấy chị em tôi lúc nào cũng phải chuẩn bị gà trống tơ, xôi và bánh trôi nước để ba tôi van vái tổ tiên rồi sau đó cả nhà sẽ hưởng lộc, cùng chúc tết cho hết thảy mọi người. Ba ngày đầu năm mới, bữa nào cũng phải nấu cơm mới để mời ông bà dùng cơm năm mới và con cháu quây quần.

Năm nào ba mẹ cũng bắt mấy anh chị em làm chừng ấy việc, theo đúng trình tự ngày, giờ. Ba mẹ sợ cuộc sống hiện đại sẽ làm chúng tôi và những đứa cháu quên đi phép tắc và sợ nếu không tạo được nếp nhà, lỡ sau này ba mẹ đi xa thì sẽ chẳng còn ai nhớ hương vị ngày tết để trở về.

Hai tuần trước tết, mấy đứa cháu đã mất cả ngày để ngắt hết lá hàng mai trước sân nhà. Từ hôm sau, sáng sớm chúng đã xúm quanh những cây mai quan sát, hồi hộp mong tìm ra những chiếc búp non mới nhú và khoái trá nhìn ngắm “thành quả lao động” của mình.

Ba là người đã truyền cho các cháu tôi cái cách để cảm nhận niềm vui sướng ấy. Trước đó, ba mẹ chúng và tôi cũng từng như như vậy, để đến khi lớn lên không thể nào quên được và cứ đến ngày rằm tháng Chạp là đã thấy nôn nao.

                                            ***

Ngày đưa ông Táo (18-1), New Delhi lạnh ngắt, thời tiết thế này khiến mọi người muốn ngủ vùi. Mới sáng sớm, cửa phòng tôi đã bị đập ầm ầm. Tiếng anh chàng người Ấn nghe muốn rách màng nhỉ: Việt Nam, có người tìm. Mấy người Ấn ở ký túc xá tôi ở chẳng biết ăn nói nhỏ nhẹ là gì cả. Sang đây cả tuần, chưa khi nào thấy họ kêu ai lấy một tiếng nhẹ nhàng. Bực bội!

Anh Thảo, người tìm tôi, làm việc tại văn phòng Thông Tấn Xã Việt Nam tại New Delhi. Anh đến đón tôi đến đại sứ quán để dự tiệc mừng năm mới (dù đến tối tiệc mới… bắt đầu). Anh đến đón tôi sớm vì mấy chị ở sứ quán đã chuẩn bị nấu nướng rồi. Tôi gật đầu, nhưng hẹn đến chiều vì phải làm nốt mấy bài tập còn nợ. Lần đầu tiên tôi cùng đi dự tiệc với người mới gặp một lần và ở buổi tiệc đó tôi không quen biết một ai. Tôi chỉ vừa làm quen với anh Thảo qua điện thoại vài ngày trước đó vì muốn tìm đồng hương để tiện bề liên lạc ở nơi đất khách nhưng không ngờ lại được anh rủ đi đón tết và còn được làm quen với những người mới.

Đó là chị Thuận, đang làm nghiên cứu bậc tiến sĩ về nông học, đã ở Ấn hơn sáu năm; là chị Trang, cũng làm luận văn tiến sĩ và có thâm niên xa nhà tương tự; là anh Khiêm, đang nghiên cứu về công nghệ sinh học, từng có ba cái tết xa nhà; là Hưng, anh chàng có gương mặt trẻ măng như sinh viên năm nhất nhưng sắp lấy bằng tiến sĩ và cũng đã có ba cái tết vắng nhà… 

Tôi cứ nghĩ, gặp nhau chắc mọi người sẽ kể chi li về ngày tết, sẽ đoán xem bên nhà đang sửa soạn thứ gì, sẽ than nhớ nhà và muốn quay về… y như… tôi, vẫn nói với cô bạn người Malaysia cùng phòng suốt mấy hôm nay. Nhưng mọi việc diễn ra không như tôi nghĩ. Mọi người gặp nhau, nói chuyện phiếm, xem biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”, ăn uống qua loa rồi chia tay. Dường như mọi người đã quen với chuyện ăn Tết xa nhà.

                                                                              ***

Tiệc tan, anh Khiêm và Hưng đưa tôi về ký túc xá. Trên đường về, lan man trò chuyện một hồi, chợt anh hạ giọng: “Học xong rồi, tưởng cuối năm cố làm xong thủ tục để kịp về trước tết không ngờ lại phải chờ đến ra năm. Mấy năm nay có biết tết là gì đâu, cứ từ chỗ ở ra nơi thí nghiệm!”.

Mười một giờ khuya, chị Thuận gọi điện hỏi tôi, về ký túc xá có an toàn hay không. Tưởng chỉ vài câu ngắn ngủi, không ngờ lại kéo dài đến hơn 40 phút, mới đầu là chuyện học hành, công việc nhưng rồi chỉ nói đến tết. Chị bảo, mấy năm trước chị cùng mấy anh chị em người Việt ở New Delhi cũng ăn tết đến mấy ngày. Gác chuyện học hành, nghiên cứu sang một bên, cả bọn góp tiền lại đi chợ, rồi nấu nướng, tiệc tùng chúc mừng năm mới. “Thầy giáo có cằn nhằn cũng kệ, bảo rằng đây là tết của người Việt mà, vui đáo để”, chị nói. Rồi chị bùi ngùi: “Năm nay mọi người về gần hết rồi, chắc sẽ không nấu nướng, tụ họp gì hết, sẽ không có tết”.

Thì ra, không một ai quên được hương vị của ngày tết quê nhà. Cái cảm giác muốn đoàn tụ, muốn về nhà của những người xa quê đã vài năm cũng chẳng khác gì người lần đầu tiên đón tết xa nhà như tôi; cũng đau đáu nỗi niềm xa quê, cũng nôn nao nhớ nhà khôn tả…  

Hôm nay đã là 29 tết rồi! Chắc ba và các anh tôi đã dọn dẹp, bày biện gian thờ, mẹ cùng các cũng đã chuẩn bị xong chiếc nồi lớn nhất để nấu bánh chưng, bánh tét. Cả nhà tôi lại tất bật với công việc để đón Giao thừa và năm mới, chỉ thiếu mỗi mình tôi.

MINH DUY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới