Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tết xưa ở làng quê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tết xưa ở làng quê

Phương Huy

(TBKTSG Xuân) - Quê ngoại tôi là một vùng đất trù phú nằm trong một ngọn rạch, chỉ cách sông cái Ô Môn chừng bốn cây số. Hồi thập niên 50 thế kỷ trước, đường bộ chưa thuận tiện, học trò lớn mỗi ngày phải qua đò rồi đi bộ vô trường quận học, đứa nào khá giả thì đi học bằng đò máy. Phương tiện thông tin hầu như chưa có gì nên cuộc sống nơi đây thật quê mùa, nhưng bà con vẫn cảm nhận về ngày Tết rất sớm, do những tín hiệu từ cây cỏ, chim muông và những hiện tượng thiên nhiên.

Chừng trung tuần tháng 11, từng bầy tu hú đã kêu từng chặp từ sau vườn ngoại và những con cu đất, cu cườm không biết từ đâu về đậu trên hai cây sao cao vút trước ngõ nhà ông Năm giáp ranh đất, thỉnh thoảng lại cúc cúc... cu... cúc cu như nhắc chừng. Lũ ong, bướm trước sân ngoại cũng rập rờn nhiều hơn trên giàn huỳnh anh ánh rực hoa vàng... Tất cả gợi thêm một chút bâng khuâng trong ánh mắt của dì Út tôi khi mỗi sáng quét sân nhà. “Tết tới một bên rồi”.

Khi mấy cây vông lá hình trái tim mướt rượt dưới mé rạch, sát bến nước, đơm bông đỏ thắm thì ông ngoại tôi bắt đầu săm soi mấy chậu kiểng.

Từ đầu tháng chạp trở đi cánh phụ nữ bận lo Tết không hở tay, bởi Tết là dịp sắm sửa áo quần mới cho cả nhà.

Ngày thường thì gia đình ngoại tôi và bà con trong xóm quen ăn mặc đơn giản. Thông dụng nhất lúc bấy giờ là áo quần vải trắng và vải đen hiệu Xe Lửa rẻ tiền. Tốt hơn chút đỉnh có vải xiêm tẩm hồ bóng mượt, thường là màu đen để may bộ bà ba và quần đùi nam, mặc làm lụng cả năm. Đồ mặc ở nhà thì vậy nhưng đồ Tết cũng phải ra vẻ một chút cho coi được. “Nhà có con gái lớn, người ta hay ngó ra ngó vào”. Vải vóc hồi đó không quá nhiều chủng loại như bây giờ, nhưng ngoài chợ Cần Thơ cũng có nhiều hàng lụa khá đẹp. Nào là saten trơn, saten dệt bông nổi đủ màu.

Trưa nào bà ngoại và mấy dì tôi cũng bàn bạc về vải vóc, thời trang. Ông ngoại tôi vốn dễ tính, đi vào đi ra thường nói vui: “Kỳ này chắc lưng hết nửa bồ lúa của tui rồi”.

Xong vụ thời trang thì ngoại và mấy dì lo tính trước chuyện bánh mứt và ẩm thực ba ngày Tết.

Trong làng quê này ông ngoại tôi được tiếng là người có học chữ Nho và biết hốt thuốc Bắc. Có lẽ vì vậy ngoại coi trọng những tập tục cổ truyền, đặt nặng chữ hiếu với tổ tiên. “Sống phải biết trước biết sau, cứ theo truyền thống mà làm”. Ông ngoại nói ngắn gọn và chậm rãi nhưng không ai dám trái ý. Sau ngày đưa ông Táo về trời, trên bàn thờ gia tiên và bàn thông thiên ngoài sân không thắp nhang cho đến khi cúng rước ông bà.

Trước hoặc sau ngày đưa ông Táo về trời vài hôm là dịp tảo mộ tổ tiên. Mấy ngôi mộ xi măng của người thân sau vườn nhà được lau rửa và quét vôi lại. Mộ đất thì làm cỏ và vun núm lên cho cao ráo, sạch sẽ. Làm xong bày mâm lễ và thắp hương van vái tổ tiên. Có những ngôi mộ vô chủ gần đó, chắc là thân nhân những tá điền ngày xưa nay đã xiêu lạc phương xa cũng được ngoại tôi dẫy cỏ cắm nhang van vái. Ông nói với chúng tôi mà như nói với chính mình: “Mồ xiêu mả lạc, gần Tết không một nén hương, tội nghiệp lắm. Mình tiếc gì một vài nén nhang mà không an ủi họ!”.

Mâm cơm cúng tổ tiên vào chiều 29 hoặc 30 Tết mỗi năm là dịp để cháu con quây quần tưởng nhớ công ơn ông bà và ôn lại những kỷ niệm đối với những người đã khuất. Đây là bữa cơm đoàn tụ, quan trọng, có ý nghĩa nhất trong năm. Ba tôi làm việc ở Cần Thơ về từ sáng hôm 29. Cậu lớn tôi ở Thơm Rơm dẫn cả vợ con về. Bà dì có chồng trong Thới Lai cũng dắt hai đứa con về chơi đông đủ. Bữa cơm sum họp gia đình tràn ngập niềm vui.

Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống ngoài đình Thới Luông gần đó vang lên, ông ngoại tôi đã sắp sẵn một mâm cúng để trên một ghế đẩu trước bàn thông thiên gồm hương hoa, trà nước cùng bánh tét, bánh bông lan, thèo lèo, mứt và dưa hấu xắt sẵn.

Lễ giao thừa ở nhà xong, ông ngoại đứng ngắm sao, nhìn trời một lúc rồi mới vào nhà. Mấy ông cậu tôi thì kéo nhau đi lễ các đình, chùa ngoài chợ Vàm không biết bao giờ mới về ngủ. Cái Tết quê ngày ấy đơn sơ, giản dị... nhưng dư vị của nó còn theo tôi đến tận bây giờ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới