Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thạc sĩ trị liệu nghệ thuật Nguyễn Hương Linh: Tăng cơ hội trị liệu tâm lý cho nhóm dễ tổn thương

Nguyễn An Nam thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Là họa sĩ, nhà thiết kế, tác giả của 10 cuốn sách về hướng nghiệp cộng đồng và tránh xâm hại tình dục cho thiếu nhi, các vấn đề giới tính, tâm lý cho thanh thiếu niên, Nguyễn Hương Linh còn được biết đến là nhà tâm lý trị liệu nghệ thuật. Cô đã có cuộc trao đổi về sự du nhập của trị liệu nghệ thuật (Art Therapy) – ngành nghề mà cô được đào tạo tại Mỹ – vào bối cảnh Việt Nam.

KTSG: Việc dùng nghệ thuật để trị liệu, xoa dịu các khủng hoảng tâm lý có gặp khó khăn gì không khi ứng dụng tại Việt Nam, thưa chị?

– ThS. Nguyễn Hương Linh: Do đây là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam nên có những mặt thuận lợi và khó khăn của nó. Mặt thuận lợi là nó nhanh chóng thu hút sự chú ý từ cộng đồng, đặc biệt những người trẻ độ tuổi 20-30. Các bạn ấy không chỉ quan tâm tới trị liệu tâm lý nói chung mà còn tò mò về việc sử dụng nghệ thuật vào trị liệu. Với ưu điểm này, tôi cùng các đồng nghiệp có nhiều cơ hội để thực hành.

Nhưng mặt khó khăn là vẫn còn nhiều người nghĩ nghệ thuật chỉ hướng tới trẻ em nhưng kỳ thực trị liệu nghệ thuật hướng tới cả những người lớn. Bên cạnh đó, nhiều người kỳ vọng tham vấn trị liệu tâm lý phải giống như đi khám bác sĩ, được chẩn đoán, kê đơn, cho thuốc uống và bệnh khỏi nhanh, nhưng thật ra, công việc này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, tùy vấn đề mà thân chủ phải đối mặt.

Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa cũng cần được dung hòa. Tôi đang linh động trong cách tiếp cận và can thiệp cho phù hợp với văn hóa của người Việt, bao gồm lối sống, niềm tin, tín ngưỡng, hệ giá trị, hình thức sáng tạo… Ở Việt Nam chưa có nhiều nhà trị liệu nghệ thuật dày dặn kinh nghiệm để dẫn dắt người mới vào nghề nhưng may mắn là tôi nhận được sự hỗ trợ từ những chuyên viên giám sát có phông nền văn hóa châu Á.

KTSG: Lĩnh vực này quá mới mẻ nên sẽ phải cần đến một hệ thống điều kiện “chính quy”?

– Đúng vậy, trị liệu nghệ thuật chưa được công nhận là một ngành nghề chính quy tại Việt Nam. Cho đến năm ngoái mới có mã nghề cho nhóm nghề tâm lý. Điều này có nghĩa có rất ít hoặc không có các quy chuẩn, các yêu cầu đào tạo cũng như các quy chuẩn đạo đức để bảo vệ cho cả nhà trị liệu lẫn thân chủ.

Một số cá nhân và đơn vị gọi tên dịch vụ hoặc sự kiện của họ là “trị liệu nghệ thuật” nhưng trong thực tế có thể không có đào tạo chính quy. Điều này dễ gây bối rối, ngộ nhận về ngành trị liệu nghệ thuật và dễ gây thêm những tổn thương tâm lý với người cần trị liệu.

KTSG: Về Việt Nam thời dịch bệnh, nghe đâu chị đã thử nghiệm mở cuộc thảo luận với bạn bè ở trong khu cách ly về trị liệu nghệ thuật. Hiệu quả của thử nghiệm ấy ra sao?

– Đó là một kỷ niệm thú vị đối với tôi. Tôi nhận ra mình thực sự cần kết nối lại với tiếng Việt và văn hóa Việt trước khi hành nghề. Và nhờ được cách ly cùng với các anh chị cũng du học từ Mỹ về, tôi đã mời mọi người chiêm nghiệm về hành trình du học ở nước ngoài và tái hòa nhập văn hóa gốc qua hoạt động vẽ. Trong một workshop khác, tôi mời mọi người kết nối với bên trong của chính mình, như một cách kết nối với năng lượng bình yên trong giai đoạn căng thẳng vì bệnh dịch.

Qua đó, một số người chia sẻ họ chưa bao giờ nghĩ có thể dùng việc vẽ để hiểu thêm về bản thân. Họ cũng cảm thấy thoải mái vì không bị áp lực phải vẽ đẹp, vẽ đúng mà có thể tự do đi theo trực giác. Một gia đình hai vợ chồng và hai con cho biết họ đã hiểu thêm về trải nghiệm của nhau khi nhìn tác phẩm của người kia, và nhận ra rằng dù sống cùng nhau nhưng ai cũng có những tâm tư chưa được biết tới.

KTSG: Chị đã làm dự án ở Hà Nội, TPHCM và bây giờ chị về Hội An. Chị di chuyển vì lý do cá nhân hay chị muốn thể nghiệm chuyên môn ở những bối cảnh khác nhau?

– Hoàn toàn là lý do cá nhân. Tôi muốn chọn một nơi gần gũi thiên nhiên, thuận tiện chăm sóc bản thân để có thể phụng dưỡng thân chủ nhưng vẫn có lối sống thiên về cộng đồng. Tôi thấy Hội An đáp ứng được các tiêu chí đó. Nhiều người cho rằng tôi làm vậy là giới hạn sự phát triển chuyên môn của mình vì “chỉ người ở thành phố lớn mới cần trị liệu”.

Nhưng khi tới Hội An và Đà Nẵng, tôi vẫn tìm được chỗ đứng bởi nhận thức và nhu cầu về hỗ trợ tinh thần chuyên nghiệp đang tăng. Bên cạnh đó, việc thực hành độc lập của tôi đặt trọng tâm vào phát triển các dịch vụ và hoạt động trực tuyến để thu hẹp khoảng cách cho các thân chủ ở các tỉnh, thành. Việc sống ở miền Trung cũng thuận tiện cho tôi di chuyển đến Hà Nội hay TPHCM để làm các dự án ngắn hạn.

KTSG: Trong bối cảnh nhận thức về tầm quan trọng trị liệu tâm lý còn hạn chế, bên cạnh các yếu tố khác như văn hóa cộng đồng, khoảng cách giữa các nhóm xã hội…, có lẽ việc thực hành trị liệu tâm lý trước hết cần một mạng lưới các chuyên gia tâm huyết và sáng tạo?

– Đúng là vấn đề tâm lý trị liệu chưa được nhận thức đúng mực, sức khỏe tinh thần thường được tiếp cận tách rời với sức khỏe thể lý và ngược lại. Dịch vụ tham vấn tâm lý trị liệu đã xuất hiện ở các không gian như trường quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, nhưng chưa được mang nhiều vào các không gian công như bệnh viện, trường học, nhà dưỡng lão… Chi phí một phiên trị liệu một giờ đồng hồ có thể là vài trăm ngàn đồng nên những người có đời sống kinh tế dưới mức trung bình khó có thể chi trả.

Việc tạo ra các mạng lưới và hiệp hội là rất cần thiết để qua đó thống nhất các yêu cầu, quy định, quy chế về đào tạo; chuẩn mực đạo đức khi hành nghề nhằm bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho các bên cung cấp và sử dụng dịch vụ; mang lại cơ hội học hỏi, phát triển cho những người trong ngành; giúp người cần tìm đến dịch vụ có nhận thức tốt hơn, hiểu rõ hơn quyền lợi của mình với tư cách thân chủ; tăng cơ hội hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần cho các nhóm cộng đồng dễ tổn thương.

KTSG: Chị nghĩ gì về vai trò của trị liệu tâm lý hậu đại dịch Covid-19?

– Rất cần thiết, để giải quyết một số vấn đề tâm lý có thể gặp phải, như lo âu, căng thẳng khi tái hòa nhập đời sống xã hội, hoặc những căng thẳng tồn đọng trong gia đình do dịch kéo dài, do bất ổn kinh tế, xích mích cá nhân, hay đơn giản là những căng thẳng đến từ bất đồng quan điểm, như các quan điểm liên quan tới tiêm vaccin chẳng hạn.

Ngoài ra, còn các vấn đề khác cũng rất nhức nhối như sang chấn y tế của người mắc bệnh, kiệt quệ sức lực của nhân viên tuyến đầu, đau thương và mất mát của những ai có người thân mất trong dịch bệnh…

KTSG: Về lâu dài, chị muốn hướng tới nhóm cộng đồng nào nhất trong trị liệu, và có sự hỗ trợ họ ra sao?

– Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh các thân chủ chủ động tìm đến, tôi đang làm các dự án hỗ trợ một vài cộng đồng dễ tổn thương ở Hội An và Đà Nẵng, bao gồm trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân ung thư và người LGBT.

Trong tháng tới, chúng tôi sẽ khởi động dự án cùng các học sinh cấp hai và cấp ba tại Hội An tìm hiểu thêm về bạo lực giới, bạo lực gia đình, và các kỹ năng xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Chúng tôi có chương trình tám tuần ứng dụng trị liệu nghệ thuật qua ngôn ngữ của nhiếp ảnh và phim để các học sinh có thể chia sẻ góc nhìn về các mối quan hệ. Sau tám tuần, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm và cuối năm sẽ có một chuỗi hội thảo trực tuyến miễn phí về chủ đề này.

NGUYỄN HƯƠNG LINH Cử nhân Kiến trúc (BA in Architecture) tại Korea National University of Arts, Seoul, Hàn Quốc (2014); Thạc sĩ Trị liệu nghệ thuật (MPS Art Therapy) tại School of Visual Arts, New York, Mỹ (2020). Cô cũng được chứng nhận của các khóa học ngắn hạn về Lòng trắc ẩn chánh niệm (Mindful Compassion Training) tại Đại học Naropa (Colorado, Mỹ), Fly By Light về kỹ năng làm việc với thanh thiếu niên và cộng đồng do One Common Unity tổ chức (Washington DC, Mỹ)… Cô là người sáng lập các dự án MAI:tri (dịch vụ trị liệu nghệ thuật và nâng cao sức khỏe tâm trí), Quàng khăn xanh & Thích nghịch đất (kho thông tin trực tuyến giúp trao quyền cho trẻ em gái, giáo dục giới tính và chống xâm hại), Gia đình nào cũng tuyệt (dự án chia sẻ kiến thức về đa dạng mô hình gia đình).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới