Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức của việc chuyển sản xuất về cố quốc là bài toán chi phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức của việc chuyển sản xuất về cố quốc là bài toán chi phí

Chánh Tài

(KTSG Online) – Trong báo cáo công bố hôm 27-5, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) nhận định rằng nỗ lực cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng không đơn giản và rất tốn kém, đặc biệt là đối với những tập đoàn lớn muốn đưa dây chuyền sản xuất về cố quốc.

Thách thức của việc chuyển sản xuất về cố quốc là bài toán chi phí
Hồi đầu tuần này, Công ty sản xuất thiết bị tập thể dục Peloton (Mỹ) thông báo sẽ đầu tư 400 triệu đô la để xây dựng nhà máy đầu tiên của công ty này tại Mỹ. Tuy nhiên, Peloton cho hay nhà máy này chỉ để bổ sung thêm cho mạng lưới chuỗi cung ứng của công ty này ở châu Á. Ảnh: Reuters

Báo cáo được đưa ra giữa lúc đại dịch Covid-19 tiếp tục gây xáo trộn chuỗi cung ứng và buộc các tập đoàn sản xuất có quy mô lớn trên toàn cầu phải thảo luận các phương án đưa dây chuyền sản xuất về cố quốc. Tuy nhiên, chi phí tốn kém của việc chuyển hoạt động  sản xuất về nước tốn kém chỉ là môt trong những lý do khiến các tập đoàn sản xuất ngần ngại triển khai các kế hoạch như vậy, theo nhận định của Tiến sĩ Akhmad Bayhaqi, nhà phân tích cấp cao của bộ phận hỗ trợ chính sách của APEC.

Báo cáo của APEC cho biết các chuỗi cung ứng toàn cầu được hình thành dựa trên các mối liên kết kinh doanh tạo ra tính hiệu quả về chi phí cao nhất để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Những gián đoạn gần đây trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt ra câu hỏi hóc búa cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn giữa hiệu quả chi phí và khả năng chống chọi trước các cú sốc của chuỗi cung ứng.

Ông nói: “Trong dài hạn, vẫn chưa biết biết được các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi ra sao để ứng phó đại dịch này. Nếu bạn đưa hoạt động về cố quốc nhưng rốt cục, phải gánh chịu chi phí hoạt động lớn hơn thì lúc đó, doanh nghiệp của bạn có lẽ không tồn tại nổi”.

Satvinderjit Kaur Singh, nhà nghiên cứu ở bộ phận hỗ trợ chính sách của APEC, nói: “Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước khác (bên ngoài Trung Quốc) hoặc đưa chuỗi cung ứng về nước sẽ khiến chi phí sản xuất tốn kém hơn và gây tổn thương triển vọng tăng trưởng của họ trong dài hạn”.

Hồi đầu tuần này, Công ty sản xuất thiết bị tập thể dục Peloton (Mỹ) thông báo sẽ đầu tư 400 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy đầu tiên của công ty này tại Mỹ. Nhà máy mới sẽ được đặt tại Troy Township, bang Ohio trên một khuôn viên có diện tích 809.000 mét vuông. Peleton dự kiến làm lễ động thổ xây dựng vào mùa hè này để có thể đưa nhà máy vào vận hành vào năm 2023.

Nhu cầu thiết bị tập thể dục tăng mạnh trong thời kỳ dịch bệnh nhưng Peleton giao hàng chậm vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài nước Mỹ, khiến khách hàng và các nhà đầu tư thất vọng.

Hiện tại, Peleton sản xuất hầu hết máy tập chạy bộ và xe đạp tập thể dục trong nhà ở các cơ sở thuộc bên thứ 3 tại Đài Loan. Nhu cầu các sản phẩm của Peleton tăng hơn gấp đôi giữa lúc tình hình vận tải biển toàn cầu căng thẳng, buộc công ty này phải đầu tư hơn 100 triệu đô la cho vận tải hàng không cũng như để thúc đẩy vận tải biển. Peleton cho biết kế hoạch xây dựng nhà máy ở Ohio chỉ là để bổ sung cho các dây chuyền sản xuất ở châu Á, chứ không phải chuyển hết hoạt động sản xuất về Mỹ.

Trong tuần này, khi được hỏi về kế hoạch của ngành công nghiệp ô tô Mỹ về việc đưa hoạt động sản xuất của các nhà cung cấp về nước, Louis Vitantonio, Chủ tịch Hiệp hội các đại lý ô tô ở vùng đô thị Cleveland, nói rằng các bên liên quan đang tìm phương án hiệu quả để đưa các nhà cung cấp linh kiện ô tô về nước và tìm nơi để đặt các nhà máy nhưng việc xây dựng chúng rất khó khăn.

Tuy vậy, nhiều công ty vẫn muốn triển khai kế hoạch đưa các nhà máy về cố quốc để bảo đảm chuỗi cung ứng của họ sẵn sàng ứng phó cho những cú sốc khác trong tương lai.

Nếu đầu tư đúng đắn, khoản tiền chi ra để củng cố sức chống chịu của chuỗi cung ứng có thể giúp tăng sản lượng ở nhà máy thêm 25% và giúp nâng cao sự hài lòng của khách hàng thêm 30%, báo cáo của APEC nhận định.

Theo báo cáo này, các biện pháp khả quan khác bao gồm thúc đẩy các công nghệ số hóa giúp nâng cao khả năng giám sát chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng nên hỗ trợ các công ty trong nước duy trì các kỹ năng và kiến thức mà họ tích lũy được từ mạng lưới chuỗi cung ứng của họ.


Theo Bloomberg, Apec.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới